Dự thảo Luật thuế tài sản: Còn nhiều điều thiếu khả thi
Làm chính sách kiểu “quăng bom” | |
Dự thảo Luật Thuế tài sản: Rất bất hợp lý – kiểu gì người dân cũng phải nộp | |
Bỏ phương án đánh thuế đối với ngôi nhà thứ 2 trở đi |
Ông Nguyễn Kiều Hưng |
Ông Nguyễn Kiều Hưng – Luật sư điều hành Công ty luật Giải Phóng trả lời phỏng vấn của Thời báo Ngân hàng về đề xuất xây dựng dự án luật thuế tài sản mà Bộ Tài chính đang xây dựng và lấy ý kiến.
Luật sư có quan điểm thế nào về dự thảo luật thuế tài sản mà Bộ Tài chính nêu ra?
Tôi đồng tình và ủng hộ hành động này của Bộ Tài chính vì về nguyên tắc để xây dựng, ban hành một văn bản quy phạm pháp luật thì phải đảm bảo được các nguyên tắc được quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.
Bộ Tài chính đã muốn có được ý kiến đóng góp để hoàn chỉnh rồi gửi Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ xem xét quyết định việc trình Quốc hội đưa Chương trình vào xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Việc đưa ra lấy ý kiến của Bộ Tài chính đã đảm bảo được nguyên tắc công khai, dân chủ, được quy định Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hành động này giúp cho nhà làm luật có cái nhìn tổng quan, khái quát, thực tế, tiết kiệm được thời gian và phù hợp với nguyên tắc của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Việc đánh thuế tài sản là việc rất nhiều nước trên thế giới đã thực hiện, có nghĩa đấy là một sắc thuế phù hợp. Nhưng để biết được rằng nó có cần thiết hay không thì phải xem xét vào sự chuẩn bị trước khi ban hành và hoàn cảnh thực tế của đất nước. Ở đây chính là mục đích khi Bộ Tài chính đưa ra ý tưởng về việc ban hành Luật Thuế Tài sản.
Nếu để bình ổn thị trường bất động sản, hạn chế đầu cơ tích trữ, giải quyết vấn nạn tham nhũng, thì tôi cho rằng mục đích đấy chỉ tốt đẹp về mặt lý tưởng, đúng với đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật, nhưng không sát với thực tế, và không chắc đây là biện pháp cần thiết, duy nhất để bảo đảm đạt được những mục đích nêu trên.
Hiện nay, chúng ta đã có Thuế thu nhập để điều tiết một phần thu nhập của người giàu, có Thuế sử dụng đất và các loại lệ phí liên quan trong suốt quá trình sử dụng đất, có Bộ luật hình sự, Luật Phòng chống tham nhũng để giải quyết các vấn nạn về tham nhũng. Như vậy, tại sao không nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những đạo luật đang có nhằm điều chỉnh tốt hơn các vấn đề xã hội đã tồn tại? Ban hành một sắc thuế mới dù chỉ mới là ý tưởng nhưng đã gây rất nhiều tranh cãi thì cần phải nghiên cứu kỹ về sự cần thiết của nó.
Đánh thuế đối với tài sản nhà đất trên 700 triệu là trực thu, giáng trực tiếp vào tài sản của mỗi người |
Dư luận rất không đồng tình về ngưỡng chịu thuế và thuế suất mà bộ Tài chính đưa ra?
Việc Bộ Tài chính vừa có đề xuất đánh thuế sở hữu với người có nhà, đất giá trị từ 700 triệu đồng với mức 0,4% mỗi năm (cho phần giá trị vượt 700 triệu đồng), giá đất có thể áp dụng giá thị trường hoặc bảng giá nhà nước, bản thân tôi cho rằng đây là quy định không hợp pháp và cũng thiếu tính khả thi.
Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, thì tại khoản 1 điều 5 về Nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải đảm bảo tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật. Ngoài ra khoản 4 của điều 5 cũng yêu cầu văn bản quy phạm phải bảo đảm tính khả thi, tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời, dễ tiếp cận, dễ thực hiện của văn bản quy phạm pháp luật.
Quyền được sở hữu tài sản của người dân là một trong những quyền cơ bản của công dân, đánh thuế đối với tài sản nhà đất trên 700 triệu là quy định một sắc thuế mới, trực thu, giáng trực tiếp vào tài sản của mỗi người, liệu có phải là một trong những áp lực cản trở quyền của công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp. Và tại điều 14 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật nghiêm cấm việc ban hành Luật trái với Hiến pháp. Ở đây không phải cắt nghĩa về câu chữ, mà là đi ngược với tinh thần của Hiến Pháp 2013.
Bên cạnh đó, nguyên tắc của việc đánh thuế là khi ban hành một loại thuế cần tránh tình trạng thuế chồng lên thuế. Tức là cần phải “bóc tách” những phần của đối tượng chịu thuế đã chịu loại thuế đó ở giai đoạn trước hay không hoặc đã chịu những loại thuế gì, vì đánh thuế hai lần được xem là một bất lợi cho người nộp thuế khi phải nộp thuế hai lần cho cùng một đối tượng chịu thuế. Ví dụ như đã bị đánh thuế thu nhập khi mua bán chuyển nhượng, nay lại bị đánh tiếp về tài sản khi sử dụng.
