Doanh nghiệp ngán với thủ tục thuế, hải quan
Nộp thuế điện tử: Động lực cải thiện môi trường kinh doanh | |
Thủ tục thuế - hải quan: Cải tiến đã đủ mạnh? |
Tại Hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài chính và Doanh nghiệp (DN) năm 2016 về cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều DN hoạt động sản xuất, kinh doanh đã “tố” khổ với lãnh đạo Bộ Tài chính vì bị các thủ tục thuế, hải quan vẫn “hành là chính”. Thậm chí, có DN còn mạnh dạn cho biết bộ hồ sơ hoàn thuế đến tận 5 năm trôi qua vẫn chưa được giải quyết, thiệt hại cho DN là rất lớn.
DN vẫn không chịu nổi “áp lực” của cơ quan hải quan và thuế |
Ông Đinh Công Khương, Giám đốc Công ty TNHH Thép Khương Mai (Quận 11, TP. HCM) đã thẳng thắn nêu lên một sự thật mà ít có DN nào đề cập đến, thời gian qua, từ cơ quan quản lý nhà nước đến các bộ ngành nói rất nhiều về vấn đề hiện đại hóa, đưa công nghệ vào quản lý hành chính, giải quyết thủ tục văn bản giấy tờ.
Nhất là đối với lĩnh vực thuế và hải quan đã kê khai qua mạng nhưng đến nay cán bộ thuế vẫn còn “bắt” DN đến tận nơi làm xác nhận số lượng hàng xuất khẩu. Nhiều lô hàng phải kéo dài 3 tháng, thậm chí có bộ hồ sơ 5 năm vẫn chưa được giải quyết hoàn thuế.
Trong khi đó, trong suốt quá trình thành lập, phát triển kinh doanh đến nay đã được hơn 6 năm, Khương Mai chưa từng nợ thuế nhà nước lần nào. Ngoài ra, đối với hàng xuất khẩu, DN nộp thuế cho ngân sách 70 tỷ đồng/năm nhưng mới nhận được hoàn thuế hơn 6 tỷ đồng.
Khi DN có ý kiến với cục thuế để kiểm tra thì quá trình này cũng kéo dài hơn 90 ngày, thời gian “chết” cũng khiến chi phí và lãi suất của DN đội lên hơn 50 triệu đồng... Tình trạng này xảy ra thường xuyên nhưng rồi dường như tất cả DN sợ ngành thuế, nhất là không hoàn thuế được trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, thiếu vốn, phải trả nợ lãi ngân hàng.
Tương tự, đại diện Công ty Cơ điện lạnh và Thương mại Hòa Bình (Quận 1, TP. HCM) kể khổ, thời gian qua trong quá trình kinh doanh, xuất nhập khẩu, đối với mỗi lô hàng nhập bình nóng lạnh, cơ quan hải quan tiến hành kiểm tra trong 10 ngày, cùng với việc kiểm tra này trong suốt 5 năm qua, DN phải chuẩn bị hàng tấn giấy tờ. Song vướng mắc là ở chỗ mặt hàng do Tổng cục Hải quan áp mã.
Đến nay, theo quy định mới lại buộc công ty truy thu thuế do vi phạm tại khoản 4 điều 5, thông tư số 14. DN đã tìm hiểu và trình bày với cán bộ thuế và hải quan nhưng không nhận được sự giải thích.
Theo quan điểm của DN, việc vi phạm từ sau ngày ban hành quy định mới thì không thể truy thu thuế 5 năm trở về trước. Với số tiền phạt là gần 3,6 tỷ đồng, cộng với 20% tiền chậm nộp/tổng tiền phạt là vô lý và trở thành gánh nặng cho DN. Còn nếu không chịu nộp, DN sẽ bị cưỡng chế hàng hóa và không được thông quan.
Ngoài ra, khi chưa có kết luận chính thức, cơ sở rõ ràng, cơ quan thuế đã truy thu là đi ngược với quan điểm tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong quá trình kinh doanh từ trước đến nay.
Ngoài ra, khá nhiều DN cũng bị vướng mắc trong quá trình áp dụng quy định thuế mới, mỗi chi cục địa phương có cách hiểu và áp dụng mỗi nơi một khác, khiến cho DN như bị rơi vào "mê hồn trận". Có trường hợp tiền khấu trừ, hoàn thuế của DN lên đến cả vài chục tỷ nhưng gần năm trời chưa được nhận lại.
Hay theo quy định cũ thì biểu thuế là 0%, còn quy định mới là 3% nên theo việc kiểm định hàng hóa, song kết quả của cơ quan kiểm định không chính xác nên gây thiệt hại không nhỏ cho DN...
Theo bà Mã Thị Thanh, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, cho rằng chính sách thuế khoán hiện nay còn chưa thực sự công bằng, hiện mới chỉ có quy định phạt DN chậm nộp thuế mà chưa có quy định xử lý cơ quan thuế chậm trễ khi thực hiện hoàn thuế cho DN.
Ông Cao Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Tổng Cục Thuế cho biết, trong những năm gần đây ngành thuế, hải quan liên tục có sự cải cách, đổi mới về vấn đề rút ngắn thời gian, đơn giản hóa giấy tờ, quy trình giải quyết thủ tục. Nộp thuế là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi DN.
Đến nay, theo khảo sát của cơ quan thuế thì 71% DN, người nộp thuế hài lòng về cơ quan thuế. Tuy nhiên, đối với các trường hợp vướng mắc cụ thể, ngành thuế sẽ tiếp tục tìm cách tháo gỡ. Nhất là đối với những vấn đề có liên quan đến cơ chế chính sách, Tổng Cục thuế sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính, trình Chính phủ để tạo điều kiện thuận lợi cho DN.
Với tinh thần đồng hành, cùng tìm ra tiếng nói chung ông Vũ Ngọc Anh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục hải quan cũng nêu quan điểm, trước tiên hoạt động kiểm tra thông quan của ngành luôn thực hiện tuân thủ theo đúng quy định pháp luật, chuyên ngành về lĩnh vực hải quan, DN hay cán bộ hải quan ai vi phạm đến đâu xử lý đến đấy, song để tránh rủi ro, sai sót có thể xảy ra, DN và cơ quan thuế, hải quan nên tiến hành giải quyết công việc theo hướng hợp tác, thấu hiểu vì lợi ích chung.
Kết luận về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính - bà Vũ Thị Mai khẳng định, cơ quan thuế, hải quan luôn là bạn đồng hành cùng DN để tháo gỡ khó khăn, vì vậy các DN cứ thẳng thắn trao đổi, đóng góp ý kiến, nhất là đối với các quy định, chính sách không còn phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của DN.
Từ đó, trong quá trình phát triển, các cơ quan ban hành chính sách, quản lý nhà nước rút ra từ cơ sở thực tiễn cải thiện dần môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước trên đường hội nhập quốc tế.