Hỗ trợ DNNVV thông qua cụm công nghiệp
Hai nút thắt cần tháo gỡ cho DN nhỏ | |
Nan giải với cụm công nghiệp |
Ảnh minh họa |
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các DNNVV luôn gặp khó khăn về mặt bằng sản xuất, song trong đó nổi lên là việc địa phương chưa có các cụm công nghiệp giành cho các DNNVV. Trong khi, các KCN lớn trên địa bàn cũng đã tương đối đầy chỗ, hoặc một số KCN lại không chấp nhận cho các DNNVV vào hoạt động.
Thực tế, trên địa bàn thành phố hiện có 6 KCN tập trung, với diện tích trên 1.000ha, cũng gần như đã được lấp đầy. Ngoài ra, theo Quyết định 39/2014 của UBND TP. Đà Nẵng cấm 19 ngành nghề không được mở cơ sở sản xuất trong khu dân cư, càng khiến các DNNVV đã khó khăn lại càng khó khăn, nan giải hơn trong việc tìm kiếm mặt bằng sản xuất.
Theo ông Nguyễn Văn Lý, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV TP. Đà Nẵng, nhu cầu bức xúc hiện nay của DNNVV là mặt bằng sản xuất. Thành phố yêu cầu DN di dời cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư nhưng không biết di dời đi đâu buộc phải dừng sản xuất hoặc thu hẹp quy mô thì làm sao để các DN ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh của mình.
Đơn cử như trường hợp của Công ty sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu Hương Quế. Đã hàng chục năm qua, DN này buộc phải sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng từ trong một con hẻm nằm sâu trong khu dân cư của phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu với diện tích khá khiêm tốn đi thuê lại của nhiều nhà dân. Mặc dù, đến nay các sản phẩm của Hương Quế đã được xuất khẩu sang cả thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản…
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu Hương Quế cho biết, với chu trình sản xuất không khép kín như hiện nay với 9 nhà xưởng, văn phòng, kho bãi... chật, hẹp nằm cách xa nhau, rõ ràng DN đã mất điểm trong mắt nhiều đối tác khi đến tham quan, ký kết hợp đồng.
Tình trạng các DNNVV thiếu mặt bằng như Công ty sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu Hương Quế đang khá nhức nhối hiện nay ở TP. Đà Nẵng. Nhiều DNNVV vẫn phải chấp nhận ở chung trong các khu dân cư. Điều này, không tránh khỏi những hệ luỵ như ô nhiễm môi trường, tiếng ồn.
Vấn đề DNNVV gây ô nhiễm môi trường từng rất nhiều lần làm “nóng” các kỳ họp của Hội đồng Nhân dân TP. Đà Nẵng… Mới đây, để đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất cho các DNNVV, tạo điều kiện hỗ trợ cho các DN phát triển sản xuất kinh doanh, UBND TP. Đà Nẵng đã triển khai quy hoạch thêm 4 KCN mới, với diện tích trên 1.600ha, gấp rưỡi diện tích của các KCN hiện tại.
Cụ thể, từ nay đến năm 2020, TP. Đà Nẵng sẽ xây dựng 4 KCN: KCN Hòa Cầm (giai đoạn 2) có diện tích gần 180ha, KCN Hòa Nhơn có diện tích gần 550ha, KCN Hòa Ninh có diện tích gần 700ha, KCN Hòa Sơn có diện tích 227ha. Việc mở rộng KCN Hòa Cầm giai đoạn 2 sẽ hoàn thành trong năm nay, KCN Hòa Nhơn hoàn thành tháng 6/2017, KCN Hòa Sơn và KCN Hòa Ninh sẽ hoàn thành trong năm 2017.
Ngoài 4 KCN mới nói trên, TP. Đà Nẵng cũng đã có chủ trương quy hoạch một số cụm công nghiệp nhỏ dành cho DN nhỏ và siêu nhỏ. Đến nay, Sở Công Thương TP. Đà Nẵng đã hoàn thành dự thảo để tham mưu trình thành phố về quy hoạch nói trên. Cụ thể, sẽ có 8 cụm công nghiệp nhỏ được đề xuất tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Hòa Vang, quận Liên Chiểu và Cẩm Lệ...
Theo nhiều người, với việc UBND TP. Đà Nẵng chủ trương thành lập các cụm công nghiệp cho DNNVV sẽ giúp đỡ tích cực cho các DNNVV ở địa phương vượt qua khó khăn để phát triển. Đây là một sự hỗ trợ quan trọng nữa của TP. Đà Nẵng với các DNNVV.
Bởi, trước đó UBND TP. Đà Nẵng cũng đã thành lập“Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV thành phố Đà Nẵng”. Theo đó, hoạt động của quỹ không vì mục tiêu lợi nhuận, nhằm cấp bảo lãnh tín dụng, tạo điều kiện hỗ trợ cho DNNVV trên địa bàn thành phố tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ cho việc phát triển sản xuất, kinh doanh.