Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, ổn định kinh tế vĩ mô
Kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu định hướng từ đầu năm | |
Điều hành chính sách tiền tệ: Điểm tựa vững chắc cho nền kinh tế | |
Chiến lược ngành Ngân hàng: Những tín hiệu tích cực |
Ngày 30/10, Quốc hội tiếp tục phiên họp với phần chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ. Báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khóa XIV Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, trong lĩnh vực ngân hàng, đã thực hiện điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) chủ động, linh hoạt, kiểm soát lạm phát, góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời bảo đảm tín dụng cho nền kinh tế và giữ ổn định mặt bằng lãi suất, đáp ứng nhu cầu ngoại tệ và tăng dự trữ ngoại hối, chuyển hoá nguồn lực vàng vào sản xuất, kinh doanh.
CSTT góp phần tích cực kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng |
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã tăng cường thanh tra, giám sát, nâng cao năng lực cảnh báo, chủ động phát hiện, xử lý các rủi ro, tồn tại và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng; thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD; đẩy mạnh triển khai đề án thanh toán không dùng tiền mặt.
Trình bày thẩm tra từ các Ủy ban của Quốc hội về nội dung này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, CSTT đã được điều hành chủ động, linh động; các giải pháp điều hành lãi suất và tỷ giá được tập trung triển khai. Chương trình tín dụng ưu đãi đối với một số ngành, lĩnh vực đặc thù, đặc biệt đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, việc xử lý các TCTD yếu kém và xử lý nợ xấu đang được tiếp tục thực hiện; hoạt động thanh tra, giám sát được tăng cường; khuôn khổ pháp lý cho công tác thanh tra, giám sát được kiện toàn. Tuy nhiên, việc cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu còn khó khăn.
Trước đó, báo cáo thêm với Quốc hội, những nội dung liên quan đến công tác phối hợp trong điều hành CSTT, chính sách tài khóa, chính sách kinh tế vĩ mô, Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, theo tinh thần nghị quyết của Quốc hội phải tăng cường, củng cố sự ổn định của nền tảng vĩ mô và tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa điều hành chính sách vĩ mô của các cơ quan Chính phủ, đặc biệt là CSTT và tài khóa nên trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ cũng thường xuyên chỉ đạo chặt chẽ các bộ, ngành để tăng cường công tác phối hợp này. Nhờ đó, thời gian qua, hiệu quả của công tác điều hành và hoạch định các chính sách, đặc biệt là CSTT và tài khóa đạt được kết quả rất tốt.
Chẳng hạn như về điều hành kiểm soát lạm phát, trong điều hành CSTT, NHNN cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính. Qua đó, công tác điều hành và hoạch định CSTT đã giữ được sự ổn định của lãi suất, của lạm phát cơ bản ở mức thấp, năm 2016, bình quân ở mức 1,83%, năm 2017 ở mức 1,14%, 9 tháng/2018 chỉ ở mức 1,41%. “Qua điều hành ổn định và hiệu quả CSTT đã tạo dư địa để cho các bộ, ngành trong đó có Bộ Tài chính điều hành các mặt hàng quản lý giá của nhà nước, giữ được mục tiêu lạm phát của các năm dưới mục tiêu Quốc hội đề ra”, Thống đốc cho biết.
Bên cạnh đó, trong điều hành vĩ mô, vừa qua cá nhân Thống đốc NHNN và Bộ trưởng Bộ Tài chính đã trao đổi rất chặt chẽ để điều tiết lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước về NHNN, đảm bảo giữ ổn định thanh khoản, ổn định lãi suất và không gây sức ép lên thị trường tiền tệ cũng như lạm phát, qua đó đạt được hiệu quả rất cao trong việc giữ ổn định các nền tảng vĩ mô.
Hay như phối hợp trong công tác phát hành trái phiếu, mặc dù trong giai đoạn từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhu cầu phát hành trái phiếu Chính phủ rất lớn, tuy nhiên qua công tác điều hành CSTT cùng với chính sách tài khóa phối hợp chặt chẽ và hiệu quả, nên vẫn giữ được ổn định mặt bằng lãi suất trên thị trường tiền tệ, trong khi vẫn đảm bảo được nhu cầu phát hành trái phiếu Chính phủ và gia tăng được kỳ hạn phát hành.
“Như báo cáo của Bộ Tài chính, chúng ta đã tăng được kỳ hạn phát hành, thời gian phát hành dài hơn và đặc biệt lãi suất của các kỳ hạn cũng giảm. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn phát hành trái phiếu 5 năm cho đến năm 2018 đã giảm so với 2016, giảm được 2,83%, kỳ hạn 10 năm giảm được 2,1%, kỳ hạn 15 năm đã giảm được 2,8%, 20 năm thì giảm được khoảng 2,58% và kỳ hạn 30 năm giảm được xấp xỉ 2,6%, vừa gia tăng được kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ, vừa giảm được lãi suất là đóng góp rất lớn vào sự ổn định và bền vững của nợ công cũng như của NSNN”, Thống đốc cho biết thêm.
Đặc biệt, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ Công thương để điều hành chính sách tỷ giá một cách ổn định để theo mục tiêu xuyên suốt là ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tỷ giá ổn định, thị trường ngoại hối thông suốt một mặt đã góp phần ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát, từ đó củng cố lòng tin cho các NĐT, đặc biệt là các NĐT nước ngoài; mặt khác tỷ giá ổn định còn giảm được áp lực lên nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của NSNN...
Báo cáo thêm về định hướng điều hành CSTT thời gian tới, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán chỉ đạo của Quốc hội và của Chính phủ, phối hợp chặt chẽ cùng các bộ, ngành liên quan để kiểm soát và đảm bảo giữ được mục tiêu lạm phát ở mức Quốc hội đã thông qua. NHNN cũng sẽ tiếp tục phối hợp để quản lý được tốt các hoạt động, điều chỉnh, điều tiết các lượng tiền gửi của kho bạc ở hệ thống ngân hàng để giữ ổn định mặt bằng lãi suất, thị trường tiền tệ, cũng như giảm nghĩa vụ nợ cho NSNN. NHNN cũng sẽ tiếp tục phối hợp để cùng với Bộ Tài chính tính toán thời điểm, liều lượng phát hành trái phiếu phù hợp để không gây những áp lực lên thị trường tiền tệ.
“Chúng tôi rất mong tới đây sẽ cùng với Bộ Tài chính tiếp tục xem xét báo cáo với Chính phủ và các cơ quan chức năng có quyết định để có thể xem xét bố trí nguồn vốn theo đúng quy định của pháp luật, tăng vốn cho các NHTM nhà nước để có đủ cơ sở và nền tảng bền vững tài chính cho các NHTM nhà nước tiếp tục hoạt động tốt trên thị trường”, Thống đốc kiến nghị.