DN xuất khẩu gạo gia tăng giá trị thương phẩm
Nâng chất lượng gạo để xuất khẩu bền vững | |
Dự kiến xuất khẩu vượt mục tiêu 400 nghìn tấn gạo |
Vừa qua, Tập đoàn Lộc Trời và nhiều DN khác tại tỉnh An Giang đã bắt tay hợp tác với bà con nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu cho sản phẩm lúa gạo chất lượng cao phục vụ cho xuất khẩu.
DN và nông dân bắt tay xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo chất lượng cao |
Đồng thời, cùng với sự hỗ trợ, nghiên cứu của những nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ tạo một nguồn lực giúp các DN trên địa bàn tỉnh xây dựng thành công thương hiệu gạo An Giang. Theo những DN này, giống lúa, thị trường và quy trình canh tác là 3 trụ cột quyết định để xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Trong đó, khâu nghiên cứu giống đóng vai trò quan trọng, muốn xây dựng thương hiệu gạo thành công, cần chọn một số giống để bảo tồn gen, dựa vào nguồn gen đó để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho thương hiệu gạo.
Tại Việt Nam, Lộc Trời là đơn vị đầu tiên nghiên cứu thành công và đưa vào sản xuất loại gạo mầm với thương hiệu Vibigaba. Đây là sản phẩm chiến lược xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo của tập đoàn với mục tiêu nâng cao giá trị của hạt gạo Việt Nam, cùng với người nông dân phát triển sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và các sản phẩm giá trị gia tăng sau gạo. Tập đoàn Lộc Trời đã xuất khẩu gạo mầm vào các thị trường như Ba Lan, Đức và Trung Quốc... và hướng đến thị trường xuất khẩu trên toàn cầu.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, việc nâng cao phẩm chất giá trị và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm lúa gạo trong nước là trách nhiệm chung của các DN trong ngành, song để rút ngắn thời gian xây dựng thương hiệu gạo, DN có thể sử dụng những giống chất lượng tốt sẵn có thay vì tập trung đầu tư nghiên cứu đưa ra giống mới. Hiện, những thương hiệu gạo mạnh của An Giang đã là một lợi thế rất lớn, có thể góp phần vào việc xây dựng thương hiệu gạo Việt
Tương tự, nhiều DN xuất khẩu lúa gạo khác cũng đang nỗ lực tìm hướng đi cho vấn đề nâng cao chất lượng, giá trị thương phẩm cũng như xây dựng thương hiệu cho gạo Việt trên thị trường quốc tế. Đơn cử như Công ty Trung An (Cần Thơ) đã liên kết với nông dân ĐBSCL thực hiện 6.000ha lúa theo cánh đồng mẫu lớn, để chủ động 100% nguồn gạo chất lượng để xuất sang các thị trường khó tính.
Ngoài ra, công ty đã đầu tư nâng cao dây chuyền công nghệ sản xuất, hệ thống nhà máy đã được các tổ chức quốc tế kiểm soát và cấp chứng nhận đạt quản lý chất lượng như ISO 2200, 205, ECO SERC, HACCP. Với sự đầu tư bài bản này, sản phẩm gạo xuất khẩu của công ty không tồn dư chất gây hại, gạo hữu cơ còn có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, chứa nhiều chất xơ, vitamin B1 và khoáng vi lượng, giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Hiện, sản phẩm gạo Trung An được xuất khẩu trực tiếp vào các nước Mỹ, Pháp, Đức, Italy, Arabia Saudi, Ghana, Hongkong, Trung Quốc, Philipines, Malaysia, Austrailia...
Số liệu mới đây của Bộ Công Thương cho thấy, hiện tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp trung bình và thấp đang giảm mạnh, trong khi tỷ trọng của gạo thơm, nếp, gạo Japonica tăng trưởng ấn tượng. Trong 9 tháng năm 2017, gạo trắng phẩm cấp trung bình chỉ chiếm 9,05% và gạo trắng phẩm cấp thấp là 4,65%, gạo thơm chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng lượng gạo xuất khẩu Việt Nam (26,32%), gạo nếp đứng thứ 3 với 23,43%.
Theo nhận định của một số chuyên gia, như vậy với sự tích cực chuyển hướng chú trọng vào chất thay vì lượng, các DN xuất khẩu lúa gạo trong nước đã bắt đầu có những chuyển biến tích cực, góp phần thay đổi cách nhìn về một sản phẩm nông nghiệp vốn xuất khẩu dẫn đầu của Việt Nam nhưng trước đây giá trị kim ngạch thu về và thương hiệu trên thị trường quốc tế vẫn còn nhiều điều cần phải bàn.
Theo chiến lược xuất khẩu gạo mà Chính phủ đề ra, đến 2020, giảm tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình xuống không quá 20%, gạo trắng phẩm cấp cao chiếm khoảng 25%; tỷ trọng gạo thơm, gạo đặc sản, gạo Japonica chiếm khoảng 30%...
Đến năm 2030, tỷ trọng gạo trắng thường chỉ chiếm khoảng 25%, trong đó gạo phẩm cấp thấp và trung bình không vượt quá 10% tổng lượng gạo xuất khẩu gạo thơm, gạo đặc sản, gạo japonica chiếm khoảng 40%, tăng dần tỷ trọng các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo (khoảng trên 10%)...
Tuy nhiên, ngành lúa gạo Việt Nam có làm được điều này hay không? ngoài chủ trương, định hướng còn phụ thuộc rất nhiều ở sự nỗ lực đổi thay từ lối tư duy, suy nghĩ cho đến cách làm của DN trong nước muốn đi chặng đường dài bền vững dù còn nhiều khó khăn, vất vả hay chỉ muốn "bóc ngắn, cắn dài" như thời gian qua?