Sắp có “bàn đạp pháp lý” cho DNNVV
Bình đẳng để cùng tiến | |
BIDV tích cực hỗ trợ DNNVV tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi | |
Hỗ trợ DNNVV thông qua cụm công nghiệp |
Sau hơn 2 năm soạn thảo với nhiều vòng góp ý, dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV vừa chính thức được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) hoàn thiện và công bố. Dự thảo này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV khai mạc ngày hôm nay, 20/10. Trong lúc này, cộng đồng DNNVV chiếm hơn 97% trong lực lượng DN Việt Nam có lẽ đang đếm lùi từng ngày để chính thức có được “bàn đạp pháp lý” hỗ trợ phát triển cho mình, vốn được mong chờ lâu nay.
Mô hình hiệu quả cho nền kinh tế
Xa hơn câu chuyện tạo bệ đỡ cho DN, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông kỳ vọng Luật Hỗ trợ DNNVV sẽ thiết lập mô hình DN hiệu quả nhất cho nền kinh tế, phù hợp với định hướng tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng thời gian tới. Chia sẻ tại hội thảo về vấn đề này diễn ra sáng 19/10, ông Đông cho biết: “Đó phải là mô hình quả trám với tầng lớp DNNVV chiếm số đông nằm ở phần giữa, còn DN siêu nhỏ và DN lớn chỉ chiếm số ít và nằm ở 2 đầu”.
Luật được xây dựng nhằm thiết lập đồng bộ các chính sách, chương trình hỗ trợ DNNVV một cách chọn lọc, phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế của đất nước |
Cụ thể hơn, ông Đông phân tích, tư tưởng của luật là bảo đảm có tầng lớp trung lưu chiếm số lượng lớn trong nền kinh tế, giảm số tỷ phú cá nhân phát triển không nhờ trí tuệ, khoa học công nghệ mà đi lên từ quan hệ. Đây là mô hình phổ biến của các nước phát triển trên thế giới.
Với mục tiêu đó, luật được xây dựng nhằm thiết lập đồng bộ các chính sách, chương trình hỗ trợ DNNVV một cách chọn lọc, phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế của đất nước, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, quốc gia và nguồn lực có thể bố trí trong từng thời kỳ. Qua đó, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng hoạt động của DNNVV. Đồng thời, tạo khung pháp lý để huy động khu vực kinh tế tư nhân và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia cùng Chính phủ thực hiện hỗ trợ DNNVV.
Ông Lê Văn Khương, Trưởng phòng Phát triển DNNVV (Cục Phát triển DN, Bộ KH&ĐT) cho biết, dự thảo luật gồm 6 chương với 45 điều, được thiết kế với 2 phần quan trọng. Các nội dung hỗ trợ cơ bản bao gồm các quy định về gia nhập và rút khỏi thị trường; tiếp cận tín dụng, tài chính, công nghệ, mặt bằng sản xuất; xúc tiến và mở rộng thị trường; mua sắm công; thông tin và tư vấn, đào tạo, ươm tạo và cung cấp dịch vụ hỗ trợ. Đây là những hỗ trợ cơ bản, thiết yếu đối với tất cả các DNNVV.
Các chương trình hỗ trợ trọng tâm là những hỗ trợ có mục tiêu, trọng điểm theo định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và tự chủ của nền kinh tế. Cụ thể gồm 3 chương trình hỗ trợ trọng tâm là: hỗ trợ DN chuyển đổi từ hộ kinh doanh; hỗ trợ DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; và hỗ trợ DN tham gia cụm liên kết ngành. Ngoài ra còn có các chương trình khác do Chính phủ quy định phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển và điều kiện ngân sách Nhà nước trong từng thời kỳ.
Loại bỏ hỗ trợ kiểu bao cấp
Dù có tinh thần là hỗ trợ DN, song ban soạn thảo khẳng định luật không hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc bao cấp cho DNNVV, mà những hỗ trợ cơ bản thực hiện chủ yếu thông qua việc tạo cơ chế chính sách, điều kiện thuận lợi để các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho DN.
Điển hình là hỗ trợ về tiếp cận tín dụng. Đây là nội dung mà trong suốt thời gian lấy ý kiến đã vấp phải nhiều phản đối của các chuyên gia kinh tế và NHTM vì quy định chưa phù hợp trong nền kinh tế thị trường, song qua tham vấn đã được sửa đổi. Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết, ban đầu ban soạn thảo đưa ra yêu cầu là NHTM phải dành tối thiểu 30% dư nợ tín dụng cho DNNVV vay. Tuy nhiên sau nhiều tranh luận, quy định này đã được rút lại và sửa theo hướng khuyến khích và hỗ trợ gián tiếp để NH tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV tiếp cận vốn.
Cụ thể, Điều 9 về Hỗ trợ tiếp cận tín dụng quy định NH tạo thuận lợi cho DNNVV thông qua cung cấp các khoản vay với lãi suất, thời hạn phù hợp với quy mô, đặc điểm của DNNVV; điều kiện, quy định, thủ tục cho vay phù hợp, đơn giản. Trong từng thời kỳ, Chính phủ sử dụng ngân sách Nhà nước thực hiện cấp bù lãi suất và các hình thức khác để hỗ trợ các NH cho vay đối với DNNVV theo các nội dung, chương trình hỗ trợ; và hỗ trợ các DN, tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ DNNVV theo quy định của luật.
Cũng theo ban soạn thảo, quy định trong dự thảo luật không tạo sự xung đột, mâu thuẫn với Luật Các TCTD. Theo đó, Luật quy định các NH tạo điều kiện cho vay đối với DN chứ không áp tỷ lệ cho vay bắt buộc. Các khoản vay hỗ trợ của Chính phủ để hỗ trợ NH cho vay DNNVV được sử dụng từ ngân sách để cấp bù lãi suất cũng không can thiệp hoặc ảnh hưởng đến hoạt động của các NH. Điều này phù hợp với Điều 8 Luật Các TCTD.
Đánh giá về dự thảo lần này, nhiều ý kiến cho rằng luật ra đời có thể đáp ứng được yêu cầu là tạo thuận lợi cho quá trình tích luỹ ban đầu của DN, từ đó quy mô của DN ngày càng lớn lên. Tuy nhiên, một mối băn khoăn khác là khả năng áp dụng vào thực tế có vẻ sẽ không tức thời.
GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cho rằng, dung lượng của luật còn tương đối mỏng, trong khi lại có nhiều điều khoản mở với nội dung Chính phủ sẽ quy định hướng dẫn chi tiết. Như vậy, sau khi luật ra đời sẽ cần hệ thống nghị định, thông tư theo sau. “Tôi mong rằng ban soạn thảo cố gắng cụ thể hoá, để sau khi luật ra đời lập tức có giá trị thực hiện ngay, không phải chờ văn bản dưới luật nữa”, ông Mại nói.