Doanh nghiệp loay hoay ở thị trường Hàn
Nông nghiệp xuất siêu gần 7,3 tỷ USD | |
Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt | |
Chưa giải được bài toán xuất khẩu nông sản thô, giá trị gia tăng thấp |
Theo Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), sau gần 4 năm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực, Hàn Quốc cam kết cắt giảm 95,4% dòng thuế; đổi lại, Việt Nam cam kết cắt giảm gần 90% dòng thuế quan đối với hàng hóa Hàn Quốc. Tuy nhiên, đến nay hàng Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này vẫn khó khăn, do rào cản kỹ thuật siết chặt, mặc dù Hàn Quốc được xem là thị trường lớn tiềm năng với nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như nông, lâm, thủy sản.
Ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp cho tiêu thụ nội địa của nước này lên đến gần 36 tỷ USD/năm. Trong đó, nhóm mặt hàng nông, thủy sản nhập khẩu khá cao và phần lớn là nhập khẩu từ các quốc gia Đông Nam Á. Đối với hàng hóa Việt Nam, mấy năm gần đây người tiêu dùng Hàn Quốc biết nhiều đến là các thương hiệu cà phê Trung Nguyên, phở ăn liền Xưa và Nay, các loại gia vị như tương ớt, nước mắm Nam Ngư…
Ngoài ra, các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đang tăng cường nhập khẩu nhiều nhóm sản phẩm của Việt Nam được giảm thuế sâu (theo cam kết của VKFTA) như thủy sản (tôm, cua, cá), nông lâm sản (hoa quả nhiệt đới, đồ gỗ), 5 loại trái cây là dừa, dứa, chuối, xoài và thanh long. Hàn Quốc cũng đã mở cửa thị trường cho nhóm sản phẩm rau củ, gia vị như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang... của Việt Nam.
Hàn Quốc được đánh giá là thị trường có tiềm năng lớn của nông sản xuất khẩu Việt |
Tuy vậy, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn xem Hàn Quốc là thị trường khó tính; đồng thời, các doanh nghiệp Hàn Quốc đến Việt Nam nhiều lần, song cũng không dễ chọn được đối tác là nhà cung ứng hàng hóa để nhập khẩu. Các nguyên nhân được chỉ ra là sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam có nguồn cung không ổn định cả về số lượng lẫn chất lượng, và chất lượng sản phẩm cũng không đồng đều. Một số nhóm sản phẩm Việt (cà phê, thủy sản, gia vị…) chưa có thương hiệu. Ngoài ra, hàng Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc hiện chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ các đối thủ khu vực Đông Nam Á như Philippines, Thái Lan, Indonesia… và sản phẩm nông sản xuất khẩu của các nước này đều có giá rẻ hơn hàng Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập nhận định, nếu so sánh, thì sau 4 năm thực thi VKFTA, doanh nghiệp Hàn Quốc đã tận dụng tốt cơ hội mà hiệp định mang lại hơn hẳn doanh nghiệp Việt.
Cụ thể, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc từ năm 1992 – 2018 đã hơn 132 lần, từ 500 triệu USD/1992 đến 66 tỷ/2018 và hướng đến 100 tỷ USD/2020. Thế nhưng Việt Nam luôn ở thế nhập siêu, năm 2018 nhập siêu lên đến 32 tỷ USD và 9 tháng /2019 Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc trên 10 tỷ USD, nhưng nhập khẩu hàng hóa Hàn Quốc lên đến 23 tỷ USD, nhập siêu đến 13 tỷ USD.
Đặc biệt, Hàn Quốc được đánh giá là thị trường có tiềm năng lớn của nông sản xuất khẩu Việt, song hàng Việt Nam chỉ chiếm chưa quá 6% thị phần Hàn Quốc. Trong đó có mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Hàn Quốc, nhưng người tiêu dùng Hàn lại chưa từng biết đó là hàng Việt Nam (như cà phê).
Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, các vùng sản xuất nông sản nguyên liệu cho xuất khẩu của Việt Nam hiện còn nhỏ lẻ, manh mún. Sản phẩm Việt thường có chất lượng không đồng đều, chưa đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu. Ngoài ra, việc sản xuất nhỏ còn khiến gia tăng giá thành sản phẩm xuất khẩu, khiến hàng Việt yếu thế cạnh tranh tại thị trường Hàn Quốc.