Đưa gạch không nung ra thị trường
Gạch không nung: Người sử dụng vẫn thiếu tự tin | |
Doanh nghiệp gạch ốp lát: Đang có sự phân hoá mạnh |
“Nút thắt” ở khâu tiêu thụ
Sử dụng gạch không nung nói riêng, các loại vật liệu thân thiện với môi trường nói chung là xu hướng tất yếu trên thế giới và Việt Nam, trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên ngày càng khan hiếm. Nằm trong xu hướng chung đó, những năm gần đây, các địa phương ở khu vực miền Trung đã đẩy mạnh thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ sử dụng gạch không nung. Tuy nhiên, đến nay việc tiêu thụ gạch không nung trên thị trường vẫn gặp nhiều khó khăn, cần giải pháp hỗ trợ.
Cần có thêm cơ chế hỗ trợ gạch không nung |
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, để sản xuất một tỷ viên gạch đất nung sẽ tiêu tốn khoảng 1,5 triệu m3 đất sét, 150 nghìn tấn than và thải ra khoảng 0,57 triệu tấn khí CO2… Trong khi, gạch không nung sử dụng nguyên liệu chủ yếu là xi măng, đá mạt, xỉ nhiệt điện... hầu như không gây tác động đến môi trường.
Ông Trần Xuân Đính, Phó chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, sử dụng gạch không nung có nhiều ưu điểm về giá thành, chất lượng và môi trường hơn hẳn gạch nung truyền thống. Với điều kiện ở Việt Nam, kể cả ngay tại thời điểm hiện tại cũng như tương lai, đá mạt, xỉ nhiệt điện... những phế thải tương đối dồi dào, tạo điều kiện để phát triển gạch không nung.
Trên địa bàn Đà Nẵng, CTCP Đầu tư Hồng Hoàng Hồng là DN đầu tiên đã đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung theo công nghệ tự động hóa của Liên bang Đức. Từ DN đầu tiên đến nay, ở địa phương đã có 12 DN sản xuất gạch không nung có quy mô và một số cơ sở sản xuất tư nhân nhỏ lẻ. Trên địa bàn thành phố 100% công trình xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách bắt buộc phải sử dụng gạch không nung theo đúng chủ trương của nhà nước.
Tương tự, tại Quảng Nam, từ năm 2015 chính quyền địa phương đã ban hành cơ chế hỗ trợ sản xuất vật liệu xây không nung, dần thay thế gạch đất sét nung. Từ chỗ chưa có cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung nào, đến nay toàn tỉnh đã có 23 nhà máy, cơ sở sản xuất gạch không nung với tổng công suất 550 triệu viên/năm, tập trung nhiều ở các huyện Đại Lộc, Thăng Bình, Phú Ninh, Núi Thành, thị xã Điện Bàn... Hầu hết các nhà máy, cơ sở sản xuất gạch không nung đều đáp ứng các tiêu chí về chất lượng theo QCVN 16:2014/BXD.
Tuy có nhiều ưu điểm nhưng trên thực tế, việc triển khai sử dụng dòng vật liệu xanh, trong đó có gạch không nung vẫn gặp khó khăn. Nguyên nhân chính khiến người dân chưa nhiệt tình với gạch không nung là do thói quen sử dụng gạch nung đã có từ hàng trăm năm. Để người dân từ bỏ thói quen này không phải chuyện ngày một ngày hai có thể làm được.
Ông Nguyễn Viết Phúc, trú tại TP. Hội An vừa mới xây dựng xong căn nhà cho biết, mới đầu nghe giới thiệu gạch không nung, nên có tìm đến một cơ sở sản xuất ở huyện Đại Lộc để mua. Tuy nhiên, khi lên đến nơi tập kết gạch của DN, anh phát hiện vật liệu này rất dễ vỡ, tính kết dính yếu nên ngần ngại sử dụng. Sau đó, nhiều người bàn ra, tán vào nên anh đã quyết định sử dụng gạch nung truyền thống.
Thực tế, gạch không nung có giá thành cao so với gạch đất sét nung. Đội ngũ công nhân trực tiếp sản xuất gạch không nung có tay nghề còn hạn chế, sử dụng không thành thạo các công cụ chuyên dùng. Nhiều DN sản xuất gạch không nung ở Quảng Nam hay TP. Đà Nẵng cũng phải thừa nhận, các sản phẩm của họ làm ra mới chỉ được tiêu thụ ở các công trình sử dụng ngân sách Nhà nước. Còn để tiêu thụ được ở các công trình tư nhân vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn.
Giải pháp nào?
Bên cạnh ý thức của người tiêu dùng, về phía chủ quan của cơ sở sản xuất, còn có một số đơn vị sản xuất chạy theo lợi ích đã đưa sản phẩm chất lượng còn kém ra thị trường. Để siết chặt chất lượng gạch không nung, đảm bảo chất lượng công trình xây dựng các cơ quan chức năng ở TP. Đà Nẵng cũng như Quảng Nam đã tiến hành kiểm tra tất cả các đơn vị sản xuất, loại bỏ những đơn vị sản xuất sản phẩm kém chất lượng kéo dài...
Vậy, giải pháp nào để hỗ trợ gạch không nung ra thị trường, dễ dàng đến được tay người tiêu dùng? Trước hết, theo nhiều chuyên gia, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc sử dụng gạch xây không nung trong các công trình xây dựng; Đồng thời, ban hành các chính sách ưu đãi mới để thúc đẩy chương trình phát triển gạch xây không nung ở các địa phương.
Cũng theo ông Trần Xuân Đính, cơ quan chức năng cần có chính sách giảm thuế, giảm tiền thuê mặt đất để DN có cơ sở xây dựng giá bán hợp lý hơn, đủ sức cạnh tranh với gạch xây truyền thống... Đồng thời, tạo điều kiện cho DN sản xuất vật liệu không nung, hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá về năng lực các cơ sở sản xuất gạch không nung đạt tiêu chuẩn cũng cần đẩy mạnh nhằm giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với gạch không nung.
Ông Trần Xuân Tùng, Phó tổng giám đốc CTCP Hồng Hoàng Hồng cho rằng, để phát triển sản phẩm gạch không nung thì ngoài những nỗ lực của DN đầu tư, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm đảm bảo độ chính xác, đồng đều về quy cách sản phẩm, đa dạng mẫu mã và phù hợp với nhu cầu thị trường xây dựng… các DN đang rất cần sự hỗ trợ của các ban, ngành có liên quan. Đặc biệt, cần có giải pháp để khuyến khích người tiêu dùng, nhất là thông qua tuyên truyền trực quan bằng các công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách.
Về phía các DN, cơ sở sản xuất gạch không nung cũng phải cam kết tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng vật liệu xây không nung; Tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình, quy phạm liên quan sản xuất, thiết kế, thẩm tra, thẩm định, thi công, giám sát, thí nghiệm, nghiệm thu vật liệu xây dựng, công trình xây dựng.
Đồng thời, tăng cường hợp tác đầu tư để sản xuất các sản phẩm gạch xây không nung đảm bảo chất lượng, đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, hạ giá thành sản phẩm... Kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp như vậy, mới có hy vọng gạch không nung mới xây dựng được chỗ đứng trên thị trường.