Dự luật Thuế Tài sản: Cần cân nhắc kỹ và thuyết phục hơn
Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế với nhà trên 700 triệu đồng, ô tô hơn 1,5 tỷ đồng | |
Đánh thuế tài sản tạo công bằng? |
Ảnh minh họa |
“Hiện nay, mỗi căn nhà thu nhập thấp giá rẻ nhất cũng vào khoảng 1 tỷ đồng. Trong khi chiểu theo dự thảo Luật mà Bộ Tài chính đưa ra thì những căn nhà từ 700 triệu đồng trở lên sẽ chịu thuế. Có nghĩa những căn nhà ở xã hội, nhưng đối tượng thu nhập thấp vốn đang được Chính phủ ưu đãi lãi suất, ngân hàng hỗ trợ vốn vay ưu đãi này cũng sẽ phải chịu thuế với mức thuế suất 0,4% là điều bất hợp lý”, anh Nguyễn Ngọc Minh ở Hà Đông chia sẻ.
"Người ta cố gắng tích cóp, được hỗ trợ mới có được mái nhà để ở mà phải đóng thuế là điều vô lý. Trong khi những người có 2 – 3 nhà, có du thuyền, máy bay riêng… lại không phải chịu thuế bởi đó là của… “công ty”. Đây là nghịch lý cần sửa đổi", anh Minh nói thêm.
Cũng có không ít ý kiến cho rằng, việc đánh thuế tài sản là thuế chồng thuế, do những tài sản này được hình thành từ nguồn tích lũy thu nhập sau thuế của người dân. Có nghĩa họ đã phải đóng thuế thu nhập, nay khi có tài sản lại phải đóng thuế tài sản. Chưa kể để có được một căn nhà (dù là nhà đất hay nhà chung cư), người dân đã phải trả khá nhiều khoản: thuế đất, lệ phí trước bạ, phí công chứng, phí đo vẽ, phí cấp mới giấy chứng nhận…
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, Dự thảo có tác động quá lớn khi mà số người phải đóng thuế là quá nhiều trong khi lại chưa đảm bảo tính khách quan, công bằng. “Bộ Tài chính cần đưa ra những lý do thuyết phục hơn về cơ sở đưa ra ngưỡng 700 triệu và thuế suất 0,3 - 0,4% và phải đánh giá được tác động của chính sách, về ngân sách, tính khả thi, đảm bảo công bằng, tác động đến đời sống của người dân. Căn cứ đưa ra đã phù hợp hay chưa? Hiện có thể nhìn thấy bất cập là đánh cùng một mức đối với các công trình xây dựng kể cả nó ở vị trí đắc địa hay trong ngõ. Cần đảm bảo nguyên tắc của việc đánh thuế tài sản là phải công khai, minh bạch và công bằng...", TS. Cấn Văn Lực lên tiếng.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, số thu thuế tài sản đối với phương án 1 (thuế suất thuế tài sản chung là 0,3%) là khoảng 22.700 tỷ đồng (nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 1 tỷ đồng) hoặc khoảng 23.300 (nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng); đối với phương án 2 (thuế suất thuế tài sản chung là 0,3%) là khoảng 30.300 tỷ đồng (nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 1 tỷ đồng) hoặc khoảng 31.000 tỷ đồng (nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng). Và Bộ này đề nghị thực hiện theo phương án 2, đồng thời áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng. |
Một số chuyên gia còn cho rằng, dự luật Luật Thuế Tài sản còn “chưa ổn” ở việc hiện nay thu nhập người dân vẫn còn mức thấp nhưng giá nhà đất lại cao, thậm chí nhiều nơi giá nhà bị “đẩy” cao hơn nhiều lần so với giá trị thực tế. Do vậy đánh thuế tài sản như thế nào cần phải tính toán kỹ để tránh tạo nên gánh nặng cho người dân khi mà tình trạng bất động sản ảo vẫn còn rất nhiều.
Anh Trần Trọng Thái (Hà Đông) – một người môi giới bất động sản chia sẻ, thị trường bất động sản của chúng ta mới phục hồi chưa lâu, chưa thực sự bền vững. Dự thảo luật nếu được thông qua sẽ là một gánh nặng mới với nhiều nhà đầu tư và gây khó khăn cho nhiều hộ dân khi tiếp cận nhà ở. Khó khăn chỉ có đối với những người có nhu cầu nhà ở thực sự! Bởi đơn giản với 700 triệu đồng sẽ có bao nhiêu người có được căn nhà để ở?
Trong khi đó, Bộ Tài chính lại lấy ngưỡng 700 triệu để đánh thuế? Mặt khác, những người có nhiều nhà, lại ít bị ảnh hưởng bởi dự luật này khi mà họ có nhiều nhà để cho thuê, kinh doanh để tài sản sinh lời. Bên cạnh đó, mục tiêu mà dự thảo luật đặt ra là hạn chế tình trạng đầu cơ, tích lũy nhà ở lại không thực sự hiệu quả.
“Dự luật còn quá khiên cưỡng! Những trung tâm thương mại, các công ty địa ốc có văn phòng cho thuê, nhà cho thuê lại được “đặt ra ngoài” bởi ảnh hưởng đến đầu vào của DN, trong khi đó những người phải tích lũy cả đời, thậm chí đi vay để có mái nhà thì phải trả thuế", anh Thái nói.
Giáo sư Đặng Hùng Võ chia sẻ: "Tôi cho rằng không nên đánh thuế nhà ở theo trị giá suất đầu tư, mà phải đánh theo diện tích sử dụng. Bởi đánh thuế với nhà theo giá trị sẽ kìm hãm sự phát triển nhà ở và bất động sản gắn liền với đất, chưa kể những rắc rối khi tính giá trị nhà, khấu hao hàng năm để áp thuế... Việc đánh thuế nhà theo diện tích sẽ dễ dàng tính toán và đảm bảo công bằng, đúng mục đích của sắc thuế này là sử dụng nhà đất hiệu quả. Cần đặt ra ngưỡng diện tích để tính thuế, giống như thuế thu nhập cá nhân là thu nhập tính thuế. Tuy nhiên, trước mắt chỉ nên đánh thuế nhà ở đô thị, chưa thu thuế tài sản đối với nhà ở nông thôn. Vì nhà ở nông thôn dù diện tích ở có thể rộng, nhưng thu nhập của nông dân chỉ trông vào sào ruộng". |
Một số chuyên gia khuyến nghị, trong điều kiện thu nhập người dân còn thấp như hiện nay, việc thu thuế tài sản đối với nhà đất nếu có chỉ nên tính đến phương án thu thuế đối với những nhà đất thứ 2. Bởi người dân mua được căn nhà rất khó, trong đó nhiều người mua trả góp và phải thắt chặt chi tiêu để có tiền trả góp. Bộ Tài chính lấy lý do việc xác định sở hữu nhà thứ 2 trở đi rất phức tạp nên không thực hiện phương án đánh thuế này là chưa hợp lý.
Xem ra còn quá nhiều vấn đề Bộ Tài chính phải cân nhắc lại trước khi ban hành một luật thuế mới, và Luật chỉ thực sự có hiệu quả và đi vào cuộc sống khi nhận được sự đồng thuận từ phía những người dân.