Động lực quan trọng phát triển kinh tế
Khát vọng kinh tế tư nhân | |
Để kinh tế tư nhân mạnh hơn | |
Tăng trưởng theo hướng bền vững |
Hội nghị Trung ương 5 Khóa XII vừa bế mạc đã nhất trí ban hành ba nghị quyết quan trọng, mang tính bản lề cho phát triển kinh tế, gồm: Nghị quyết về Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường (KTTT) định hướng XHCN; Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN; Phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) trở thành một động lực quan trọng của nền KTTT định hướng XHCN.
Phát biểu bế mạc phần về KTTN, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “sau hơn 30 năm đổi mới, của chúng ta về vị trí, vai trò của KTTN đã có những bước tiến quan trọng. Từ chỗ kỳ thị, coi nhẹ đã thừa nhận KTTN “là một trong những động lực” và đến nay “là một động lực quan trọng” để phát triển KTTT định hướng XHCN ở nước ta”.
Cần tạo điều kiện thuận lợi để KTTN phát triển ở tất cả các ngành và lĩnh vực mà pháp luật không cấm |
KTTN đã ngày càng phát triển và với tỷ trọng 39 - 40% trong GDP. Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh và đến nay đã hình thành được một số tập đoàn KTTN có quy mô lớn.
“Chăm lo phát triển KTTN nhanh, lành mạnh và đúng đắn hơn, thực sự trở thành một động lực quan trọng để giải phóng sức sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội; cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể làm nòng cốt để bảo đảm xây dựng thành công nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế” - Tổng bí thư nêu rõ.
Để phát huy những kết quả, thành tựu đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại thì trước hết, cần tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về phát triển KTTN, coi đây là yêu cầu tất yếu, khách quan trong quá trình phát triển nền KTTT định hướng XHCN. Cần tạo điều kiện thuận lợi để KTTN phát triển ở tất cả các ngành và lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Thúc đẩy phát triển mọi hình thức liên kết, hợp tác sản xuất, kinh doanh, cung cấp hàng hoá, dịch vụ theo mạng sản xuất, chuỗi giá trị thị trường giữa KTTN với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể và các DN có vốn đầu tư nước ngoài nhằm tiếp nhận, chuyển giao, tạo sự lan toả rộng rãi về công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại.
Muốn vậy, Tổng bí thư nhấn mạnh: “Về phía Nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức, cần có sự đột phá trong tư duy và hành động, kiên trì đổi mới, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thật tốt luật pháp, cơ chế, chính sách phù hợp với quy luật thị trường và thông lệ, chuẩn mực quốc tế; xoá bỏ mọi định kiến, rào cản; cải cách mạnh các thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi cho KTTN phát triển”. Tổng bí thư cũng lưu ý cần ngăn chặn, hạn chế mặt tiêu cực, đặc biệt là phòng chống mọi biểu hiện của "chủ nghĩa tư bản thân hữu", quan hệ "lợi ích nhóm", "thao túng chính sách", cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính.
Trong khi đó về phía các doanh nhân, DN cũng cần chủ động, tích cực hơn nữa trong đổi mới quản lý, quản trị DN, nâng cao hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của DN cũng như từng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ cụ thể. Tăng cường liên kết sản xuất, tham gia chuỗi giá trị trong nước, khu vực và thế giới, xây dựng thương hiệu và "chữ tín" trong kinh doanh, chú trọng xây dựng, nâng cao văn hoá DN và đạo đức doanh nhân. Chăm lo đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, thực hiện nghiêm mọi quy định của pháp luật.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Chúng ta ngày càng thấm hơn vai trò của KTTN và khẳng định đấy chính là lực lượng cơ bản đảm bảo bền vững của phát triển kinh tế. Hiện một bộ phận của KTTN có tốc độ phát triển cao hơn các DNNN, năng lực cạnh tranh khá cao, có thương hiệu, tầm ảnh hưởng, được thế giới ghi nhận và đang dần vươn ra thế giới. Nhưng rõ ràng KTTN vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Chúng ta nói tới con số 1 triệu DN tới năm 2020 cũng chính là nói đến DN khối KTTN. Họ sẽ chiếm đến 99,9% số lượng DN trong nền kinh tế. Về lâu dài, khu vực KTTN trong nước chính là động lực, chìa khóa của phát triển bền vững và tự chủ của nền kinh tế chúng ta. Những thông điệp về vai trò của khu vực KTTN cần tiếp tục được nhấn mạnh để trở thành một nhận thức và từ nhận thức đó trở