Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững
Tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính toàn diện của phụ nữ dân tộc thiểu số | |
WB ủng hộ NHNN trong triển khai tài chính toàn diện | |
Tối đa hóa những lợi ích mà tài chính toàn diện mang lại |
Còn nhiều rào cản
Có thể nói, chưa lúc nào vấn đề nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính hay hiểu một cách đơn giản hơn là tài chính toàn diện (Financial Inclusion) lại được đề cập đến nhiều như vậy. Tại Hội thảo “Thúc đẩy tiếp cận tài chính tại Việt Nam” diễn ra ngày 28/9, ông Bùi Tín Nghị - Giám đốc Học viện Ngân hàng đánh giá việc nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính tại Việt Nam sẽ giúp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giảm đói nghèo và xóa dần những khác biệt về thu nhập; tránh những bất công, xung đột xã hội, góp phần tạo cơ hội sinh kế, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội. Đặc biệt, các dòng vốn chính thức được sử dụng với độ an toàn cao hơn, mở rộng hơn giúp các cá nhân, hộ gia đình - vốn hạn chế hiểu biết về tài chính tránh được những rủi ro không đáng có.
Để tháo gỡ những rào cản tiếp cận tài chính Việt Nam cần thúc đẩy tài chính kỹ thuật số |
Ở góc độ tiếp cận dịch vụ tài chính giúp người dân xóa đói giảm nghèo, ThS Lê Phương Lan – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng NHNN Việt Nam cho biết: tỷ lệ hộ nghèo từ 58,1% vào năm 1993 giảm xuống còn gần 10% đến cuối năm 2016 qua các chương trình “nội hàm” tài chính toàn diện như: Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, Nghị quyết 30a của Chính phủ… Tuy nhiên, theo các diễn giả tham gia tại Hội thảo thì khả năng tiếp cận tài chính tại Việt Nam đang ở mức rất thấp so với tiềm năng.
Dân số Việt Nam hiện nay lên tới 90 triệu người nhưng có đến 79% không tiếp cận dịch vụ tài chính chính thức; 70% DNNVV không sử dụng dịch vụ tài chính. Theo TS. Nguyễn Hoài Nam – Phó trưởng khoa Sau Đại học – Học viện Ngân hàng, có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến tiếp cận tài chính tại Việt Nam như do thu nhập không đủ cho các khoản vay nên người dân do dự khi tiếp cận dịch vụ tài chính. Hay lo lắng sẽ có rủi ro khi giao dịch trên Internet Banking khiến cho người dân do dự. Nhưng rào cản lớn nhất được đề cập tới đó là kiến thức giáo dục tài chính trong khi đây lại là yếu tố quan trọng thúc đẩy tiếp cận tài chính. “Có kiến thức tài chính, khách hàng tự tin hơn, quyết định nhanh hơn khi sử dụng dịch vụ tài chính”, ông Nam nhận định.
Đồng quan điểm, bà Thái Thị Kim Hoa - Phó Vụ trưởng Vụ Dự báo Thống kê cho rằng, kiến thức tài chính tác động đến thái độ, hành vi tài chính của người dân. Do đó đây là nội dung không thể thiếu được trong chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Thậm chí, theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – đại diện cho một tổ chức tài chính vi mô còn bày tỏ sự lo ngại hệ lụy có thể xảy ra khi khách hàng không hiểu biết giáo dục tài chính.
Dẫn chứng từ thực tế, bà Mai cho biết: Hiện nay xuống vùng nông thôn ngay cả cán bộ quản lý địa phương cũng có nhiều băn khoăn về sự khác biệt giữa lãi suất cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và lãi suất cho vay của tổ chức tài chính vi mô bán chính thức. Thực tế, sản phẩm tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện theo chính sách Nhà nước nên không thể so sánh với các chương trình tổ chức tài chính vi mô phục vụ cho nhu cầu của khách hàng hướng tới cơ chế thị trường. Vì thế, khi hiểu khác nhau sẽ dẫn đến tạo áp lực không đáng có đối với các tổ chức tài chính vi mô.
