Làm chính sách kiểu “quăng bom”
Chủ trương đúng cần cách làm phù hợp | |
Chính phủ chưa xem xét đề xuất dự án Luật thuế tài sản | |
Ôtô có thể lại phải gánh thêm một sắc thuế mới |
Chỉ 4 ngày sau khi dự thảo Luật Thuế tài sản được công bố, Chính phủ đã lập tức phải ra chỉ đạo chưa xem xét, cho ý kiến đối với đề nghị xây dựng dự án luật này nhằm dập tắt các luồng quan điểm tiêu cực không đáng có.
Ảnh minh họa |
Thực tế là theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh chỉ được Chính phủ xem xét sau khi đã lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và được Bộ Tư pháp thẩm định.
Con đường để luật chính thức đi vào cuộc sống còn dài hơn thế, đó là tiếp tục qua vòng thẩm định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sau đó được thảo luận, tiếp thu, chỉnh lý và thông qua tại một, hai, hoặc ba kỳ họp Quốc hội. Như vậy quá trình thai nghén và ra đời của một dự luật là vô cùng kín kẽ và cần nhiều thời gian để chỉnh lý, tiếp thu các luồng quan điểm khác nhau. Qua đó để thấy, việc Chính phủ phải lập tức lên tiếng chỉnh đốn một dự luật ngay khi vừa được công bố cũng là chuyện xưa nay hiếm.
Tuy nhiên, nhìn lại cách công bố thông tin của cơ quan soạn thảo luật, có thể thấy rằng đây là sự lên tiếng kịp thời. Khó có thể trách sự phẫn nộ của người dân khi một chính sách có ảnh hưởng tới đời sống của hàng chục triệu con người lại được “thả xuống” một cách đơn giản, sơ sài, thậm chí là qua loa như vậy.
Bình luận về câu chuyện ồn ào suốt mấy ngày qua, chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh ví von, cơ quan soạn thảo đã công bố thông tin theo kiểu “quăng bom”, thể hiện thiếu sự chuẩn bị chu đáo, thiếu những phân tích, lập luận thuyết phục từ nhiều góc độ. Với cách làm thiếu thận trọng, dự thảo luật tất yếu gây ra sự ngỡ ngàng, bất ngờ cho dư luận xã hội, thậm chí phản ứng tiêu cực từ phía người dân, những người chịu ảnh hưởng trực tiếp của chính sách.
Cách làm hấp tấp cũng vô tình đẩy một dự luật vốn đã nằm trong kế hoạch tất yếu phải ra đời, nay vô tình trở thành “đứa con ngoài giá thú” trong mắt không ít người. Những chuyên gia lâu năm trong ngành tài chính đều khẳng định, luật thuế tài sản đã nằm trong lộ trình xây dựng các sắc thuế mới để nuôi dưỡng nguồn thu, đảm bảo nền tài chính bền vững. Vài năm trở lại đây, trên các diễn đàn đối thoại về chính sách thuế, những lời thúc giục về việc phải gấp rút áp dụng các sắc thuế mới, trong đó có thuế tài sản, cũng liên tục được gửi tới cơ quan quản lý thuế. Với sự nhìn nhận đầy thuận lợi từ phía các chuyên gia trong ngành, hành trình để dự thảo Luật thuế tài sản đến với dư luận đáng nhẽ đã có thể thênh thang và ít sóng gió hơn so với thực tế đã xảy ra.
Tuy nhiên, nhìn lại cả quá trình sửa đổi chính sách thuế trong mấy năm vừa qua thì thấy, đây không phải là lần đầu tiên ngành thuế mắc lỗi “quăng bom” khi làm chính sách. Năm 2015, khi đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng rượu bia, nước giải khát, cơ quan thuế đã vấp phải không ít phản đối. Các doanh nghiệp trong ngành này liên tiếp đưa ra lập luận chứng minh thuế tăng chưa chắc đã làm tăng thu ngân sách, thậm chí có thể gây ra hiệu ứng ngược.
Năm 2016, cũng vì lý do tương tự mà dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế vấp phải hàng loạt ý kiến phản đối từ cộng đồng DN, hiệp hội, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, với hiệu ứng thậm chí còn mạnh mẽ hơn. Bởi diện bao phủ của dự thảo luật rất rộng, với hàng loạt sắc thuế quan trọng như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường…, song đánh giá tác động quá sơ sài. Từ tác động vĩ mô đến toàn bộ nền kinh tế, thu ngân sách, cho tới cấp vi mô là "sức khỏe" và sự sống còn của DN, lẫn tác động cụ thể đến từng nhóm dân cư với thu nhập khác nhau… đều chưa được làm rõ.
Lần này, màn ra mắt của thuế tài sản có lẽ là “quả bom” lớn hơn cả, bởi ngưỡng đánh thuế được đưa ra khiến dư luận có cảm giác cơ quan thuế đang tìm cách “đánh thuế không chừa một ai”. Đặc biệt là đặt trong bối cảnh cả thu và chi ngân sách còn kém hiệu quả và chưa được giải trình đủ minh bạch, việc đánh thuế dù chính đáng, vẫn cần hết sức cẩn trọng để tránh gây ra sự bất bình cũng rất chính đáng từ phía người dân.