Địa phương 'đủng đỉnh', cổ phần hóa ì ạch
Họp báo chuyên đề về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp |
Thông tin về vấn đề này tại buổi họp báo chuyên đề do Bộ Tài chính tổ chức sáng nay, 28/2/2019, Cục trưởng Cục Quản lý tài chính doanh nghiệp cho biết: Năm 2018, nhiệm vụ đặt ra là phải cổ phần hóa 64 doanh nghiệp, nhưng năm qua mới có 23 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa.
Năm 2019 phải cổ phần hóa 18 doanh nghiệp, trong khi đã đi qua gần hết quý I nhưng chưa có doanh nghiệp nhà nước nào xong thủ tục cổ phần hóa. Như vậy, trong 9 tháng còn lại của năm phải cổ phần hóa xong 41 doanh nghiệp từ năm 2018 để lại và 18 doanh nghiệp theo kế hoạch năm 2019 thì mới có thể hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa vào năm 2020.
Nhiều đơn vị có số lượng doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa lớn nhưng chưa thực hiện theo đúng kế hoạch và chưa báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh tiến độ thực hiện.
Nguyên nhân của sự chậm trễ nói trên được chỉ ra là do một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc thực hiện; vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt; đồng thời do việc xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước cổ phần hóa kéo dài.
“Đặc biệt là vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do UBND địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định dẫn đến các doanh nghiệp phải điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa”, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết.
Việc các địa phương chậm công bố quy hoạch sử dụng đất, giá đất khiến doanh nghiệp chưa có căn cứ để tính giá trị đất đai vào giá trị doanh nghiệp để tiến hành định giá. “Tiến độ cộ phần hóa bây giờ phụ thuộc nhiều ở chính quyền địa phương. Nếu địa phương đủng đỉnh thì quá trình cổ phần hóa chậm là đúng”, ông Tiến phát biểu.
Bởi thực tế, hiện ở nhiều doanh nghiệp, đất đai hiện là nhà xưởng nhưng nếu chỉ định giá hiện tại theo giá trị đất là nhà xưởng, sau này nơi đó trở thành đô thị, nơi đó xây cao tầng… thì giá trị chênh lệch quá lớn và khi đó Nhà nước sẽ bị thiệt lớn. Nên khi chưa rõ quy hoạch, không dám định giá đất vào giá trị doanh nghiệp ngay là vì thế, lại phải chờ.
Tương tự, tiến độ thoái vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp cũng rất chậm do gặp nhiều khó khăn. Theo chủ trương chung, năm 2018 phải thoái vốn tại 181 doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế trong năm 2018 việc thoái vốn mới thực hiện tại 54 doanh nghiệp. 3 tháng đầu của năm 2019 đã qua nhưng chưa có doanh nghiệp trong danh sách nói trên thực hiện thoái vốn.
Ông Tiến cho biết có những dự án sẵn sàng để bán nhưng không ai mua, như Nhà máy giấy Phương Nam đã ba, bốn lần tổ chức đấu giá mà không thành. Có những dự án sẵn sàng có người mua như Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II nhưng do tranh chấp pháp lý với nhà thầu EPC là nhà thầu nước ngoài đến nay chưa giải quyết xong nên vẫn vướng.
Đề cập đến các bước cần triển khai tiếp theo, ông Tiến cho biết đến nay, cơ sở pháp lý để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn đã đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán cổ phần và thu hút được các nhà đầu tư có tiềm năng...
Tuy nhiên, việc thực hiện và kết quả thế nào phụ thuộc vào người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Công việc còn nhiều, thời gian còn ngắn, theo ông Tiến, năm 2019 phải là năm hành động, nếu không có biện pháp quyết liệt gắn với trách nhiệm người đứng đầu thì không hoàn thành được kế hoạch.