Hiện tại, NHNN cũng như các NHTMCP, công ty tư vấn tài chính… cũng đã triển khai nhiều chương trình về phổ biến kiến thức nâng cao nhận biết của người dân về lĩnh vực tài chính NH. Tuy nhiên, các diễn giả cho rằng, quá trình triển khai chỉ mới tập trung vào tuyên truyền chính sách chứ chưa có các chương trình khảo sát, đo lường hiểu biết của công chúng, hay tổ chức đào tạo, giáo dục tài chính, tư vấn như nhiều tổ chức công trên thế giới đã thực hiện. “Nhu cầu giáo dục tài chính khá lớn nhưng khả năng cung ứng và chất lượng lại đang hạn chế. Các chương trình dự án chủ yếu ngắn hạn, chưa có tổ chức nào đưa nội dung này vào quy chế hoạt động nội bộ”, bà Mai bổ sung thêm.
Cách nào để gỡ bỏ rào cản
Để khắc phục những bất cập trên, một diễn giả đề xuất chương trình giáo dục tài chính cần được triển khai một cách bài bản trên quy mô quốc gia với sự tham gia của nhiều cơ quan, trong đó NHNN giữ vai trò đầu mối. Về vấn đề này, bà Thái Thị Kim Hoa cho hay, NHNN xác định đây là nội dung quan trọng trong chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Sắp tới NHNN sẽ tiến hành điều tra nhận thức về tài chính toàn diện. Sau đó, sẽ hỗ trợ đơn vị trong ngành giáo dục xác định được đối tượng giáo dục, nội dung và phạm vi cách thức giáo dục tài chính toàn diện trong thời gian tới. “Mới đây, Bộ Giáo dục xây dựng chương trình tài chính tòan diện phổ cập cho học sinh phổ thông từ cấp 1 đến cấp 3. Chương trình này dự kiến bắt đầu triển khai từ năm 2018”, bà Hoa cho biết thêm.
Kinh nghiệm trên thế giới, để tháo gỡ những rào cản tiếp cận tài chính, theo ông Christopher Abrams – Giám đốc Văn phòng Môi trường và Xã hội USAID Việt Nam cần thúc đẩy tài chính kỹ thuật số. Trên thế giới tiếp cận dịch vụ tài chính ngày càng hiện đại, trên nền tảng kỹ thuật dễ dàng hơn, tiếp cận mọi lúc mọi nơi, đầu tư nhanh hơn, tiết kiệm thời gian chi phí, thỏa mãn mọi yêu cầu của người tiêu dùng. “Tại Ấn Độ, người dân có thể nhận tiền nhanh hơn, đầu tư cải thiện thu nhập khi có hệ thống thanh toán kỹ thuật số. Việc này tăng tính minh bạch, giảm tiêu cực… đã góp phần giúp tham nhũng ở Ấn Độ giảm tới 40%”, ông Abrams dẫn chứng lợi ích thiết thực tại các nước khi tiếp cận tài chính kỹ thuật số.
Tuy nhiên, muốn phát triển được tài chính kỹ thuật số theo các diễn giả thời gian tới cần phải nâng cấp hạ tầng công nghệ tương thích với nền tảng tài chính số, đồng thời có chính sách đào tạo nâng cao chất lượng nhân sự có khả năng vận hành và làm chủ hệ điều hành, cơ sở dữ liệu ngày càng phức tạp. Ngoài ra, một yếu tố quan trọng nữa thúc đẩy tài chính kỹ thuật số là cần phải có môi trường pháp lý lành mạnh, vững chắc, đảm bảo an toàn đối với dịch vụ tài chính.
Ông Đỗ Việt Hùng - Vụ trưởng Vụ Ổn định tiền tệ NHNN gợi ý thêm: khi áp dụng công nghệ thông tin kỹ thuật số, ngoài mang lại sự yên tâm an toàn cho người dân, DN khi sử dụng, các sản phẩm đưa ra phải thiết thực tập trung vào nhu cầu cơ bản nhất. Ngoài ra, sắp tới chúng ta nên mở rộng hơn dịch vụ bảo lãnh vay vốn, bảo hiểm nông nghiệp lồng ghép… xoá bỏ rào cản giữa cung – cầu để nâng cao tiếp cận dịch vụ tài chính. Ông Hùng lưu ý thêm, trong quá trình xây dựng văn bản pháp lý, quy trình sản phẩm dịch vụ cần bám sát tiêu chí phổ cập tài chính mang lại.