Dự thảo Luật Thuế tài sản: Rất bất hợp lý – kiểu gì người dân cũng phải nộp
Bỏ phương án đánh thuế đối với ngôi nhà thứ 2 trở đi | |
Dự luật Thuế Tài sản: Cần cân nhắc kỹ và thuyết phục hơn | |
Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế với nhà trên 700 triệu đồng, ô tô hơn 1,5 tỷ đồng |
Ảnh minh họa |
Đánh thuế đến tận người thu nhập thấp?
Trước đề xuất của Bộ Tài chính về xây dựng dự Luật Thuế tài sản, Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên VIAC cho rằng: “Quan trọng là triết lý, nguyên tắc, mục đích và tính hợp lý của loại thuế này, nhất là về thời gian thực hiện, đối tượng chịu thuế, căn cứ tính thuế, trị giá tài sản khởi điểm đánh thuế và thuế suất”.
Bởi vậy, mặc dù ủng hộ việc cần có luật để điều tiết một phần nhỏ thu nhập của tổ chức, cá nhân có nhiều tài sản nhà, đất, góp phần đảm bảo công bằng xã hội, nhưng theo Luật sư Đức dự thảo Luật mà Bộ Tài chính xây dựng hiện nay quá nhiều điểm bất hợp lý, thậm chí đi ngược lại mục đích đề ra vì đang đánh thuế đến tận người thu nhập thấp.
"Kiểu gì người dân cũng phải nộp nếu những nội dung này được thông qua và như thế khá nguy hiểm”, ông Đức cho biết và chỉ rõ những điểm bất hợp lý. Trước hết, thuế này, như dự thảo của Bộ Tài chính khác với các loại khác có chuyển dịch, kinh doanh, giao dịch hay lợi nhuận mới nộp thuế, tài sản không hoạt động gì cũng phải nộp thuế (với nhà chỉ để ở), người thất nghiệp, người về hưu cũng phải nộp thuế, người không đủ ăn, không đủ sống cũng phải nộp thuế. Nhà thế chấp đang bị siết nợ, sắp mất rồi cũng phải nộp thuế. Nhà đi vay 90%, để mua, gánh 1 đống nợ cũng phải nộp thuế. Phải nộp thuế liên tục, suốt đời.
Như vậy, người dân phải nộp thuế quá nhiều nhưng lại không cảm nhận được hưởng lợi ích mang lại từ tiền thuế trong khi người dân làm gì cũng phải chi tiền, đi đường miễn phí cũng mất tiền vì đã thu qua xe cộ, xăng dầu, chi phí vận tải, kinh doanh lưu thông, vào công viên đã mua vé qua cổng như đi vệ sinh vẫn phải mất tiền… Trong khi chất lượng phục vụ kém… đời sống người dân đang ngày một thiếu an toàn với môi trường ô nhiễm ngày một nặng, thực phẩm độc hại tràn lan… Đây là những điều mong Nhà nước cần phải gấp gấp xử lý trước khi bàn chuyện thu thêm thuế nhà khi mà còn rất nhiều người không biết bao giờ mới mua nổi nhà.
Chỉ nên đánh thuế nhà trên 5 tỷ đồng với thuế suất 0,1%
Từ đó, Luật sư Đức cho rằng trước khi ban hành luật thuế tài sản này, việc cần nhất là phải siết chặt kỷ cương, kỷ luật, giảm chi tiêu lãng phí, phải chi dùng có hiệu quả tiền thuế của nhân dân (chi tràn lan, tham nhũng, lãng phí, không hiệu quả). Góp ý cụ thể vào đề xuất của Bộ Tài chính, theo Luật sư Đức cần nâng ngưỡng chịu thuế lên trên 5 tỷ đồng và thuế suất là 0,1% mà thôi.
Ủng hộ xây dựng Luật Thuế tài sản, nhưng Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng: “Bộ Tài chính công bố đề án Luật Thuế tài sản tại thời điểm hiện nay là không phù hợp, gây ra phản ứng bất bình trong công luận, nhất là mới đây, vào tháng 11/2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh và đã quyết định chưa thí điểm đánh thuế tài sản tại thành phố”.
Theo HoREA, với đề xuất của Bộ Tài chính hiện nay thì “thuế đang chồng lên thuế” và ngưỡng xác định giá trị nhà không chịu thuế mà Bộ Tài chính đưa ra là thấp, thuế suất 0,4% như Bộ đưa ra cao hơn 13 lần so với thuế suất đang áp dụng hiện nay (dự thảo Luật đề xuất thuế suất 0,4%, so với thuế suất 0,03% hiện nay đối với đất ở trong hạn mức) sẽ trở thành gánh nặng cho người sở hữu nhà trong khi mức sống của người dân nhìn chung còn rất thấp so với các nước khác, dẫn tới khả năng có thể có những hộ gia đình sẽ gặp khó khăn trong việc nộp thuế.
HoREA cho rằng với nội dung như dự thảo của Bộ Tài chính vừa đưa ra sẽ tác động đến mặt bằng giá cả nói chung mà trực tiếp là tác động làm tăng giá nhà trên thị trường bất động sản, làm giảm phần nào hoạt động đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư thứ cấp dẫn tới khả năng sụt giảm giao dịch trên thị trường bất động sản.
Về ngưỡng chịu thuế, HoREA cho rằng, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng thuế suất 0% đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở xuống là chưa thỏa đáng; mà nên áp dụng thuế suất 0% (không thu thuế) đối với nhà ở có giá trị từ 1 tỷ đồng trở xuống để thu hẹp diện đối tượng chịu thuế và hỗ trợ thiết thực cho những người có thu nhập trung bình thấp và người có thu nhập thấp trong xã hội
Khi trao đổi về đề xuất của Bộ Tài chính, TS.Cấn Văn Lực nhấn mạnh rằng: “Tăng thuế chỉ là giải pháp cuối cùng thôi, Bộ Tài chính phải làm rất nhiều giải pháp khác liên quan đến tận thu thuế, giảm nợ đọng thuế, giảm chi, cơ cấu lại nguồn chi”. Quan trọng nhất là nội dung của luật phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch và công bằng. Bộ Tài chính cần đưa ra những lý do thuyết phục hơn về cơ sở đưa ra mức 700 triệu đồng và thuế suất 0,3 – 0,4%. Đồng thời phải đánh giá được tác động của chính sách, về ngân sách, tính khả thi, đảm bảo công bằng, tác động đến đời sống của người dân.
Từ góc độ cơ quan lập pháp, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội - ông Hoàng Văn Cường - Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng: "cơ sở mức tính thuế, thuế suất bao nhiêu thì cần phải được tính toán kỹ hơn, khoa học hơn chứ xác định ngay người sở hữu nhà trên 700 triệu đồng bị tính thuế là chưa hợp lý".