Đưa thực phẩm sạch tới tay người tiêu dùng
Ảnh minh họa |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. HCM, hiện nay diện tích sản xuất rau an toàn của TP. HCM ước đạt 15.800 ha. Sản lượng rau bình quân đạt 375.000 tấn/năm. Hiện thành phố đã chứng nhận cho 721 tổ chức, cá nhân sản xuất rau, quả đạt tiêu chuẩn VietGAP, trong đó gồm 7 hợp tác xã và tổ hợp tác như Ngã Ba Giồng, Phú Lộc, Thỏ Việt, Phước An, Nhuận Đức, Nông nghiệp xanh, 10 công ty và các nông hộ.
Tổng diện tích trồng rau tiêu chuẩn VietGAP là 448 ha, sản lượng ước đạt 47.082 tấn/năm. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp còn thực hiện thí điểm chuỗi an toàn thực phẩm, ký kết thỏa thuận hợp tác sản xuất và tiêu thụ rau quả sạch với các tỉnh như Lâm Đồng, Tiền Giang, Long An… để thêm nguồn cung ổn định cho thị trường thành phố.
Ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng giám đốc hệ thống siêu thị Saigon Co.op cho biết, nhu cầu về rau quả sạch của người dân thành phố ngày càng tăng, từ khoảng 200 tấn/tháng năm 2013 đến nay đã tăng 2.200 tấn/tháng. Với số lượng tiêu thụ rau củ quả rất lớn như vậy, Saigon Co.op khẳng định 100% mặt hàng rau quả đạt chuẩn VietGap bán tại 300 điểm bán (gồm hệ thống siêu thị Co.op Mart, chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi Co.op Food, đại siêu thị Co.opXtra…).
Và bắt đầu từ ngày 7/12/2015 Co.op Mart thực hiện kiểm tra an toàn rau tại chỗ, thí điểm được thực hiện ở siêu thị Co.op Lý Thường Kiệt. Chủng loại và số lượng thực phẩm sạch (rau củ, thịt gia súc gia cầm, trứng …). VietGap rất đa dạng, trên 250 loại để người tiêu dùng (NTD) lựa chọn.
Ông Trần Tấn An – Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) cũng khẳng định, tại 221 điểm bán thịt heo, bò tươi sống của Vissan trên địa bàn thành phố đều bán thịt sạch đạt tiêu chuẩn
VietGap, tiêu chuẩn giết mổ nhân đạo và an toàn vệ sinh thực phẩm của nước xuất khẩu bò Úc (ESCAS).
Trong kế hoạch cung ứng các mặt hàng hàng lương thực, thực phẩm cho tết Nguyên đán Bính Thân 2016 của thành phố, Sở Công thương ưu tiên đối với DN sản xuất cung ứng thực phẩm tươi sống có chứng nhận chất lượng VietGap.
Không chỉ tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi của DN mà cả với chợ truyền thống Sở Công thương cũng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết nối Ban quản lý các chợ với nhà sản xuất nhằm đưa sản phẩm sạch (thịt gia súc, gia cầm, trứng, rau củ quả…) đạt chuẩn VietGap, GlobalGap vào chợ.
Đặc biệt, năm nay Sở còn tổ chức khảo sát vùng nguyên liệu, tìm nguồn hàng đặc sản địa phương, không chỉ đảm bảo cung ứng về số lượng mà còn đạt chất lượng với giá ổn định.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công thương thì khẳng định, việc công bố DN, nhà phân phối, thương hiệu hàng thực phẩm sạch, đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm chỉ là bước đầu. Việc quan trọng hơn là để người dân biết địa chỉ, điểm bán hàng và chất lượng sản phẩm.
Năm nay, Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công bố thông tin địa chỉ và Logo hàng sạch đến rộng rãi NTD. Hy vọng từ nay, thị trường lương thực, thực phẩm của thành phố có sự đột phá mới từ sản xuất, phân phối đến tiêu thụ sản phẩm sạch hơn, an toàn hơn.
Để kích cầu tiêu dùng, trong tháng Tết, TP. Hồ Chí Minh sẽ thực hiện trên 1.500 đợt khuyến mãi, tập trung vào các mặt hàng phục vụ Tết như nước giải khát, bánh mứt kẹo, quần áo… Tổng trị giá khuyến mãi khoảng 800 tỷ đồng. Riêng DN kinh doanh hàng bình ổn thị trường sẽ khuyến mãi, giảm giá sâu đồng loạt các mặt hàng bình ổn vào các ngày cận Tết. Tổng giá trị hàng hóa DN chuẩn bị dự trữ, cung ứng tết Nguyên đán là trên 16.200 tỷ đồng, so với tết 2015 tăng 462 tỷ đồng, lượng hàng tăng bình quân 40%. Nhiều nhóm hàng được chuẩn bị số lượng lớn, chi phối từ 35% - 52% nhu cầu thị trường như thịt, trứng gia cầm, thịt gia súc, dầu ăn, đường, thực phẩm chế biến. |