“Điểm tựa” cho tỷ giá
Dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục 57 tỷ USD | |
Tăng dự trữ ngoại hối có ý nghĩa rất lớn |
Một trong những con số đáng chú ý được đề cập đến nhiều trong những ngày gần đây, đó là dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã đạt gần 60 tỷ USD cũng là mức kỷ lục cao nhất từ trước đến nay. Như vậy, chỉ sau 2 tháng đầu năm 2018, NHNN đã mua vào hơn 4 tỷ USD, gia tăng nhanh nguồn lực dự trữ ngoại hối góp phần nâng uy tín, vị thế của Việt Nam, đặc biệt là với nhà đầu tư nước ngoài.
“Dự trữ ngoại hối tăng sẽ giúp Việt Nam nâng cao xếp hạng tín nhiệm trong tương lai. Nhất là giúp Chính phủ giảm được chi phí vay vốn khi phát hành TP ngoại tệ ra thị trường quốc tế trong thời gian tới”, một chuyên gia nhận định và cho biết thêm, phí hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) kỳ hạn 5 năm của Việt Nam trong tháng đầu năm nay đã giảm thêm 7,37 điểm cơ bản xuống chỉ còn 113,77 điểm cơ bản, mức thấp trong giai đoạn gần đây.
Dự trữ ngoại hối Việt Nam đang ở mức cao nhất từ trước đến nay |
Theo tính toán một chuyên gia, nếu lấy mốc kim ngạch nhập khẩu tháng 1/2018 của cả nước là 20,04 tỷ USD và dự trữ ngoại hối gần 60 tỷ USD cùng thời điểm đạt được thì mức dự trữ ngoại hối tương đương với 3 tháng nhập khẩu của Việt Nam cũng là mức đủ lớn để đối phó với các cú sốc ngoại lai.
“Phải thừa nhận rằng, mức dự trữ ngoại hối trên chưa phải là quá cao so với các nước cùng khu vực, nhưng đó là sự cải thiện tích cực của Việt Nam so với các năm trước đây. Với diễn biến kinh tế vĩ mô ổn định, cùng với việc Chính phủ quyết liệt đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các DNNN, các tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, dự kiến nguồn ngoại tệ lớn của các NĐT nước ngoài đổ vào Việt Nam, tạo điều kiện cho NHNN tiếp tục mua thêm ngoại tệ bổ sung dự trữ quốc gia”, vị chuyên gia này nhận định.
Dự trữ ngoại hối liên tục tăng là tin vui đối với NHNN. Bởi đó là công cụ, nguồn lực cần thiết giúp nhà điều hành can thiệp ổn định tỷ giá. Theo lãnh đạo chuyên trách của NHNN, trong những ngày sát tết âm lịch 2018, NHNN tiếp tục mua ròng lượng lớn ngoại tệ. Quy mô mua vào ngoại tệ có ngày lên đến 500 triệu USD, cá biệt có ngày lên tới 1 tỷ USD… Song, nếu chỉ dừng lại ở việc mua “thuần” ngoại tệ, thì chưa chắc nhà điều hành đạt được mục tiêu. Với nguồn cung lớn như vậy tỷ giá USD/VND trên thị trường 1 và 2 có dấu hiệu giảm.
Ngày 8/2, Sở giao dịch NHNN đã giảm 10 đồng giá mua vào xuống còn 22.700 đồng/USD và bán ra còn 23.088 đồng/USD. Sự can thiệp kịp thời của NHNN theo đánh giá của các chuyên gia là rất kịp thời và đạt được hai mục đích là bổ sung dự trữ ngoại hối, mà cân bằng được tỷ giá USD/VND. Vì đối với tỷ giá nếu để xuống thấp quá hay cao quá đều bất lợi và gây thiệt hại cho nền kinh tế. Mặt khác, thông qua việc đưa tiền ra thông qua mua ngoại tệ, NHNN đã chủ động hỗ trợ thanh khoản VND cho hệ thống TCTD và nền kinh tế.
Trên thực tế, việc đưa tiền qua nghiệp vụ thị trường mở và tái cấp vốn chủ yếu để hỗ trợ thanh khoản khi thị trường thiếu hụt tạm thời nhất là trước các dịp lễ, Tết để TCTD cân bằng năng lực tài chính trong việc cấp tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Nhưng nếu theo dõi sát diễn biến thị trường ngoại tệ những ngày qua có thể thấy, NHNN đã sử dụng đồng thời rất nhiều công cụ để đảm bảo mục tiêu đặt ra vừa tăng dự trữ ngoại hối, vừa ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá. Việc NHNN phát đi thông điệp mua USD kỳ hạn 3 tháng tới các thành viên tham gia thị trường đã lý giải vì sao NHNN lại mua kỳ hạn 3 tháng mà không mua giao ngay như mọi khi, một chuyên gia nhận định, việc mua kỳ hạn này, trước hết, nhà điều hành tạo thêm sản phẩm để các thành viên thị trường có thêm lựa chọn, tính toán và cân đối trong giao dịch và sử dụng vốn, đồng thời hạn chế việc cùng lúc đưa lượng lớn VND ra thị trường để mua ngoại tệ nhằm giãn áp lực dồn vào một thời điểm.
Trước những phản ứng chính sách liên tiếp của NHNN, các chuyên gia cho rằng, NHNN đã và đang xây dựng nhiều kịch bản cùng với những giải pháp điều hành tỷ giá hiệu quả ứng phó với diễn biến thị trường. Tuy nhiên,ngoài dự trữ ngoại hối, trong năm 2018, NHNN cần để mắt tới những yếu tố có thể tạo áp lực lên điều hành tỷ giá. Đầu tiên là vấn đề xuất nhập khẩu năm 2018, nếu năm nay quay trở lại nhập siêu sẽ tạo áp lực lên tỷ giá.
Yếu tố thứ hai là FED điều chỉnh lãi suất. Tuy mức độ điều chỉnh không nhiều nhưng số lần điều chỉnh dự kiến tăng so với năm trước cũng sẽ gây khó khăn cho tỷ giá khi giá trị đồng USD tăng cao. Ngoài vấn đề xuất nhập khẩu, cán cân thương mại, cán cân thanh toán cần duy trì ổn định qua nguồn kiều hối, đầu tư trực tiếp, gián tiếp và nợ công phải được kiểm soát để không tạo áp lực tỷ giá. Và những yếu tố mang tính phi thị trường có tác động mạnh lên tỷ giá cần phải được dự phòng như khủng hoảng về quân sự, chính trị trên thế giới…
“Nói chung bên cạnh vấn đề dự trữ quốc gia, nguồn cung - cầu phải được kiểm soát ổn định. Đây là yếu tố quan trọng đảm bảo ổn định tỷ giá bền vững”- một chuyên gia lưu ý.
Cùng chung khuyến nghị trên, nhưng một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia tỏ ra lạc quan hơn cho rằng, với tình hình xuất khẩu tăng trưởng tốt, kinh tế vĩ mô ổn định sẽ tiếp tục giúp Việt Nam hấp thụ vốn đầu tư tốt từ nước ngoài. Bên cạnh những nguồn vốn đầu tư, nguồn kiều hối dự kiến tiếp tục duy trì như năm 2017 cũng là nguồn cung quan trọng giúp thị trường ngoại hối trong năm 2018 được ổn định. Với nguồn dự trữ ngoại hối tăng cao, cùng giải pháp điều hành tỷ giá linh hoạt, ngày càng trở nên nhuần nhuyễn, sức ép lên tỷ giá trong năm 2018 dự báo sẽ được hóa giải.