Điện cho nông thôn mới: Hầu hết dự án không đảm bảo tính khả thi về kinh tế - tài chính
Gần 82.000 tỷ đồng đầu tư lưới điện nông thôn | |
Hà Nội phát triển điện nông thôn ngang bằng nội đô |
Ảnh minh họa |
Suất đầu tư cao, không thể điều tiết vốn đồng bộ
Theo Báo cáo của Bộ Công Thương tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của các địa phương, đến nay, cả nước có 8.902 xã trong đó có 8.072 xã đạt Tiêu chí số 4 về điện nông thôn đạt 90,7% tổng số xã của cả nước.
Trong đó, các vùng có tỷ lệ xã đạt tiêu chí số 4 cao là: Đồng bằng sông Hồng đạt 99,9%; khu vực Bắc Trung Bộ đạt 95,5%; vùng duyên hải Nam Trung Bộ đạt 96,4%; vùng Đông Nam Bộ đạt 90,1%.
Có thể thấy, việc đầu tư phát triển điện nông thôn trong 10 năm qua đã làm cho bức tranh cung cấp điện nông thôn được thay đổi rất nhiều từ mức độ chỉ được đáp ứng ở mức cơ bản, lên mức độ được đáp ứng hầu hết với chất lượng ngày càng cao, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nhìn nhận, mặc dù đã có rất nhiều cố gắng tuy nhiên tính đến tháng 8/2019, tỷ lệ xã đạt tiêu chí số 4 chưa đạt mục tiêu của Chính phủ giao tại Quyết định 1600/QĐ-TTg (mục tiêu 100% số xã đạt tiêu chí số 4) và mục tiêu của Bộ Công Thương đề ra tại Quyết định số 6286/QĐ-BCT (mục tiêu là 95,16% xã đạt tiêu chí số 4).
Thêm vào đó, hệ thống lưới điện nông thôn trong thời gian qua được tăng cường đầu tư nhưng chưa đồng đều, tổn thất điện năng ở một số nơi còn cao, điện áp cuối nguồn ở một số trạm biến áp vào giờ cao điểm chưa đảm bảo yêu cầu về chất lượng điện áp.
Tình trạng vi phạm hành lang lưới điện cao áp vẫn diễn biến phức tạp; còn nhiều điểm vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện hạ áp theo quy phạm (chủ yếu là cây cối) gây mất an toàn cho người và thiết bị; hệ thống dây sau công tơ thuộc trách nhiệm của hộ gia đình đã dẫn đến tình trạng nhiều chủng loại khác nhau, tiết diện chưa phù hợp với công suất sử dụng... là nguyên nhân gây ra nguy cơ mất an toàn lưới điện.
Đặc biệt, theo Thứ trưởng, trên thực tế, việc đầu tư cho điện nông thôn chi phí cao, suất đầu tư lớn, không được hỗ trợ từ nguồn vốn của Chương trình xây dựng nông thôn mới, nguồn lực thu hút vốn đầu tư vào lưới điện chủ yếu là vốn của ngành điện nên việc đầu tư cải tạo lưới điện nông thôn để thực hiện tiêu chí còn hạn chế, chưa kịp thời.
“Khó khăn lớn nhất là thiếu nguồn vốn. Đầu tư lưới điện nông thôn là đầu tư hạ tầng, trong khi lượng điện, tiêu thụ điện tại các vùng nông thôn ít, doanh thu bán điện thấp nhưng khối lượng và chi phí vốn đầu tư quá lớn. Hầu hết các dự án cấp điện nông thôn không đảm bảo tính khả thi về kinh tế-tài chính nên khó vay vốn của các tổ chức trong và ngoài nước, ngoại trừ các nguồn được hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho hay.
Bên cạnh đó, số xã chưa đạt tiêu chí số 4 chủ yếu là các xã có tỷ lệ hộ dân có điện thấp, tại khu vực cùng sâu, vùng xa, số hộ dân chưa có điện chủ yếu sống ở các thôn, bản vùng sâu, nằm quá xa lưới điện quốc gia, dân sống rải rác nên đầu tư cấp điện có chi phí quá lớn, suất đầu tư cao, nên không thể huy động và điều tiết được nguồn vốn để đầu tư đồng bộ, dàn đều giữa các vùng, miền.
Tăng cường lồng ghép, huy động nguồn lực
Đối với nhiệm vụ được Chính phủ giao, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Bộ này sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan bố trí nguồn vốn để đầu tư cải tạo, nâng cấp và mở rộng lưới điện nông thôn, ưu tiên các xã thuộc kế hoạch nông thôn mới vào các dự án mục tiêu nhằm sớm hoàn thành tiêu chí.
Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn khác nhau cho đầu tư xây dựng phát triển lưới điện nông thôn; lồng ghép nguồn vốn của các Chương trình như: Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo, Chương trình xây dựng nông thôn mới…
Đặc biệt, Bộ Công Thương chú trọng vào công tác nghiên cứu xây dựng cơ chế phù hợp khuyến khích các tổ chức trong và ngoài nước tham gia vào đầu tư phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Nghiên cứu đầu tư cấp điện với dạng năng lượng khác như năng lượng mặt trời, gió, thủy điện nhỏ, kết hợp mặt trời ắc qui… đối với các thôn bản chưa có điện, đó là những nơi dân cư phân bố thưa thớt, quá xa nguồn điện, suất đầu tư cao không thể cấp điện bằng nguồn lưới điện quốc gia.
Phối hợp với các địa phương hoàn thành chương trình xóa câu phụ, đảm bảo mỗi hộ dân được sử dụng điện của ngành điện.
Hoàn thành đầu tư các dự án, chương trình cấp điện cho nông thôn, cụ thể như: Dự án cấp điện khu vực nông thôn theo Quyết định 1740/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cấp điện phục vụ nuôi trồng thủy sản, cấp điện cho các trạm bơm, tưới tiêu chống úng, chống hạn; cấp điện cho vùng lõm chưa có điện; cấp điện cho chong đèn thanh long…
Bộ Công Thương cũng kiến nghị Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương có cơ chế riêng để huy động đầu tư, cải tạo lưới điện nông thôn, có chính sách cụ thể hỗ trợ cho ngành điện, các đơn vị, tổ chức đầu tư hạ tầng kỹ thuật, quản lý lưới điện nông thôn như: được vay vốn ưu đãi, giá mua - bán điện, thuế doanh nghiệp; có chính sách hỗ trợ huy động mọi nguồn vốn để đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống chợ, hạ tầng thương mại nông thôn.
Đồng thời, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ KH&ĐT khẩn trương đưa các nguồn vốn ngân sách Trung ương, đặc biệt là các nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại về các khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo để kịp thời phát huy được nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế cho đồng bào khu vực vùng sâu, vùng xa, giúp giảm nghèo và tiến tới xóa nghèo bền vững.