Để Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn
'Việt Nam là điểm đến đầu tư nóng nhất châu Á' | |
Việt Nam sẽ là điểm đến của làn sóng dịch chuyển đầu tư |
“Nắm bắt thời cơ CMCN 4.0” là một quyết định đúng
Nói về những kỳ vọng và đề xuất đặt ra trong Sách Trắng 2019, ông Denis Brunetti - đồng Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh “Số hóa đóng vai trò quan trọng”. Việc số hóa nền kinh tế Việt Nam sẽ đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong giai đoạn tới. Ảnh hưởng của CMCN 4.0 không chỉ góp phần tăng năng suất và vị thế cạnh tranh cho đất nước mà còn thu hút đầu tư nước ngoài mới từ các DN công nghệ thông tin (CNTT), công nghệ cao hàng đầu châu Âu.
Ảnh minh họa |
“Quyết định nắm bắt thời cơ CMCN 4.0 Chính phủ Việt Nam thực sự là một quyết định đúng đắn cho cả DN Việt Nam và châu Âu”, vị đồng Chủ tịch nhấn mạnh. Điều này sẽ tạo cơ hội cho các thành viên của EuroCham phát triển đầu tư tại Việt Nam và thúc đẩy làn sóng tăng trưởng kinh tế dựa trên Internet. CMCN 4.0 chắc chắn sẽ nâng cao vị thế cạnh tranh, năng suất lao động và tư duy tiến bộ của Việt Nam; tăng khả năng cạnh tranh của đất nước trên thị trường toàn cầu và cải thiện đời sống của người dân.
Trong khi đó, ngành CNTT và cơ sở hạ tầng (CSHT) kinh tế của Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc chuyển giao kiến thức, công nghệ mới và làm việc với các chuyên gia hàng đầu châu Âu.
EuroCham và Tiểu ban CNTT&TT cam kết hợp tác và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đạt được mục tiêu chương trình hiện đại hóa tham vọng và tiến bộ bằng cách chia sẻ chuyên môn quốc tế và những hiểu biết thực tiễn tốt nhất từ khắp nơi trên thế giới vì lợi ích và sự phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai của Việt Nam.
Vì vậy, để tăng năng suất và nâng cao lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực, Chính phủ cần xem xét: Đẩy nhanh quá trình số hóa nền kinh tế và tiếp tục áp dụng các ứng dụng CNTT trong sản xuất cũng như trong các ngành công nghiệp khác; Hợp tác với các trường đại học để tăng cường các kỹ năng kỹ thuật số của lực lượng lao động, đặc biệt tập trung vào giáo dục và đào tạo để trang bị cho sinh viên sẵn sàng đảm nhận các công việc công nghệ cao trong tương lai;
Hợp tác với các ngành công nghiệp để áp dụng các giải pháp quy mô như hệ thống quản lý hoạt động, hệ thống bảo trì dự báo trước, tối ưu hóa khả năng lưu trữ, sử dụng năng lượng hiệu quả và hệ thống truy xuất nguồn gốc; Tiếp tục triển khai các sáng kiến tích cực như Chính phủ điện tử, hợp lý hóa và hiện đại hóa các quy trình hành chính cho DN.
Tăng diện miễn thị thực, giảm thiểu chi phí hậu cần
Nhấn mạnh khuyến nghị “Tập trung giảm thiểu chi phí hậu cần”, ông Will Mackereth - Đại diện Tiểu ban Vận tải và Hậu cần nói: “CSHT giao thông được xác định là một trong những mục tiêu chính mà Chính phủ cần giải quyết để giảm thiểu chi phí hậu cần.Và mấu chốt ở đây là cần sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ và cộng đồng DN”.
Cho đến nay, do những khó khăn với cơ chế PPP hiện hành, các nhà đầu tư (NĐT) và đặc biệt là các NĐT tư nhân nước ngoài trong nhiều trường hợp chỉ dựa vào lập một dự án đầu tư theo Luật Đầu tư; hoặc thực hiện các dự án Xây dựng - Chuyển giao (BT) mà qua đó việc thi công CSHT công (chủ yếu là đường cao tốc) được thanh toán bởi Nhà nước bằng việc cấp cho NĐT quyền được thực hiện một dự án tư nhân, như dự án phát triển đô thị hoặc phát triển bất động sản. Các lựa chọn này bị giới hạn bởi bản chất của chúng và rõ ràng là cần có một môi trường pháp lý mạnh mẽ hơn cho PPP để khuyến khích các NĐT tư nhân và đặc biệt là các NĐT nước ngoài đầu tư vào nhu cầu CSHT lớn của Việt Nam.
“Vai trò giám sát của Chính phủ cần được nhấn mạnh để không chỉ đảm bảo phân bổ nguồn lực hiệu quả đối với cả dự án công lẫn dự án tư nhân mà còn đảm bảo sự an toàn và tính bền vững của các công trình này. Điều này cũng sẽ góp phần củng cố sự tin tưởng của các DN và xã hội, cũng như nâng cao hình ảnh của Việt Nam trong việc thu hút FDI trong tương lai”, ông Will Mackereth lưu ý thêm.
Đưa ra đề xuất rất cụ thể, Việt Nam nên mở rộng phạm vi miễn thị thực - ông Martin Koerner - đồng Chủ tịch Tiểu ban Du lịch và Nhà hàng – Khách sạn cho biết, hiện Việt Nam mới miễn thị thực cho Anh, Đức nhưng không miễn thị thực cho những quốc gia như Thụy Sĩ là không thật sự phù hợp.
“Chúng tôi kiến nghị kéo dài thời gian miễn thị thực lên tới 30 ngày bởi nhiều du khách thường muốn tham quan nhiều hơn 1, 2 điểm du lịch sau khi bay quãng đường dài từ châu Âu tới Việt Nam”, ông Martin nói và nhấn thêm: Hiện các công ty du lịch châu Âu đang phải giới hạn các hoạt động của du khách trong vòng 2 tuần trong khi du khách muốn được ở lại tới 3 tuần hoặc lâu hơn. Đây là một tổn thất lớn cho Việt Nam khi mất cơ hội gia tăng thu nhập từ đối tượng du khách này. Việt Nam hiện đang cạnh tranh trực tiếp với Thái Lan, Bali (Indonesia) và các quốc gia Đông Nam Á khác. Việc nới lỏng các chính sách thị thực nhằm thu hút nhiều du khách châu Âu hơn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam như một điểm đến du lịch hấp dẫn”.
Sách Trắng là một ấn phẩm mang lại cái nhìn tổng quan súc tích về môi trường kinh doanh và các vấn đề đang ảnh hưởng đến cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam và đưa ra các kiến nghị cụ thể nhằm cải thiện hoặc giúp giải quyết các vấn đề, góp phần để Việt Nam tiếp tục cải thiện mạnh hơn nữa để tiếp tục vẫn là điểm đến hấp dẫn.