Doanh nghiệp nợ BHXH: Có thể khởi kiện nhưng vẫn… vướng!
BHXH bắt buộc với lao động nước ngoài: Sẽ ký hiệp định song phương để tránh đóng trùng | |
Từ 1/12/2018, bảo hiểm bắt buộc với lao động nước ngoài | |
Băn khoăn đóng BHXH cho người nước ngoài |
Ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động
Hiện nay, tình trạng một số DN nợ đọng bảo hiểm đã trở nên đáng báo động, ảnh hưởng đến quyền lợi trực tiếp của hàng nghìn lao động. Theo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, tính tới tháng 3/2019, BHXH Việt Nam đã triển khai thu nợ BHXH được 21% kế hoạch trong năm, nhưng số nợ BHXH phải tính lãi trong toàn quốc vẫn còn tới 6.654 tỷ đồng. Tình hình nợ BHXH diễn ra tại 63 tỉnh, thành và ở các thành phần kinh tế. Điều này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người tham gia, thụ hưởng BHXH, mà còn ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, do vướng mắc về các thủ tục pháp lý, việc khởi kiện DN nợ BHXH vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Việc DN nợ BHXH ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động |
Trên thực tế, mặc dù trong Luật Lao động, Luật BHXH, Luật Tố tụng dân sự, Luật Công đoàn đều quy định tổ chức Công đoàn đại diện cho người lao động để khởi kiện DN nợ BHXH. Tuy nhiên, hiện việc này còn gặp nhiều khó khăn và chưa có giải pháp hiệu quả để khắc phục.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Đại biểu Quốc hội khóa XIV - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hiện chưa có sự đồng nhất của các luật trên, bởi có luật thì quy định công đoàn cơ sở được khởi kiện; có luật lại quy định phải có chữ ký uỷ quyền của từng người lao động, trong khi đó có những DN có tới hàng vạn lao động nên khi công đoàn tiến hành khởi kiện, nộp hồ sơ, nhưng nhiều nơi tòa án từ chối thụ lý vụ án vì không đủ chữ ký ủy quyền.
Mặc dù các cấp công đoàn đã có rất nhiều nỗ lực trong việc khởi kiện các DN nợ BHXH, nhưng nhiều vụ việc cho đến nay chưa được chính thức thụ lý. Theo giải thích của tòa án, quy định pháp luật hiện nay còn có nhiều bất cập. Trên thực tế là 4 đạo luật: Bộ luật Lao động, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Bảo hiểm, Luật Công đoàn, với cùng một vấn đề về khởi kiện nợ đọng BHXH nhưng lại có những quy định khác nhau.
Bên cạnh đó, Tòa án cho rằng, tổ chức công đoàn là tổ chức đại diện đương nhiên của người lao động, nên việc ủy quyền là không cần thiết. Ngoài ra về mặt thực tế, việc ủy quyền của người lao động hay công đoàn cơ sở cho công đoàn cấp trên cơ sở khởi kiện vô cùng khó khăn vì có rất nhiều doanh nghiệp có hàng vạn người lao động.
Không những vậy, nhiều tòa án còn cho rằng, những vụ việc kiểu này không thuộc thẩm quyền của tòa án, hoặc tòa án chỉ thụ lý sau khi các bên đã hòa giải, hoặc khi UBND cấp huyện đã giải quyết không thành. Chính điều này đã làm cho rất nhiều vụ nợ BHXH còn tồn đọng và đang có hiện tượng lan rộng.
Theo số liệu của BHXH Việt Nam, trong quý I/2019, cơ quan BHXH tại 23 tỉnh, thành đã chuyển hồ sơ của 162 DN nợ BHXH sang cơ quan chức năng để xử lý. Tuy nhiên, tới nay, việc khởi tố chưa thực hiện được ở DN nào. |
Cần có sự vào cuộc quyết liệt
Theo BHXH Việt Nam, tình trạng các DN nợ BHXH có nguyên nhân chủ yếu là do tình hình sản xuất của các đơn vị đang gặp khó khăn. Một số đơn vị có ý thức chấp hành chưa tốt quy định về đóng BHXH, BHYT… Số lượng đơn vị phá sản, giải thể, mất tích và chủ DN bỏ trốn hiện khá nhiều. Một số đơn vị còn tìm cách đối phó, trốn tránh, chiếm dụng tiền đóng của người lao động sử dụng vào mục đích khác... Đáng chú ý, có nhiều DN lớn có số tiền nợ BHXH lên đến hàng chục tỷ đồng.
Mới đây, BHXH Việt Nam cũng đã công bố danh sách 20 DN nợ BHXH lớn ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Trong đó, có thể kể đến như Công ty cổ phần LILAMA 3 tại Hà Nội với số nợ BHXH lên tới hơn 32 tỷ đồng; hay Công ty TNHH Nam Phương (TP. Hồ Chí Minh) nợ gần 29 tỷ đồng; Công ty cổ phần Mai Linh miền Nam (TP. Hồ Chí Minh) cũng đang nợ gần 28 tỷ đồng…
Trước thực trạng nhiều DN chây ì trong việc giải quyết tình trạng nợ BHXH, BHXH Việt Nam đang áp dụng nhiều giải pháp như tuyên truyền, công khai danh tính các DN nợ BHXH trên các phương tiện truyền thông. Trong trường hợp đơn vị cố tình trốn đóng, BHXH Việt Nam tiếp tục kiến nghị cơ quan công an điều tra, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự, hoặc hướng dẫn người lao động tố giác hành vi vi phạm với cơ quan công an để xử lý theo trình tự quy định của pháp luật...
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, để việc khởi kiện DN nợ BHXH được diễn ra thuận lợi, trong thời gian tới, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam mong muốn được làm việc với Ủy ban thường vụ Quốc hội, Tòa án Nhân dân Tối cao, Bộ LĐ-TB&XH, BHXH Việt Nam để tìm ra giải pháp hiệu quả, xử lý những vướng mắc hiện nay.
Về phía tổ chức công đoàn, với chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, Tổng Liên đoàn lao động sẽ giao cho các công đoàn cấp trên cơ sở để khởi kiện DN nợ BHXH. Hiện nay, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng đang có đề án xây dựng lực lượng luật sư công đoàn để chuyên xử lý những vụ việc liên quan đến pháp luật lao động (đến năm 2020 sẽ có 50 luật sư), ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.