Đừng sợ tư nhân hóa
Người dân cần tham gia từ ý tưởng | |
Bán bớt vốn nhà nước tại 3 công ty cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích | |
ODA đẩy mạnh tư nhân hóa |
Xin khéo thì được nhiều
Trong bối cảnh nguồn lực ngân sách ngày càng eo hẹp, các dịch vụ công ích ở đô thị như thoát nước, vận tải công cộng, chiếu sáng, quản lý công viên, trồng và chăm sóc cây xanh… làm phát sinh nhu cầu rất lớn về xã hội hóa.
Chỉ tính lĩnh vực xử lý nước thải đô thị, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện cả nước có 37 nhà máy, mới chỉ xử lý được 12-13% lượng nước thải. Bộ này đang triển khai kế hoạch xử lý nước thải cho các đô thị lớn đến năm 2020, lúc đó dự kiến sẽ có thêm 45 nhà máy, nhưng cũng chỉ đủ xử lý được 20% nước thải.
Theo tính toán, riêng nhu cầu vốn đầu tư cho thoát nước thải đô thị trong 5 năm tới cần khoảng gần 7 tỷ USD. Nhưng, có được số tiền này không dễ do vốn ODA giảm dần, ngân sách hạn hẹp, kêu gọi đầu tư tư nhân là định hướng nhưng cơ chế, chính sách còn vướng...
Mỗi năm Hà Nội dành khoảng trên 4.000 tỷ đồng ngân sách chi cho các dịch vụ công ích |
Theo quy định hiện nay, xã hội hóa các dịch vụ công ích được thực hiện theo phương thức đấu thầu, hoặc chính quyền đặt hàng DN. Xã hội cho rằng đây vẫn là lĩnh vực độc quyền, cửa chưa mở thực sự cho kinh tế tư nhân tham gia, số DN tư nhân tham gia vào lĩnh vực này còn quá ít…
Tuy nhiên, khi cơ quan Nhà nước, DN tư nhân, DNNN và các cơ quan nghiên cứu cùng ngồi lại với nhau, thẳng thắn bàn chuyện vì sao chưa thị trường hóa được dịch vụ công ích ở đô thị thì bật ra vấn đề: Hóa ra cả DNNN lẫn tư nhân đều khổ cả, đều vấp với thể chế và cơ chế hiện nay.
“Là DNNN, lại được đặt hàng, chúng tôi không sướng”, ông Nguyễn Xuân Quyết, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xử lý nước thải Bắc Ninh than thở. Được chính quyền địa phương “đặt hàng” xử lý nước thải từ năm 2012. Nhưng làm thì cứ làm, thường thì tháng 7, tháng 8 DN mới ký được hợp đồng, mới xác định được giá trị hợp đồng… Thậm chí riêng năm 2014, đến tháng 11 DN này mới cầm được hợp đồng thuê xử lý nước thải với địa phương.
“Các tỉnh cứ chọn DNNN để đặt hàng là vì như thế đấy, vì là DNNN nên chính quyền giao là phải làm đã, dù chẳng biết giá trị hợp đồng ra sao. Vậy là được giao việc rồi nhưng để ký được hợp đồng chúng tôi vẫn phải đi xin. Ai khéo xin thì được nhiều, không khéo thì được ít”, ông Quyết bày tỏ.
Đồng cảm với quan điểm trên, ông Lê Thanh, Giám đốc CTCP Đầu tư Xây dựng thương mại Phú Điền chia sẻ: “Chúng tôi cũng có những hợp đồng đã thanh lý từ lâu nhưng đến nay chưa nhận được đồng nào, và đây là tình trạng chung của DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ công ích”.
Chính sách chèn nhau
Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), PGS-TS. Nguyễn Hồng Tiến, liệt kê hàng loạt các văn bản pháp quy liên quan đến dịch vụ công ích để cho thấy văn bản pháp quy rất nhiều và đầy đủ. Các DN tư nhân cũng thừa nhận đã tham gia nhiều dự án dịch vụ công, chứng tỏ hiệu quả của chủ trương xã hội hóa. Nhưng, để chủ trương đi vào cuộc sống hơn nữa thì vẫn đang tồn tại nhiều vướng mắc.
Ông Vũ Thừa Ân (Vụ Kết cấu hạ tầng và đô thị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thừa nhận: “Quy định không thiếu, cơ chế đầy đủ, nhiều văn bản quản lý Nhà nước rất kỳ công và rất hay, nhưng các văn bản giữa các cấp, các ngành ban ra vừa trùng lặp lại vừa thiếu hướng dẫn nên chưa đi vào cuộc sống, không thực hiện được”.
Dẫn chứng trường hợp của mình, Giám đốc CTCP Đầu tư và phát triển môi trường SFC Việt Nam, ông Nguyễn Phương Quý, nêu ví dụ: Hà Nội ấn định quy trình thảm cỏ tại các khu vực vườn hoa, công viên, dải phân cách, đảo giao thông được cắt trung bình 18 lần/năm và tưới nước 138 lần/năm, lại quy định cả lượng nước mỗi lần tưới… “Irsrael có vào đây áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt tiết kiệm cũng “thua”, vì không đúng quy trình, theo đó không được thanh toán”, ông Quý nói về sự bất cập của quy định cứng như trên.
Một ví dụ cụ thể cũng được đại diện DN này nêu, đó là trong gói thầu Bắc Thăng Long, khi thực hiện được một thời gian DN có công nghệ mới giảm chi phí rất nhiều so với giá trúng thầu, nhưng do không được thay đổi quy trình nên không dễ ứng dụng. “Vì giữ quy trình cũ nên chỉ giảm chi phí được 20% mà lẽ ra phải giảm được hơn”, ông Quý cho biết.
Về vấn đề này, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng đồng tình rằng dịch vụ công ích đang là khu vực có tiến độ cải cách khá ì ạch, là thành trì bao cấp mà lâu nay bị lãng quên hoặc chưa muốn thực sự thị trường hóa. Vì cho dù là DNNN hay tư nhân tham gia vào lĩnh vực này cũng đều khổ cả.
“Tôi luôn cổ súy cho thị trường hóa, tư nhân hóa, vì vậy dịch vụ công là lĩnh vực phải tập trung tái cơ cấu. Không nên sợ tư nhân hóa. Chúng ta cứ hỏi mãi vì sao DN tư nhân không lớn được? Vì Nhà nước cứ ôm việc, không giao cho tư nhân”, ông Cung nói. “Tôi mong năm 2017 này chúng ta chung tay chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế trong đó có cải cách lĩnh vực lâu nay bị quên là dịch vụ công ích. Đó là thành trì bao cấp cần phải đột phá”.