DN nhỏ, câu chuyện lớn
Điều đáng nói là bối cảnh tại quốc gia này khi đó khá tương đồng với tình hình Việt Nam hiện nay, đó là một số DN lớn như Samsung, Deawoo đã xuất khẩu được sản lượng hàng công nghiệp khá lớn, song vẫn phải nhập khẩu nhiều linh phụ kiện từ Nhật Bản. Do đó, Chính phủ Hàn Quốc quyết định sẽ tự cung cấp linh phụ kiện bằng cách tạo mọi điều kiện cho khối DNNVV phát triển để tự chủ về sản phẩm phụ trợ công nghiệp.
Ảnh minh họa
Kết quả là cuối năm 1970, đạo luật Xúc tiến DNNVV ra đời. Các năm tiếp sau đó, hệ thống luật pháp hỗ trợ DNNVV tiếp tục được bổ sung và hoàn thiện với các nội dung khác nhau như hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, xúc tiến thị trường… Tới nay, Hàn Quốc có khoảng 19 đạo luật liên quan tới hỗ trợ DNNVV. “Để ra đời được hệ thống luật này, yếu tố quan trọng nhất là có sự đồng thuận giữa các cơ quan quản lý và DN, người dân để dồn lực tối đa cho sự phát triển của khối DNNVV”, ông Lee Dong Kon chia sẻ.
Ngoài hỗ trợ chính sách, ông Lee Dong Kon cho biết, Chính phủ nước này cũng hỗ trợ tài chính bằng cách trích từ ngân sách khoảng 20 tỷ USD để thành lập Quỹ xúc tiến và khởi sự DNNVV. Bản thân các DN lớn cũng có thể đóng góp vào quỹ này, hoặc phát hành trái phiếu để huy động vốn từ thị trường cho hoạt động của quỹ.
Đối chiếu với chính sách của Việt Nam, luật sư Vũ Xuân Tiền, Trưởng ban Tư vấn và phản biện chính sách, Hội Các nhà quản trị DN Việt Nam cho rằng, đây cũng là dẫn chứng cho thấy sự lúng túng của cơ quan quản lý khi Quỹ hỗ trợ DNNVV được “thai nghén” từ nhiều năm song cho tới nay vẫn chưa phát huy hiệu quả. “Ở các nước, quỹ này đều phải dựa vào hỗ trợ từ ngân sách, còn Việt Nam lại muốn trích từ đóng góp của các DN lớn thì không thể nào hình thành quỹ được”, ông Tiền quả quyết.
Lý giải cho sự loay hoay trong thực hiện các chính sách hỗ trợ DNNVV, ông Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Các nhà quản trị DN Việt Nam phân tích, những chính sách được các quốc gia chia sẻ hầu như đều đã xuất hiện trong các văn bản của Việt Nam, có điều chưa thực hiện được. Vì vậy, cần sớm luật hóa các chính sách này để phát đi thông điệp thể hiện ý chí của Nhà nước, Quốc hội, coi khu vực DNNVV đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế trong tương lai, ông Tiến đề xuất. Điều này sẽ tạo sức ép mạnh hơn và dễ điều phối hơn giữa các cơ quan thực hiện hỗ trợ DN.
Tuy nhiên, để luật hóa luật này, theo ông Tiến sẽ vướng phải rào cản tâm lý. Bởi, các cơ quan lập pháp thường nghĩ luật phải là vấn đề to lớn, vĩ mô, dài hạn, với các vấn đề cụ thể như hỗ trợ DNNVV có vẻ không đáng để xây dựng thành luật. “Tùy thời điểm cụ thể, có những bộ luật phải được ban hành để giải quyết những vấn đề rất cụ thể chứ không phải chỉ đi vào vĩ mô. Đây là rào cản tâm lý mà các cơ quan quản lý phải đả thông trước đã”, ông Tiến khẳng định.
Điều này được ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thừa nhận, các nội dung hỗ trợ DNNVV tại Việt Nam được quy định rất tản mạn, rải rác tại nhiều thông tư, nghị định, hoặc các bộ luật không trực tiếp liên quan tới khối DN này và thực hiện không “đến nơi đến chốn”. Kết quả là khối DNNVV dù đông đảo song vẫn hết sức yếu thế.
Ngọc Khanh