Điều kiện kinh doanh - cởi hay trói?
Điều kiện kinh doanh đang làm khó DN nhỏ | |
Bài toán số học và phép giải ma trận | |
“Ma trận” điều kiện kinh doanh |
Ông Nguyễn Tấn Tài, Chủ cơ sở kinh doanh gas Thành Tài (TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cho biết, để mở được cơ sở kinh doanh gas quy mô như ngày hôm nay, mấy năm trước ông đã phải chạy đôn chạy đáo, tốn khá nhiều thời gian tiền bạc để lo được giấy phép đăng ký kinh doanh, cũng như nhiều thủ tục giấy tờ khác do lĩnh vực kinh doanh các loại khí gas hóa lỏng thuộc ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh đặc thù, có điều kiện quy định bắt buộc được Nhà nước quy định.
Kinh doanh nhiều lĩnh vực vẫn đang bị chồng chéo bởi các giấy phép con quy định về điều kiện kinh doanh |
“Có lẽ nhiều người nghĩ rằng mở một cửa hàng kinh doanh gas thì đơn giản, nhưng thực tế để làm được điều này, DN phải có đủ hơn 10 giấy phép, giấy đăng ký, chứng nhận các loại. Cụ thể, ban đầu là giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cá thể, sau đó bổ sung thêm đăng ký thay đổi ngành nghề kinh doanh từ bán lẻ gas sang đại lý. Tiếp đến là chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy, đủ điều kiện an ninh trật tự, chứng nhận đào tạo nghiệp vụ quản lý chất lượng đo lường. Chưa hết mới đây, còn phải đóng thêm tiền để đi tập huấn, bồi dưỡng về sang chiết gas, vệ sinh lao động... Nếu không đủ bất cứ loại giấy tờ gì cơ sở sẽ bị hành lên hành xuống, phạt mỗi khi kiểm tra. Dù vẫn biết rằng, lĩnh vực kinh doanh của mình luôn đặt ra yêu cầu cao về an toàn, nhưng quản lý theo kiểu này thì rất khó cho DN” – ông Tài than thở.
Không riêng gì kinh doanh gas, mà còn rất nhiều lĩnh vực khác vẫn đang bị chồng chéo bởi các giấy phép con quy định về điều kiện kinh doanh. Có thể kể ra hàng loạt điều kiện kinh doanh đối với một số lĩnh vực ngành nghề, mà ngay đến DN đã từng lăn lộn nhiều năm trên thương trường thì để đáp ứng được những quy định đó còn cảm thấy khó khăn, bất cập, chứ chưa nói gì đến những DN mới khởi nghiệp, chân ướt chân ráo vào nghề.
Ví dụ như muốn xuất khẩu gạo DN phải có kho chứa ít nhất 5.000 tấn, máy xay xát công suất 10.000 tấn/giờ. Hay như muốn nhập khẩu ô tô mới nguyên chiếc về thị trường phải có giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, phân phối chính hãng hoặc sản xuất theo hợp đồng của đại lý chính hãng.
Chưa hết, giấy ủy quyền này phải do cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài chứng nhận. Các loại giấy tờ này, theo các nhà nhập khẩu xe hơi là… không thể có được!
Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện cả nước còn tồn tại khoảng 7.000 giấy phép con liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận xét thì có đến 2/3 quy định này không có cơ sở pháp lý để tồn tại, gây hạn chế quyền tự do kinh doanh của DN.
Điều đáng nói, nếu những quy định về điều kiện kinh doanh vẫn còn tồn tại theo kiểu trói chân DN thì mục tiêu đặt ra là hướng đến trở thành quốc gia khởi nghiệp sẽ khó có thể đạt được. Đơn cử như tại Luật Đầu tư năm 2014 vẫn còn 267 ngành nghề kinh doanh vẫn phải tuân thủ theo các điều kiện bắt buộc để được... tự do kinh doanh.