Bỏ phương án đánh thuế đối với ngôi nhà thứ 2 trở đi
Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế với nhà trên 700 triệu đồng, ô tô hơn 1,5 tỷ đồng | |
Khấu trừ thuế nhà thầu: Tiện nhưng không dễ | |
Khó như thu thuế thương mại điện tử |
Bộ Tài chính đã chuẩn bị xong nội dung để đề nghị với Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đưa dự án Luật thuế tài sản vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.
Những nội dung cơ bản của dự án luật sẽ được gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học và nhân dân. Sau khi nhận được ý kiến góp ý, bộ sẽ tổng hợp, hoàn thiện dự luật, gửi lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp rồi trình Chính phủ, Quốc hội để xin đưa vào chương trình xây dựng luật. Nếu được Quốc hội thông qua bộ sẽ xây dựng dự thảo cụ thể.
“Việt Nam cần có luật về thuế tài sản” là ý kiến được nêu ra từ lâu, được nhiều đại biểu Quốc hội và các nhà nghiên cứu đề xuất từ nhiều năm trước tuy nhiên đến nay vẫn nhiều ý kiến cho rằng luật này không phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam.
Đánh thuế tài sản với công trình thương mại, dịch vụ sẽ có tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp |
Thuyết minh cho việc cần ban hành luật này, ông Phạm Đình Thi – Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết luật này là thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện chính sách tài chính đối với tài sản và thực hiện tái cơ cấu nguồn thu ngân sách nhà nước, xây dựng chính sách thuế điều tiết với nhà và tài sản có giá trị lớn. Luật thuế này góp phần xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, bao quát nguồn thu, tạo nguồn lực tài chính để phát triển kinh tế - xã hội.
Trên thế giới có 174/193 nước đang thu thuế tài sản. Thuế này vừa là công cụ quản lý tài sản của tổ chức, cá nhân hữu hiệu, vừa có vai trò quan trọng trong thu ngân sách, tạo nguồn lực đầu tư trở lại đất đai, điều tiết một phần nhỏ thu nhập của tổ chức, cá nhân có nhiều tài sản nhà, đất, góp phần đảm bảo công bằng xã hội. Tỷ lệ thuế tài sản đóng góp vào tổng thu ngân sách ở các nước châu Á khoảng 2% GDP, ở các quốc gia phát triển là 3 đến 4%, ở Nhật tới 8%. Ở Việt Nam thuế thu trong quá trình sử dụng tài sản bao gồm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 0,036% GDP và mới chỉ điều tiết đối với đất.
Dự kiến luật này sẽ tác động rất lớn đến nhiều đối tượng trong xã hội, nhưng mức độ tác động không lớn nếu theo mức thuế suất Bộ Tài chính dự kiến đưa ra “là rất thấp”, thuế suất chỉ là 0,4% trên toàn bộ giá trị đất.
Bộ Tài chính đang có 2 phương án về thuế suất với nhà: Phương án 1: với nhà từ 1 tỷ đồng trở xuống, thuế suất 0%; trên 1 tỷ đồng là 0,4%.
Phương án 2: là phần giá tính thuế đối với nhà từ 700 triệu đồng trở xuống 0%; phần trên 700 triệu đồng là 0,4%; đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp và đất phi nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế sử dụng vào mục đích kinh doanh áp dụng một mức thuế suất là 0,3% (bằng 75% mức thuế suất chung). Như vậy, một căn nhà có giá trị 800 triệu đồng sẽ bị đánh thuế với phần giá trị 100 triệu đồng, tức 0,3-0,4% của 100 triệu đồng
Về thuế suất với đất, Bộ Tài chính lựa chọn phương án với đất ở (bao gồm cả trường hợp sử dụng để kinh doanh; đất xây dựng nhà chung cư): áp dụng mức thuế suất là 0,4% trên toàn bộ giá trị đất. Đối với đất sử dụng không đúng mục đích; đất và nhà thuộc đối tượng chịu thuế không đưa vào sử dụng: áp dụng mức thuế suất là 1% để góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ về đất, hạn chế việc sử dụng đất lãng phí...
Trong quá trình thảo luận xây dựng dự án luật, có ý kiến đề nghị chỉ đánh thuế tài sản đối với căn nhà thứ 2 trở đi. Nhưng ông Thi cho rằng, việc đánh thuế đối với nhà thứ 2 trở đi có nhược điểm: không đảm bảo công bằng (trường hợp người chỉ có một căn nhà diện tích lớn hoặc giá trị lớn thì không bị đánh thuế, trong khi người có 2 căn nhà mỗi nhà 50 m2 lại bị đánh thuế); khó khăn trong thực hiện thu thuế, chưa phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.
Việc đánh thuế căn nhà thứ 2 trở đi được áp dụng tại một vài nước trên thế giới (như Singapore, Nhật Bản, Anh, Pháp), nơi có thị trường bất động sản minh bạch, có hệ thống quản lý nhà, đất chặt chẽ. Ở Việt Nam các giao dịch mua bán bất động sản chủ yếu thực hiện trên hệ thống văn bản, giấy tờ, việc áp dụng công nghệ thông tin vẫn còn rất hạn chế, nên khó việc xác định sở hữu nhà thứ 2 trở đi.
Nếu tính thuế cho căn nhà thứ 2 trở đi có thể làm giảm mức hấp dẫn của thị trường bất động sản, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trong việc lựa chọn giữa đầu tư nhà ở và các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán... và cũng sẽ tác động đến thị trường nhà cho thuê. Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị không thực hiện phương án đánh thuế đối với ngôi nhà thứ 2 trở đi.
Với thuế suất 0,3%, ngưỡng chịu thuế là 1 tỷ đồng, ngân sách sẽ thu được 22.700 tỷ đồng , nếu áp ngưỡng 700 triệu đồng thì ngân sách thu được khoảng 23.300 tỷ đồng. Nếu áp dụng thuế suất 0,4%, với ngưỡng không chịu thuế 1 tỷ đồng đối nhà, sẽ thu 30.300 tỷ đồng, nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng thì thu được 31.000 tỷ đồng. Quan điểm của Bộ Tài chính là áp dụng thuế suất 0,4% và ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng. |