Tăng trưởng theo hướng bền vững
Vì sao GDP tăng thấp?
Tình hình kinh tế - xã hội quý I không mấy khả quan, nhất là với tăng trưởng kinh tế (GDP) chỉ ở mức 5,1% khiến dư luận băn khoăn lo lắng. Tuy nhiên kinh tế vẫn có một vài điểm nổi bật: chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,9% (cùng kỳ tăng 0,99%); tăng trưởng tín dụng cao (đạt 2,81% trong khi cùng kỳ năm 2016 đạt 1,54%); xuất khẩu tăng mạnh, ước đạt trên 43,7 tỷ USD, tăng 12,8%; vốn đăng ký FDI đạt 7,71 tỷ USD tăng 77,6%. Số doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng nhanh.
Vì sao GDP những tháng đầu năm tăng thấp? Theo ông Đào Quang Thu - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do nguyên nhân sản lượng từ ngành khai khoáng giảm, trong đó có khai thác dầu khí, mà việc sụt giảm sản lượng này là theo kế hoạch chủ động. “Năm ngoái chúng khai thác 15 triệu tấn dầu, còn năm nay kế hoạch là 12,28 triệu tấn. Riêng quý I, khai thác dầu khí đã giảm 600 nghìn tấn so với cùng kỳ. Nếu tính khai thác dầu khí bằng mức năm ngoái, thì GDP của 3 tháng đầu năm nay là 5,95%, cao hơn cùng kỳ năm ngoái” - ông Thu lập luận.
Chủ động đẩy mạnh tăng GDP từ lĩnh vực sản xuất |
Đại diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nên nhìn vào kinh tế quý I với những đánh giá như môi trường vĩ mô tiếp tục ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục đảm bảo, lạm phát trong tầm kiểm soát. Thứ nữa là môi trường đầu tư kinh doanh đang rất tốt, các DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động tăng cao hơn so với cùng kỳ. Đặc biệt, khu vực đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư tăng 77% so với cùng kỳ. Đây là những thông số để thấy rằng môi trường vĩ mô, môi trường đầu tư đang cải thiện.
“Chúng tôi tin tưởng những thông số về nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, những thông số DN tư nhân và DN nước ngoài 3 tháng đầu năm thì sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng nền kinh tế trong các quý tiếp theo sẽ cao hơn” - ông Thu nhấn mạnh.
Bổ sung nguyên nhân khiến GDP tăng thấp do chỉ số sản xuất công nghiệp 3 tháng chỉ tăng 4,1%, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, chủ trương là chúng ta theo mục tiêu tăng trưởng bền vững, đó có thể dẫn tới ngành khai khoáng giảm mạnh. Hơn nữa, mục tiêu hàng đầu trong năm nay của chúng ta vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, những chỉ số như CPI, nợ công, những vấn đề liên quan đến tỷ giá, lãi suất NH cũng được quan tâm hết sức đúng mức.
Quan điểm chỉ đạo điều hành của Chính phủ là vẫn phải theo mục tiêu Nghị quyết Quốc hội đã đặt ra nhưng tăng trưởng bền vững, tăng trưởng từ lĩnh vực sản xuất. Còn với lĩnh vực khai khoáng chúng ta đặt vấn đề vừa khai thác, vừa lưu giữ nguồn tài sản quốc gia.
Nỗ lực để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%
Để tăng trưởng từ khu vực sản xuất thì lĩnh vực sản xuất nông nghiệp khá quan trọng, khi quý I giá trị sản xuất của khu vực này đã tăng gần 2% so với cùng kỳ. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải đẩy mạnh đầu tư vào các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.
Bên cạnh đó, các thành viên Chính phủ cho rằng, cần hết sức quan tâm đến phát triển của kinh tế tư nhân và xem tư nhân là động lực. Số DN mới đăng ký lớn, đã báo hiệu rất tốt sau hàng loạt chỉ đạo của Chính phủ trong cải cách thủ tục hành chính; đặc biệt là triển khai Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp theo hướng cắt giảm giấy phép con để tạo điều kiện cho DN.
Giải pháp nữa được Chính phủ đặt ra là tập trung cho giải ngân vốn đầu tư, trong đó phải tháo gỡ vướng mắc liên quan tới đầu tư công. Đồng thời, nhanh chóng thoát hình thức điều hành mang tính sự vụ mà phải mang tính chiến lược, hoạch định, giải pháp căn cơ định hướng chiến lược dài hơi, xây dựng kịch bản, chỉ tiêu để tính toán chủ động trong điều hành kinh tế - xã hội theo mục tiêu của Quốc hội.
Chỉ đạo tại phiên họp Chính phủ tháng 4/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục kiên định, nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng. Yêu cầu đặt ra là phải có quyết tâm cụ thể, có sự nỗ lực vượt bậc để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6,7%.
Với điều hành chính sách tiền tệ, cần phải theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường trong nước và quốc tế để chủ động điều hành chính sách tiền tệ. Điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, bảo đảm thanh khoản của các TCTD. Tiếp tục triển khai các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất cho vay và nếu không giảm được lãi suất thì cũng không được tăng lãi suất. Tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DN và người dân. Tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng. Tiếp tục thực hiện quyết liệt tái cơ cấu các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống.
“Tăng trưởng phải đi liền với kiểm soát lạm phát. Nếu không phấn đấu tốt, không quản lý tốt thì khó có thể giữ CPI năm nay ở mức 4%. Nếu chúng ta tăng trưởng mà lạm phát cao thì không có ý nghĩa, nếu chúng ta không xử lý tốt vấn đề tăng trưởng và lạm phát thì hàng loạt chỉ tiêu vĩ mô từ cân đối ngân sách Nhà nước, nợ công, đầu tư, giải quyết việc làm, đời sống người dân đều có thể bị ảnh hưởng trực tiếp và rất lớn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý.
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đang quyết liệt trong xử lý NH yếu kém và nợ xấu. Bộ Chính trị đã giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ lập báo cáo về tái cơ cấu hệ thống NH trong đó chú trọng vấn đề công khai, minh bạch trong xử lý NH yếu kém, xử lý nợ xấu nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi người gửi tiền. |