Đưa thực phẩm an toàn đến người tiêu dùng
Đầu tư kinh doanh thực phẩm sạch: Mỏ vàng ít ai biết! | |
Cấp thiết chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn |
Theo bà Trần Thị Phương Lan - Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội, ngay sau khi Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của TP. Hà Nội” được phê duyệt, sở đã chủ động phối hợp với các đơn vị, UBND các quận triển khai điều tra, khảo sát các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn theo các tiêu chí được xây dựng trong Đề án và tổng hợp được trên 1.076 cửa hàng.
Qua kiểm tra đối chiếu với các quy định thì hiện nay, trên địa bàn 12 quận nội thành Hà Nội hiện có tổng số 766 cửa hàng kinh doanh trái cây đáp ứng đủ điều kiện (trong đó chia theo loại hình kinh doanh: 134 cửa hàng chuyên doanh trái cây, 632 cửa hàng kinh doanh thực phẩm tổng hợp trong đó có trái cây; chia theo hình thức kinh doanh: 180 hộ kinh doanh, 586 DN).
Qua một năm triển khai Đề án, đã có 100% cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn 12 quận đã được cấp đăng ký kinh doanh (trước Đề án đạt 30%). Về các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, qua một năm thực hiện Đề án, đã có 3.004/3.004 người được xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm và thực hiện khám sức khỏe theo quy định, tăng 32% so với trước đó. 100% cửa hàng được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, trong khi trước Đề án, tỷ lệ này chỉ đạt 30%.
Đáng chú ý, về nguồn gốc xuất xứ trái cây, tại thời điểm kiểm tra để cấp biển nhận diện, 766/766 cửa hàng có giấy tờ chứng minh nguồn gốc trái cây đạt tỷ lệ 100%, trước Đề án đạt 59%; 604/766 cửa hàng có tem truy xuất nguồn gốc trái cây đạt tỷ lệ 79%, trước đề án đạt 38%.
Tính đến thời điểm hiện tại, 766 cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn 12 quận đáp ứng được các yêu cầu của Đề án. UBND các quận đã thực hiện cấp biển nhận diện cho 766/766 cửa hàng, đạt tỷ lệ 100% theo đúng chỉ đạo của UBND thành phố. Một số quận đã tích cực triển khai thực hiện đạt tỷ lệ 100% trước tháng 9/2018: Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hà Đông, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm, Ba Đình...
Bà Trần Thị Phương Lan cho rằng: “Công tác cấp biển nhận diện cho các cửa hàng kinh doanh trái cây đã đáp ứng được các yêu cầu tại đề án, mang lại hiệu quả rõ rệt đối với người kinh doanh và người tiêu dùng. Người tiêu dùng có địa chỉ tin cậy để mua trái cây và dần hình thành thói quen mua sắm tại các cửa hàng được cấp biển nhận diện. Các DN, cửa hàng được gắn biển có ý thức cao hơn trong việc chấp hành quy định pháp luật. Đặc biệt, doanh thu của các cửa hàng tăng 20-50% so với thời điểm chưa được gắn biển nhận diện”.
Tuy nhiên, thời gian đầu triển khai một số hộ kinh doanh còn ngại làm các thủ tục giấy tờ liên quan đến đăng ký kinh doanh và an toàn thực phẩm, đặc biệt các giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ trái cây... Bên cạnh đó, nguồn hàng cung cấp trái cây vào thành phố được hình thành qua rất nhiều kênh: đường hàng không, đường bộ, qua các chợ đầu mối… lực lượng kiểm tra lại mỏng do đó công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng trái cây, truy xuất nguồn gốc sản phẩm trái cây kinh doanh tại các cửa hàng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc…
Để việc thực hiện Đề án đi vào nề nếp hơn, ông Nguyễn Đắc Lộc - Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho rằng, các đơn vị liên quan cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các cơ sở đã được cấp biển nhận diện. Các cửa hàng vi phạm đến lần thứ ba cần công khai danh tính để nâng cao ý thức kinh doanh.
Bên cạnh đó, cần xử lý các điểm kinh doanh trái phép trên lòng đường vỉa hè; rà soát bố trí sắp xếp một số điểm kinh doanh tập trung qua đó khắc phục dứt điểm tình trạng bán hàng rong và nhân rộng tuyến phố không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè, nơi công cộng…