thành hành vi. Còn chừng nào chưa nhận thức đầy đủ về khu vực tư nhân và vai trò của doanh nhân thì lúc đó chưa thể có nền tảng tâm lý xã hội tốt cho hỗ trợ phát triển KTTN. Để phát triển khu vực KTTN trước hết phải có một môi trường thể chế kinh doanh an toàn, thuận lợi, chi phí thấp, tạo thế chân kiềng của thể chế thúc đẩy KTTN. Còn vai trò của Nhà nước là tạo ra môi trường, sân chơi, luật chơi công bằng. Chính phủ kiến tạo là chính phủ không làm thay người dân và DN, mà tạo môi trường và khuyến khích huy động mọi nguồn lực trí tuệ của người dân để phát triển nền kinh tế. TS. Nguyễn Đình Cung, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM): Sau một thời gian được “cởi trói” các DN tư nhân Việt Nam đã có bước phát triển mạnh nhưng đến nay vẫn còn một bộ phận không muốn lớn và có muốn lớn cũng không lớn được. Việc tạo ra môi trường bên ngoài thuận lợi để DN tư nhân muốn lớn có thể lớn được là rất quan trọng. DN muốn phát triển phải dựa trên sáng kiến, sáng tạo, có sản phẩm mới, cách làm mới (chứ không như trước đây chỉ mua chỗ này, bán chỗ kia là đã có lời). Tuy nhiên, sáng kiến, sáng tạo vẫn là việc khó với các DN tư nhân vì chúng ta còn có nhiều quy định hạn chế, chưa nâng niu, khuyến khích, thừa nhận và nâng đỡ sáng tạo. Chúng ta cần khuyến khích sáng kiến, sáng tạo đồng thời thay đổi cơ chế phân bổ nguồn lực, tạo điều kiện để DN tích tụ được nguồn lực cần thiết để phát triển. Nhưng cũng có một vấn đề khác đặt ra là tình trạng bản thân nội tại DN không muốn lớn vì chưa thực cảm thấy an toàn và an tâm. Trong kinh doanh, dòng tiền luôn chạy, tài sản của họ có thể biến đổi từ dạng này sang dạng khác. Nhưng nếu có vấn đề gì khiến dòng tiền không chạy được, tài sản của họ có thể mất trong một đêm. Ví dụ, tự nhiên có quyết định thanh tra DN, theo phản ứng thị trường, quyết định ấy có thể sẽ gây hoang mang cho người mua hàng, người cấp hàng, người đầu tư vào DN đó. Họ ngừng cấp hàng, người mua hàng… hệ lụy có thể kéo đến là dòng tiền bị đứt và có thể ngay lập tức rơi vào rủi ro. Thực tế thì với DN thanh tra kiểm tra đang khá nhiều. Tâm lý không an toàn và không an tâm đó khiến nhiều DN không có chiến lược kinh doanh dài hạn. Và khi không có chiến lược kinh doanh dài hạn thì họ cũng không tập trung vào xây dựng năng lực của mình về nhân lực, quản trị, xây dựng quan hệ kinh doanh bạn hàng bền vững… và tất cả những yếu tố đó khiến bản thân DN không muốn lớn. Như vậy, để khu vực KTTN phát triển cần những cải cách cả bên trong và bên ngoài. Vấn đề đặt ra lúc này là một mặt cần tạo môi trường thúc đẩy sáng tạo, khuyến khích sáng tạo, tiếp tục cải thiện MTKD theo hướng thị trường, tự do và an toàn hơn. Các chính sách cần đảm bảo tính ổn định, lâu dài và được thực thi nghiêm túc, công bằng. DN muốn lớn phải làm ăn chính thống, minh bạch. Khi có ngày càng nhiều DN làm ăn minh bạch thì các DN khác cũng vững tin mà làm theo. Ông Nguyễn Quang Huân, Phó chủ tịch Hội DNTN, Chủ tịch HĐQT HALCOM: 2016-2017 là giai đoạn bản lề của cộng đồng DN Việt Nam, với hàng loạt thông điệp, chính sách và hành động mạnh mẽ nhất từ trước đến nay của Chính phủ. Đặc biệt là quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân và DN. Như một mối quan hệ biện chứng, xây dựng một Chính phủ liêm chính, Chính phủ cũng mong ở các DN những nguyên tắc, đạo đức kinh doanh liêm chính. Và đây là thời điểm phù hợp để xây dựng DN liên chính, thực hiện các chính sách về công khai, minh bạch xét trên khía cạnh vĩ mô tầm quốc gia và đưa vào thực tiễn hoạt động các chương trình tuân thủ xét trên khía cạnh vi mô là các DN. Để đạt được mục tiêu về liêm chính, minh bạch, DN phải thiết lập các tiêu chuẩn và quy trình và quy định trong mọi hoạt động nhằm ngăn chặn sự lạm dụng quyền lực và chức vụ, giảm thiểu những rủi ro không cần thiết cho DN. Cần có những cơ chế kiểm soát nội bộ hiệu quả để ngăn chặn được các hành vi tham nhũng, lãng phí ngay từ bên trong mà không cần phải hô hào hay hô khẩu hiệu suông. Minh bạch là yếu tố then chốt, nhờ có minh bạch mà sự chân thành mới được kiểm chứng, tạo ấn tượng với khách hàng. Khi kinh doanh một cách minh bạch, không tham gia vào hoạt động tham nhũng, DN sẽ có kỹ năng kinh doanh tốt hơn và sẽ tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao hơn, cạnh tranh dựa trên hình ảnh và chất lượng sản phẩm của DN. Khi tất cả đều kinh doanh minh bạch, xã hội và đất nước sẽ được hưởng lợi. |