Dư địa cho xuất khẩu thủy sản còn lớn
Thủy sản vào EU: Cần giải bài toán tiêu chuẩn | |
Nuôi trồng thủy sản vượt khó tăng trưởng khá |
Xuất khẩu cán đích 7 tỷ USD
Ông Phạm Quang Toản - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Tổng cục Thủy sản) cho biết: Vượt qua những khó khăn về thị trường xuất khẩu, bất lợi do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sự cố môi trường biển, năm 2016 thủy sản tiếp tục khẳng định là ngành hàng xuất khẩu mũi nhọn của ngành nông nghiệp, đóng góp lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành, với giá trị 7 tỷ USD.
Tổng sản lượng thủy sản cả năm ước đạt hơn 6,7 triệu tấn. So với năm 2015, tổng sản lượng tăng 2,5%; tỷ trọng sản lượng nuôi trồng chiếm 54,2%, cao hơn năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng 6,5%.
Năm 2017, ngành thủy sản tập trung nuôi tôm nước lợ |
Trong bức tranh tăng trưởng ngành thủy sản, sản xuất tôm nước lợ và cá tra tiếp tục tăng trưởng mạnh, duy trì vị trí dẫn đầu ngành. Năm 2016, diện tích nuôi tôm nước lợ ước đạt 700.000 ha, sản lượng ước đạt 650.000 tấn, tăng 3,17% so với năm 2015.
Đối với nuôi cá tra, các địa phương đang phát triển chuỗi giá trị cá tra theo hướng hợp tác các hộ nhỏ lẻ thành các tổ hợp tác và liên kết với DN cung ứng vật tư đầu vào, với DN chế biến tiêu thụ sản phẩm để giảm thiểu hiện tượng mất cân bằng cung cầu, giảm giá thành và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Diện tích thả nuôi cá tra năm 2016 ước đạt 5.050 ha, đạt 99% so với kế hoạch đề ra. Sản lượng thu hoạch ước đạt 1,15 triệu tấn. Giá thu mua cá tra nguyên liệu trong năm 2016 có giảm ở một số thời điểm thu hoạch rộ như các năm gần đây, giai đoạn cuối năm giá cá đã tăng lên, người nuôi cá tra có lãi...
“Việc cán mốc 650 nghìn tấn là con số kỷ lục, bởi so với nhiều năm gần đây, sản lượng tôm nước lợ chỉ xoay quanh khoảng 600 nghìn tấn, cá biệt năm 2014 là năm cao nhất cũng chỉ đạt khoảng 630 nghìn tấn”, ông Như Văn Cẩn - Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Tổng cục Thủy sản) nói.
Dư địa cho tăng trưởng còn lớn
Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, dự báo nhu cầu thủy sản trên thế giới vẫn tăng mạnh dù không cao như những năm trước (trên 15%). Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp bắt đầu có tác động gia tăng lượng nguyên liệu thủy sản nuôi trồng cung cấp cho chế biến xuất khẩu. Cùng với đó, các hiệp định thương mại với các thị trường thế giới mở ra cơ hội để thâm nhập sâu hơn.
Dự báo, xuất khẩu tôm năm 2017 tiếp tục tăng trưởng dương nhờ vào xu hướng gia tăng nhu cầu của thị trường. Thị trường châu Âu sẽ tăng mua tôm đáng kể khi Việt Nam đã áp dụng các biện pháp một cách có hiệu quả bảo đảm kiểm soát hóa chất kháng sinh. Việt Nam sẽ phát huy lợi thế nuôi tôm sú và cung cấp cho thị trường ở các phân khúc cao. Cùng với tôm, cá tra vẫn là mặt hàng quan trọng của thủy sản và dự báo năm 2017 giá trị xuất khẩu sẽ xoay quanh mức 1,7 tỷ USD.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám nhận định, năm 2017 ngành thủy sản còn nhiều dư địa để phát triển và tăng trưởng. Lợi thế về tôm nước lợ đã xác định rõ, “dư địa” còn nhiều, trong số hơn 700 nghìn ha tôm hiện nay, mới có 95 nghìn ha nuôi công nghiệp, còn hơn 600 nghìn ha là quảng canh, quảng canh cải tiến, tôm sinh thái năng suất còn thấp.
Ngành sẽ tập trung các giải pháp để tăng năng suất bình quân trên mỗi đơn vị diện tích thủy sản năng suất còn thấp. Bên cạnh đó, cần kiểm soát tốt giống, dịch bệnh, áp dụng đúng quy trình. Đồng thời cần đề phòng vấn đề xâm nhập mặn và thị trường.
Đối với cá tra, để đạt được con số xuất khẩu cá tra 1,7 tỷ USD trong năm 2017, với mức tăng trưởng 10%, theo các chuyên gia, ngoài các thị trường truyền thống, thị trường lớn, các DN cần chú ý phát triển, trụ vững ở tất cả các thị trường hiện có; tập trung khai thác thị trường trong nước với 92 triệu dân.
Các DN cần chủ động xây dựng các phương án để đưa sản phẩm cá tra vào siêu thị, kênh bán lẻ trực tuyến. Hiện nay, cá tra Việt Nam rất thuận lợi trên thế giới do chất lượng sản phẩm và giá bán. Để mở rộng thị trường lớn mạnh, chất lượng giống nuôi là yếu tố hàng đầu DN cần quan tâm tới.
Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, cần tập trung thực hiện sửa đổi Nghị định 36 để tạo hành lang pháp lý, xử lý tốt vấn đề rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu. Về mặt chiến lược lâu dài đối với cá tra, cần khẩn trương xây dựng chiến lược sản phẩm quốc gia cá da trơn, trong đó tập trung xây dựng sản phẩm chất lượng cao, xây dựng thương hiệu.
Chúng ta sẽ gia tăng sản phẩm có giá trị gia tăng cao chế biến từ cá tra. Cá tra năm 2017 sẽ tạo đột phá từ thị trường trong nước với hơn 90 triệu dân, cần khuyến khích phát triển thị trường nội địa. Nếu làm tốt, cá tra năm 2017 hoàn toàn có bước đột phá.
Năm 2017 ngành thủy sản đặt mục tiêu đạt tổng sản lượng 6,85 triệu tấn. Trong đó sản lượng thủy sản khai thác đạt 3,05 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng 3,8 triệu tấn, cung cấp nguyên liệu chất lượng phục vụ chế biến xuất khẩu đạt 7,1 tỷ USD.