Dự án Luật hỗ trợ DNNVV: Trước nỗi lo trục lợi từ chính sách
Hỗ trợ DNNVV thông qua cụm công nghiệp | |
Hoàn thiện dự án Luật hỗ trợ DNNVV phù hợp với nguyên tắc kinh tế thị trường | |
Dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV: DN lo lại vấp “xin – cho” |
Cho ý kiến về dự án Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV), đa số ý kiến nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành luật này nhằm góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý và thực hiện hỗ trợ DNNVV, thúc đẩy sự phát triển của các DNNVV trong việc tham gia và tối ưu hóa chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, đối tượng áp dụng của luật là quá rộng (khoảng 97,9% là DNNVV) trong khi nguồn lực Nhà nước có hạn.
Không những thế, nhiều quy định trong dự án Luật hỗ trợ DNNVV lại xung đột với các luật hiện hành, nhất là với các luật khác như: hỗ trợ tiếp cận tín dụng liên quan đến Luật Các TCTD; về tài sản bảo đảm liên quan đến Bộ luật Dân sự; miễn trách nhiệm hình sự liên quan đến Bộ luật Hình sự; bố trí ngân sách hỗ trợ liên quan đến Luật NSNN; giảm mức thuế suất thuế TNDN liên quan đến Luật thuế TNDN.
Ảnh minh họa |
Ông Thanh dẫn lại một số ý kiến cho rằng việc quy định về hỗ trợ tiếp cận tín dụng từ các ngân hàng như dự thảo luật còn chung chung, không khuyến khích được các NHTM cho DNNVV vay vốn. Để DNNVV tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thì luật phải quy định thủ tục, hồ sơ vay cần phải đơn giản, quy trình rõ ràng, tài sản thế chấp phải theo giá thị trường và nâng mức cho vay tối đa 100% giá trị tài sản thế chấp; lãi suất vay có bảo lãnh tín dụng phải bảo đảm thấp hơn hoặc bằng các khoản vay có tài sản thế chấp.
Tuy nhiên, khi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, dự án luật không tạo được sự đồng thuận của các bộ. Ngay Bộ Tư pháp là cơ quan Chủ tịch hội đồng thẩm định dự án luật đã nêu rằng, hầu hết các vướng mắc, bất cập trong công tác hỗ trợ phát triển DNNVV nằm ở khâu triển khai thực hiện chứ không phải thiếu cơ chế chính sách hay do chưa có luật về hỗ trợ DNNVV.
Vì vậy, Chính phủ có thể ban hành nghị định mà không cần ban hành luật. Bộ Tài chính thì hầu như bác bỏ các điều khoản liên quan đến hỗ trợ thuế và đề nghị rà soát lại để trong dự thảo luật này không có các ưu đãi về thuế. NHNN thì đề nghị bỏ các quy định hỗ trợ thông qua sử dụng các công cụ về chính sách tiền tệ. Bộ Công Thương cũng cho rằng, nếu việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ như dự thảo luật sẽ không đảm bảo các quy định trong Hiệp định WTO… tức là có thể bị các nước khác khởi kiện bất cứ khi nào…
Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển còn lo lắng về sự thống nhất của dự án luật này trong hệ thống pháp luật hiện nay. Ông cho biết, đọc các nguyên tắc của việc hỗ trợ trong dự án luật thì rất chặt chẽ, nhưng càng đọc càng thấy vi phạm nguyên tắc thị trường. Bởi NHTM cũng là DN kinh doanh tiền tệ, hoạt động có điều kiện theo Luật Các TCTD… Nếu Nhà nước hỗ trợ thì phải bù lãi suất, nghĩa là phải chi phần bù này từ NSNN.
“Một số ý kiến đề xuất cho vay 100% giá trị tài sản thế chấp, thế thì hăng hái quá. Cho vay có 70% giá trị tài sản thế chấp mà bây giờ còn bao nhiêu tài sản khống, tài sản ảo, nay lại đòi cho thế chấp 100% giá trị tài sản thế chấp thì cơ chế thị trường như thế nào...”, ông Hiển đặt câu hỏi.
Một điểm trừ khác là về đánh giá tác động của dự án luật. Nhiều ý kiến cho rằng, Ban soạn thảo đã đánh giá rất khả quan nhưng thực tiễn lại khác rất xa so với đánh giá này. Bởi nếu chúng ta hỗ trợ từ NSNN như báo cáo là 13 nghìn tỷ đồng, trong đó thuế chiếm 5 nghìn tỷ đồng, nhưng theo báo cáo của Bộ Tài chính thì con số này là 9,3 nghìn tỷ đồng. Như vậy NSNN bỏ ra thông qua bù lãi suất hoặc giảm thuế sẽ khoảng 20 nghìn tỷ đồng.
Về hiệu quả hoạt động, báo cáo đánh giá tác động cho rằng, hiện nay cả nước có khoảng 480 nghìn DN, thì với sự hỗ trợ này, đến năm 2020 sẽ có thêm 520 nghìn DN nữa, tức là sẽ đạt tổng cộng 1 triệu DN. Như vậy, mỗi năm cả nước sẽ tăng 130 nghìn DN, và nếu mỗi DN sẽ nộp cho NSNN 500 triệu đồng như đánh giá, NSNN sẽ có khoản thu thêm 260.500 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, một luồng ý kiến đánh giá như vậy thì “phấn khởi quá” bởi theo số liệu của Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển, hiện nay cả nước có 488 nghìn DN, nhưng chỉ có 45% hoạt động nên loại DN đăng ký, DN ma, DN kiểng không phải ít.
“Nghe thì rất cần thiết để tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy phát triển DNNVV, tạo thêm công ăn việc làm, tạo thêm tổng giá trị sản phẩm xã hội, kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách, được cả về kinh tế, về xã hội”- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhìn nhận.
Tuy nhiên, Ban soạn thảo chưa nói đến tác động của dự án luật này đối với kinh tế, tài chính ngân sách. “Ở đây tính giảm thuế hơn 5 nghìn tỷ đồng, Bộ Tài chính nói giảm hơn 9 nghìn tỷ đồng, cộng thêm chi phí hỗ trợ thì khoảng 20 nghìn tỷ đồng, nhưng tôi e là tính chưa đủ”, bà Ngân nói.