Doanh nghiệp mơ hồ về TPP
Sát cánh cùng doanh nghiệp hội nhập | |
Tận dụng cơ hội TPP: Không thể nước đến chân mới nhảy | |
85,5% DN không nắm được điều khoản cụ thể của AEC |
Tại Hội thảo về những tác động của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với thu hút đầu tư, phát triển thương mại do Trung tâm xúc tiến đầu tư (IPC), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Đà Nẵng, Hội Doanh nhân trẻ TP. Đà Nẵng phối hợp tổ chức, ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Vietnam) nhận định, gia nhập TPP Việt Nam sẽ có nhiều lợi ích như tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng vốn FDI nhờ sự lạc quan của các nhà đầu tư, dự kiến GDP tăng 10,5% vào năm 2025 so với mức cơ bản nếu không có TPP, những lĩnh vực các DN trong nước có ưu thế như dệt may, giày dép, máy móc…
DN cần chủ động tiếp cận những thông tin liên quan đến TPP |
TPP là một hiệp định hết sức có ý nghĩa, nhưng hoàn toàn không miễn phí cho các DN. Bởi, cũng theo ông Herb Cochran, TPP sẽ đặt ra nhiều thách thức khi Việt Nam tham gia kết nối với chuỗi cung ứng quốc tế, phải trở thành nhà cung cấp đạt chuẩn của các DN Hoa Kỳ, đảm bảo về chỉ số D-U-N-S Numbet (chỉ số ID duy nhất quốc tế); đạt chuẩn về chất lượng, an toàn lao động, môi trường và tính bền vững...
Để có thể tiếp cận thị trường, DN trong nước cần nắm rõ những thông tin về TPP. Đơn cử, DN phải xác định, lập kế hoạch và điều chỉnh chuỗi cung ứng toàn cầu theo quy tắc xuất xứ (ROO) của TPP để được hưởng ưu đãi về thuế quan. Muốn vậy, DN cần phải có hiểu biết về ROO cũng như các thủ tục hải quan để hưởng lợi khi xuất, nhập khẩu hàng hóa trong khối TPP.
Thế nhưng, trong thực tế nhìn chung DN trong nước lại đang rất mơ hồ về TPP. Ông Nguyễn Diễn, Phó giám đốc VCCI Đà Nẵng cho rằng, nhiều DN vẫn còn mù mờ về TPP. Ông Diễn giải thích kết luận này, hiện có đến 93% DN và 96% người tiêu dùng trong nước ủng hộ TPP và bày tỏ sự tin tưởng rằng hiệp định sẽ mang lại lợi ích kinh tế đối với Việt Nam.
Tuy nhiên, lại có đến 40% DN chưa hiểu rõ về TPP. 80% DN còn thiếu các kiến thức về hội nhập và không biết điều gì đang chờ đợi mình ở phía trước. Nhiều DN trong nước, đặc biệt là các DNNVV chưa tìm hiểu, nghiên cứu về TPP để điều chỉnh công việc kinh doanh, hoàn toàn không hề biết điều gì đang chờ đợi mình ở phía trước…
Nguyên nhân, có rất ít DN trong nước tự tìm hiểu, nghiên cứu về TPP để điều chỉnh công việc kinh doanh. DN trong nước mong muốn có những thay đổi nhưng lại không hiểu và không có kiến thức. Đơn cử, tại TP. Đà Nẵng năng lực sản xuất kinh doanh của DN ở địa phương còn chưa phát triển, công nghệ chưa tiên tiến, kim ngạch xuất khẩu chưa tương xứng với tiềm năng và chịu nhiều tác động của nhu cầu thị trường. Trong khi, những kiến thức về TPP của nhiều DN lại rất hạn chế…
Để không uổng công những nỗ lực đàm phán gia nhập TPP của Chính phủ, cũng như các cơ quan chức năng… DN trong nước cần phải năng động, nỗ lực nhiều hơn nữa, đặc biệt là việc tiếp cận các thông tin để trở thành những nhà cung cấp đạt “chuẩn” cho thị trường trong khối TPP; Các DN phải tìm hiểu kỹ những cam kết trong TPP, nắm rõ lộ trình TPP mà các quốc gia thành viên phải tuân thủ để từ đó có những ý tưởng sản xuất, kinh doanh phù hợp và tận dụng được các ưu đãi mà TPP đã tạo ra.
Về phía chính quyền, cần có những cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công. Cũng theo ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, gia nhập TPP sẽ tạo động lực cho việc cải cách hành chính.
Do đó, cần có thêm nhiều thay đổi hơn nữa về thể chế và quản lý Nhà nước để đáp ứng được yêu cầu. Trong đó, cần đơn giản hóa thủ tục hải quan và các thủ tục xuất nhập khẩu khác, nâng cao chất lượng logistics, hải quan và hành chính… Việc phát triển cơ sở hạ tầng logistics như là một biện pháp để khuyến khích dòng vốn đầu tư FDI mới sau khi TPP có hiệu lực.
Trong đó, TP. Đà Nẵng nên xem xét đề xuất Tổng cục Hải quan cho phép ứng dụng dự án thí điểm thành lập khu thương mại tự do dưới sự giám sát của hải quan khu vực.