DN xuất khẩu tôm kháng kiện
Dù Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết vừa thống nhất sẽ gửi kháng kiện lên Tòa án Thương mại quốc tế Mỹ (CIT), nhưng thực tế thị trường đã biến động theo hướng bất lợi cho người nuôi tôm.
Nhiều DN xuất khẩu tôm bức xúc với thuế chống bán phá giá vô lý của DOC
Ông Lê Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, hiện tỉnh này đã phát triển 296.300 ha diện tích nuôi trồng thủy sản. Trong đó, riêng diện tích nuôi tôm là 266.700 ha, chiếm khoảng 40% so với toàn quốc. Hàng năm, Cà Mau đạt sản lượng tôm nguyên liệu bình quân 180.000 tấn, tương đương 140.000 tấn tôm thành phẩm qua chế biến tại 32 nhà máy trên địa bàn.
Mô hình nuôi tôm ở Cà Mau có mức độ đầu tư thấp, ngoài một số DN lớn như Minh Phú, Camimex, Seanamico… còn lại chủ yếu là hộ nuôi nhỏ lẻ, đầu ra cho con tôm là các công ty chế biến thủy hải sản xuất khẩu. Như vậy, con tôm và sản phẩm tôm xuất khẩu của Cà Mau gần như gắn liền với đời sống, thu nhập của người dân và góp phần quan trọng phát triển kinh tế của tỉnh.
Từ đầu năm 2014 đến nay, giá tôm xuất khẩu tăng, người nuôi tôm trong tỉnh đang khấp khởi mừng vì đã vượt qua được thời kỳ dịch bệnh, tôm phát triển tốt và được giá. Nhưng ngay lập tức ngành tôm lại phải đối mặt với khó khăn mới, từ việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá tôm xuất khẩu vào Hoa Kỳ của Việt Nam.
Riêng tỉnh Cà Mau có đến 8 DN chế biến và xuất khẩu tôm phải chịu mức thuế từ 4,98 - 6,37%. Trên thực tế, việc tranh tụng này chỉ vừa bắt đầu, mức độ thiệt hại mà nó mang đến chưa ngã ngũ. Tuy nhiên, phía thị trường lại có chiều hướng xấu khi giá bán tôm đang có đà đi xuống.
Ông Trần Văn Phẩm, Tổng giám đốc CTCP Thủy sản Sóc Trăng - đơn vị chịu mức giá áp thuế cao nhất đến 9,75% trong số 32 DN bị áp thuế chống bán phá giá đợt này - cho rằng, đây là việc quá bất hợp lý và không công bằng theo kiểu “ngồi mát ăn bát vàng” của phía Hoa Kỳ. Quá trình điều tra, phía Hoa Kỳ đã chọn một nước thứ ba để tính toán là Bangladesh thì không thể nào so sánh chính xác.
Cụ thể, ở Việt Nam kỹ thuật nuôi tôm và kiểm soát dịch bệnh đã phát triển. DN sản xuất chế biến đều trực tiếp đầu tư từ khâu chọn con giống đến thu mua. Nguồn tôm nguyên liệu luôn ổn định, vì thế giá cả cũng ổn định. Ngược lại, phía Bangladesh giá đầu vào tôm nuôi từ trước đến nay luôn cao hơn Việt Nam, kỹ thuật nuôi tôm hạn chế hơn khiến giá thành sản phẩm bị đẩy lên cao theo giá thành sản xuất. Việc áp thuế này sẽ gây khó khăn lớn cho Stapimex, bởi trong cơ cấu thị trường xuất khẩu tôm của công ty, Hoa Kỳ chiếm đến 40%.
Theo TS. Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch VASEP, hiện Hiệp hội đang tích cực bàn thảo với các DN xuất khẩu tôm, nhất định phải kháng kiện đến CIT. Vụ việc, trình tự và các nội dung kháng kiện sẽ theo đúng thông lệ quốc tế. Trước mắt, những vấn đề nổi cộm, có cơ sở để kháng kiện là mức thuế quá cao, thứ hai là quá trình điều tra, phía Hoa Kỳ đã lấy số liệu nền tại Bangladesh cách đây đến 10 năm, quá cũ.
Những nội dung cụ thể khác để đưa vào đơn kháng kiện, phía Hiệp hội sẽ cùng DN, văn phòng luật sư đi đến thống nhất, chưa thể công bố. Cũng như các vụ kháng kiện chống bán phá giá cá tra, cá ba sa trên 10 năm, lần này Hiệp hội và DN nhất định theo kiện đến cùng để đòi lại quyền lợi chính đáng cho con tôm xuất khẩu của Việt Nam.
TS. Dũng cũng lưu ý, ở thị trường trong nước, từ cuối tháng 9 đến nay nhiều địa phương miền Tây Nam bộ có vùng nuôi tôm lớn đã xuất hiện thông tin khiến giá tôm nguyên liệu các loại đều giảm, nhiều hộ nuôi tôm (tại Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau) phải chịu áp lực giảm giá bán. Đây có thể là do tác động thông tin thị trường và sức ép tâm lý. Chứ trên thực tế, nếu phải chịu thuế thì DN chế biến cũng không ngay tức thời giảm lượng thu mua, xuất khẩu.
Theo Hội Thủy sản tỉnh Cà Mau, hai tuần cuối tháng 9 và đầu tháng 10/2014, giá thu mua tôm tại ao của người nuôi giảm từ 15 - 20 nghìn đồng/kg. Cụ thể, giá tôm thẻ chân trắng loại 90 con/kg giảm 15.000 đồng/kg, hiện thu mua còn 105.000 đồng/kg; tôm sú loại 20 con/kg giá giảm 10.000 đồng/kg, hiện còn 270.000 đồng/kg; tôm thẻ loại 30 con/kg giá giảm 20.000 đồng/kg, hiện còn 166.000 đồng/kg. Mặc dù vậy, hầu hết các công ty chế biến thủy sản đều chưa có thông báo là giảm giá thu mua tôm nguyên liệu.
Thanh Trà