Dự án CNHT ưu tiên phát triển được vay tới 70% nhu cầu vốn với lãi suất ưu đãi
Ảnh minh họa |
Dự thảo Thông tư nêu rõ, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi tắt là TCTD) áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam đối với Dự án sản xuất sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển không vượt quá mức lãi suất ngắn hạn cho vay tối đa bằng đồng Việt Nam của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế do Thống đốc NHNN Việt Nam công bố trong từng thời kỳ.
Dự án được áp dụng mức lãi suất nêu tại khoản này là những dự án đã được xác nhận ưu đãi theo quy định tại Điều 11 Nghị định 111/2015/NĐ-CP.
Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ vay để đầu tư Dự án sản xuất sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển, ngoài các ưu đãi nêu trên, khi vay vốn tại các TCTD trên cơ sở bảo lãnh của các tổ chức bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV theo quy định được các TCTD xem xét cho vay tối đa 70% vốn đầu tư nếu đáp ứng các điều kiện: Dự án sản xuất sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển được xác nhận ưu đãi theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 111/2015/NĐ-CP; Dự án sản xuất sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển đã được tổ chức bảo lãnh tín dụng thẩm định và quyết định bảo lãnh vay vốn theo quy định của pháp luật; Có tổng giá trị tài sản thế chấp, cầm cố tại TCTD theo quy định của pháp luật tối thiểu 15% giá trị khoản vay, sau khi loại trừ giá trị tài sản cầm cố, thế chấp cho các khoản vay khác; Có tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu tham gia dự án đầu tư, sau khi trừ số vốn chủ sở hữu thu xếp cho các dự án khác; Tại thời điểm đề nghị bảo lãnh không có các khoản nợ đọng nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, nợ xấu tại TCTD hoặc tổ chức kinh tế khác.
Việc phối hợp với tổ chức bảo lãnh tín dụng thực hiện theo quy định của NHNN tại Thông tư 29/2014/TT-NHNN ngày 09/10/2014, Thông tư 05/2015/TT-NHNN ngày 04/5/2015 và các quy định có liên quan.
Về cơ chế cho vay, Dự thảo Thông tư nêu rõ: TCTD có trách nhiệm xem xét, thẩm định, quyết định cho vay đối với khách hàng theo đúng quy định của pháp luật hiện hành về cho vay và tự chịu trách nhiệm về quyết định cho vay của mình.
Việc phân loại nợ, gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro của TCTD đối với các khoản cho vay Dự án sản xuất sản phẩm CNHT ưu tiên được thực hiện theo quy định hiện hành của NHNN.
Điều 11, Nghị định 111/2015/NĐ-CP: Đối tượng và thủ tục xác nhận ưu đãi 1. Đối tượng ưu đãi: Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển: Bao gồm dự án đầu tư mới, dự án mở rộng và đổi mới công nghệ có ứng dụng thiết bị mới, quy trình sản xuất mới, sản xuất sản phẩm với năng lực sản xuất tăng ít nhất 20%. 2. Thủ tục xác nhận ưu đãi: a) Các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể nộp hồ sơ đề nghị xác nhận tại cơ quan có thẩm quyền của địa phương nơi đặt dự án hoặc Bộ Công Thương để được xác nhận. Cơ quan có thẩm quyền của địa phương gửi Quyết định xác nhận ưu đãi tới Bộ Công Thương; b) Các đối tượng còn lại ngoài các đối tượng quy định ở mục trên, nộp hồ sơ đề nghị xác nhận tại Bộ Công Thương. 3. Thời gian xác nhận ưu đãi: a) Căn cứ hồ sơ đề nghị xác nhận ưu đãi của doanh nghiệp; trong thời hạn 30 ngày làm việc, cơ quan xác nhận có trách nhiệm thông báo kết quả cho doanh nghiệp; b) Trường hợp hồ sơ chưa đủ cơ sở để xác nhận đủ điều kiện ưu đãi, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan xác nhận phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân có liên quan để bổ sung hồ sơ; sau khi có đủ hồ sơ hợp lệ thì cơ quan xác nhận phải ra thông báo kết quả xét duyệt ưu đãi chậm nhất sau 30 ngày làm việc tính từ ngày nhận đủ hồ sơ bổ sung. 4. Hậu kiểm ưu đãi: Dự án sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục ưu tiên phát triển nhưng không đáp ứng đủ các điều kiện ưu đãi sẽ bị thu hồi và bồi thường các ưu đãi đã được hưởng. 5. Bộ Công Thương quy định cụ thể hồ sơ ưu đãi và thủ tục hậu kiểm ưu đãi. |