DNNVV có thêm kênh vay vốn
Siết chặt vòng tay hợp tác | |
TPHCM: Đẩy mạnh “bơm vốn” cho DN nhỏ và vừa | |
Nguồn vốn giá rẻ, tiếp sức cho DNNVV |
Ảnh minh họa |
Trước hết, hãy xem những con số này: thâm hụt ngân sách năm 2015 lên tới 6,6% GDP, còn nợ công lên gần 61%. Trong điều kiện ngày càng khó tiếp cận tài chính ưu đãi từ bên ngoài, Việt Nam chủ yếu dựa vào nợ nội địa với chi phí vay cao hơn và thời gian ngắn hạn hơn.
Vì vậy, nhiệm vụ đặt lên vai Chính phủ là phải thúc đẩy thị trường chứng khoán (TTCK) phát triển mạnh hơn nữa, để DN lớn huy động được vốn qua TTCK. Khi DN lớn hoạt động lành mạnh, huy động vốn tốt trên TTCK, thì vốn ngân hàng sẽ được chuyển cho DNNVV.
Đặc biệt hơn nữa, giai đoạn 2016-2020, cơ chế bảo lãnh Chính phủ sẽ giảm dần. Chính phủ cũng chấm dứt cơ chế bảo lãnh cho các DN Nhà nước (DNNN) vay vốn nước ngoài trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài sẽ được gói gọn lại trong 6 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ mà thôi.
Việc giảm dần hoặc không duy trì cơ chế bảo lãnh cho DNNN sẽ tạo điều kiện cho DN tìm kiếm các nguồn vốn từ bên ngoài như các quỹ đầu tư, các nguồn vốn không bảo lãnh Chính phủ.
Chính điều này sẽ giúp DNNN tiếp cận công tác quản lý chuyên nghiệp dựa trên các nguyên tắc quản trị hiện đại, tăng năng lực sử dụng vốn hiệu quả. Và “Đề xuất tài trợ bằng khoản vay không có bảo lãnh của Chính phủ” của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam mới đây được coi là một giải pháp hiệu quả.
Đó không chỉ đơn thuần là hỗ trợ các DNNN bổ sung nỗ lực tài chính, nâng cao tính tự chủ và hạn chế mức vay nợ của Nhà nước. Cao hơn, cơ quan này mong muốn thông qua các khoản vay không bảo lãnh này, có thể hỗ trợ các DN nâng cao hiệu suất môi trường và xã hội.
Đại diện của AFD lý giải, để phát triển một cách bền vững, các DN Việt Nam cần phải hiện đại hóa các ngành sản xuất thông qua việc cải thiện năng suất, đồng thời phải bảo vệ môi trường. Chính vì thế, cần phải thiết lập nên các quan hệ hợp tác giữa DN với các trung tâm đào tạo, cũng như nâng cao nhận thức và trách nhiệm của DN đối với xã hội.
Trên tất cả, AFD mong muốn sát cánh cùng Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu thông qua một chiến lược cụ thể, một chương trình phát triển lâu dài để đối mặt với những thách thức về khí hậu. Các DN mong muốn vay vốn không bảo lãnh cần phải tham gia vào chiến lược phát triển bền vững phù hợp với các chiến lược của AFD, cũng như thấu hiểu được sự quan trọng của tác động môi trường, xã hội và khí hậu.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) từng nhận được khoản vay không bảo lãnh Chính phủ từ AFD với tổng số tiền lên tới 100 triệu USD cho dự án xây dựng Nhà máy Thủy điện Huội Quảng (Lai Châu). Nay, DN này mong muốn sẽ tiếp tục nhận được một khoản vay mới cho các dự án của mình trong tương lai, bà Francoise Chalier, Phó vụ trưởng Vụ châu Á - AFD kết luận.
Đây là một hình thức huy động vốn quốc tế mà DNNN có thể tận dụng thông qua sự bảo trợ của Cơ quan bảo lãnh đầu tư đa phương (MIGA), giúp giảm rủi ro phí thương mại cho các dự án đầu tư tại Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu tài chính cho đầu tư phát triển rất lớn nhưng cứ chỉ “trông” vào mỗi đầu tư công.
Đại diện của MIGA cho rằng, việc hợp tác với các cơ quan tổ chức quốc tế là cách để tăng cường sự an toàn cho các dự án đầu tư tại Việt Nam, cũng như tạo dựng niềm tin cho bạn bè quốc tế. Nhưng để được MIGA bảo lãnh, các dự án và DN vẫn phải được Bộ Tài chính giám sát, nghĩa là dự án đó phải đem lại lợi ích có thể lượng hóa được…
Xu hướng của quốc tế hiện nay là cho vay dựa vào kế hoạch sản xuất kinh doanh thực tế mà không còn đơn thuần dựa trên tài sản đảm bảo. Để giúp DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng, không chỉ đơn thuần là đưa ra mức lãi suất thấp, mà cần tháo gỡ những rào cản kỹ thuật trong chương trình tín dụng, tạo điều kiện để DN được tiếp xúc với những nguyên tắc quản trị hiện đại, tiên tiến. “Điều này sẽ giúp làm giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh doanh do sử dụng các nguồn lực hiệu quả, tăng tích lũy và tập trung vốn để mở rộng quy mô kinh doanh.
Từ đó có điều kiện áp dụng khoa học công nghệ hiện đại, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích người lao động sáng tạo”, Trưởng đại diện văn phòng JICA tại Hà Nội chia sẻ.