Tăng dự trữ ngoại hối có ý nghĩa rất lớn
Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương diễn ra ngày 28/12/2017, trong bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điểm lại những thành công của năm 2017, trong đó nhấn mạnh: kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,53%.
Nhớ lúc lạm phát của chúng ta lên tới 18% mới thấy ý nghĩa của con số trên 3%.
Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm, bội chi ngân sách ở mức thấp, chỉ khoảng 3,5% so với GDP. Thị trường tiền tệ ổn định, dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục 51,5 tỷ đô la Mỹ. “Có lúc dự trữ ngoại hối chỉ còn 1 tuần thôi nên đạt được mức này là mừng lắm.” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói thêm.
Trong Báo cáo về kết quả tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 của Chính phủ cũng khẳng định, năm 2017, Chính phủ đã chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thúc đẩy tăng trưởng.
Tín dụng tăng khoảng 19%, cơ cấu chuyển dịch tích cực, chất lượng được nâng lên, an toàn hệ thống được bảo đảm; tỷ giá thị trường ngoại hối, giá trị đồng Việt Nam ổn định, dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục 51,5 tỷ USD.
Phát biểu sau đó một ngày, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, đến ngày 29/12/2017, tổng dự trữ ngoại hối Nhà nước chính thức ở mức xấp xỉ 52 tỷ USD. “Như vậy trong năm 2017 chúng ta đã mua vào khoảng 13 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối, đây là mức kỷ lục.” – Thống đốc chia sẻ.
Thống đốc cho rằng, công tác điều hành chính sách tỷ giá và thị trường ngoại tệ đã cung ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ cho nền kinh tế, đảm bảo hỗ trợ cho xuất khẩu, kiểm soát được sự ổn định của thị trường ngoại tệ và đặc biệt việc tăng dự trữ ngoại hối có ý nghĩa rất lớn trong việc củng cố vị thế, uy tín quốc gia, tạo lòng tin cho các nhà đầu tư khi đầu từ vào Việt Nam.