Trong khi tài sản thì chỉ có một. Xét về vấn đề này trực tiếp ở nước ta hiện nay, có thể thấy khi chuyển nhượng, giao dịch đối với nhà đất có 02 loại thuế cơ bản là thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ, khi sử dụng thì phải nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp/ thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Lưu ý rằng ở Việt Nam hiện nay không có sở hữu về đất đai, chỉ có quyền sử dụng được công nhận, vì vậy luật thuế tài sản cần phải có nội dung quy định sao cho không vi phạm nguyên tắc “tránh đánh thuế hai lần”.
Vậy nên điều chỉnh nội dung dự thảo thế nào để luật này đạt mục tiêu “điều tiết một phần thu nhập của người giàu, chống tham nhũng, chống đầu cơ… như Bộ Tài chính đã nêu?
Nếu thấy thật sự cần thiết, phải nghiêm túc đưa việc xây dựng luật tài sản vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội thì theo tôi nên đánh thuế tài sản đối với bất động sản thứ 02 trở đi. Vì nhu cầu để ở thì chỉ cần duy nhất 01 bất động sản là đủ, và chúng ta cần phải đảm bảo quyền cơ bản của công dân đối với việc sở hữu tài sản và quyền có nhà ở của họ; còn khi có từ 02 bất động sản trở đi thì nên đánh thuế đối với những tài sản tăng thêm ấy có lẽ là hướng đi hợp lý hơn.
Cảm ơn Luật sư!
Bộ Tài chính: Sẽ ghi nhận các ý kiến tham gia để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Thuế tài sản Trước nhiều ý kiến về cách tính thuế đối với nhà chung cư trong đề xuất về luật thuế tài sản của Bộ Tài chính, để giải thích rõ Bộ Tài chính đã lấy ví dụ là một căn hộ chung cư có diện tích 75m2 ở một khu đô thị tại Hà Nội (nhà chung cư 20 tầng) có giá theo hợp đồng mua bán là 2,5 tỷ đồng. Với căn hộ này, thuế tài sản sẽ tính theo bảng giá đất do UBND Hà Nội công bố đối với vị trí thửa đất xây dựng nhà chung cư là 10 triệu đồng/m2. Suất vốn đầu tư xây dựng do Bộ Xây dựng công bố khoảng 9,7 triệu đồng/m2 (áp dụng đối với nhà chung cư từ 18 tầng đến 20 tầng). Tổng số thuế tài sản dự kiến phải nộp hàng năm đối với nhà, đất bằng số thuế tài sản phải nộp đối với đất. Vậy, là chung cư mới thì thuế tài sản với đất phải nộp là 600.000 đồng/năm (Giá tính thuế dự kiến đối với đất là 75 m2 x 10 triệu đồng/m2 x 0,2 = 150 triệu đồngx0,4%). Số thuế với nhà là 728.250.000 đồng ( Giá tính thuế đối với nhà xác định cho căn hộ chung cư trên là 75 m2 x 9,7 triệu đồng/m2), với ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng thì số thuế phải nộp sẽ là 113.000 đồng/năm (28.250.000 đồng x 0,4%). Như vậy, tổng số thuế tài sản (cả nhà cả đất) chủ căn hộ phải nộp tổng cộng là 713.000 đồng/năm. Trường hợp khu chung cư đã được đưa vào sử dụng 7 năm thì số thuế đất giữ nguyên là 600.000 đồng/năm. Còn thuế đối với nhà được tính theo tỷ lệ % chất lượng nhà còn lại (do UBND cấp tỉnh quy định). Do giá trị còn lại của căn hộ trên thấp hơn ngưỡng 700 triệu đồng nên căn hộ trên không phải chịu thuế tài sản mà chỉ phải chịu thuế đất là 600.000 đồng/năm. Hiện nay, UBND cấp tỉnh đang quy định tỷ lệ chất lượng còn lại của nhà để kê khai, nộp lệ phí trước bạ. Do đó, dự kiến tỷ lệ chất lượng còn lại của nhà để tính thuế tài sản sẽ giao cho UBND các tỉnh quy định. Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn nguyên tắc xác định tỷ lệ chất lượng còn lại của nhà tại các văn bản dưới luật để các địa phương thực hiện thống nhất. Bộ Tài chính cho biết, đây là hồ sơ dự án Luật bước đầu gửi lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu tác động trực tiếp của chính sách để làm cơ sở lập và hoàn thiện đề nghị xây dựng dự án Luật trình cấp có thẩm quyền xem xét trước khi trình Quốc hội bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Bộ Tài chính cho biết sẽ ghi nhận các ý kiến tham gia để hoàn thiện hồ sơ dự án. |