ECB giữ nguyên chính sách song đã thay đổi quan điểm
Chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và châu Âu có thể nới rộng | |
Kinh tế Eurozone có thực sự phục hồi hay chỉ là ảo ảnh? | |
Quan chức ECB nói chưa thể vội tăng lãi suất |
Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB |
Theo đó, kết thúc phiên họp chính sách tháng 3 diễn ra hôm thứ Năm (9/3), Ngân hàng Trung ương châu Âu vẫn giữ nguyên lãi suất các khoản tiền gửi qua đêm của ngân hàng (được xem như lãi suất cơ bản) ở mức -0,40%; lãi suất tái cấp vốn, được dùng để xác định chi phí tín dụng trong nền kinh tế, cũng được duy trì ở mức 0,00%; và lãi suất cho vay qua đêm ở mức 0,25%.
ECB cũng giữ nguyên quy mô mua vào trái phiếu ở mức ở mức 80 tỷ euro/tháng để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế của khu vực đồng euro.
Tuy nhiên, quan điểm của ECB dường như đã thay đổi. Phát biểu tại buổi họp báo sau đó, Chủ tịch ECB Mario Draghi đã điều chỉnh ngôn ngữ chính sách của ECB cho thấy rủi ro kinh tế đối với khu vực đồng euro bắt đầu giảm cho dù ông vẫn nhấn mạnh rằng việc kích thích tiền tệ vẫn cần phải tiếp tục.
Chủ tịch ECB cho biết đà phục hồi của kinh tế khu vực đang tăng lên và các nhà hoạch định chính sách đã xem xét loại bỏ một cụm từ then chốt trong hướng dẫn về lãi suất. Theo đó, ECB đã loại bỏ dẫn chiếu là sẽ sử dụng tất cả các biện pháp sẵn có để thúc đẩy tăng trưởng và lạm phát, “bởi vì mức độ khẩn cấp không còn”, Draghi nói với báo giới tại Frankfurt hôm thứ Năm sau khi Hội đồng quản trị của ECB quyết định tiếp tục duy trì chương trình mua trái phiếu như hiện nay cho đến ít nhất là cuối năm nay. “Rủi ro xung quanh triển vọng kinh tế khu vực đồng euro đã giảm nhưng vẫn còn và liên quan nhiều đến các yếu tố toàn cầu”.
Sau đúng 2 năm kể từ khi ECB bắt đầu triển khai chương trình mua vào trái phiếu chính phủ khu vực đồng euro, phát biểu của ông Draghi cho thấy, các quan chức ECB đang dần dần hướng đến một cuộc thảo luận về việc thu hẹp chương trình nới lỏng định lượng và bắt đầu tăng lãi suất.
Chủ tịch ECB cũng đã công bố dự báo lạm phát mới hỗ trợ cho quan điểm của ông rằng vẫn cần các gói kích cầu. Theo đó, mặc dù dự báo lạm phát năm 2017 đã được ECB nâng lên là 1,7% từ mức 1,3%, nhưng lạm phát vẫn ở dưới mức mục tiêu 2% trong 2 năm tới. Cụ thể, dự báo lạm phát năm 2018 cũng được nâng lên 1,6% từ mức 1,5%, song lạm phát năm 2019 vẫn được dự báo ở mức 1,7%.
Chỉ số gia tiêu dùng tại khu vực đồng tiền chung đã tăng lên 2% vào tháng trước, kéo theo nhiều kiến nghị, chủ yếu là ở Đức, rằng ECB nên thu hẹp chương trình nới lỏng định lượng và tăng lãi suất. Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble đã kêu gọi ECB cần “bước đi kịp thời vào lối ra” khỏi chính sách kích cầu. Một số chỉ số thị trường cho thấy khả năng ECB sẽ tăng lãi suất vào năm 2018, trong khi BNP Paribas dự đoán lãi suất huy động sẽ được tăng vào tháng Chín.
Tuy nhiên, ông Draghi từ chối nói về việc liệu lãi suất có thể được tăng lên trước khi chương trình nới lỏng định lượng kết thúc, và nói rằng ECB không thảo luận về việc liệu báo hiệu kết thúc chương trình này. Ông chỉ ra rằng, việc chỉ số giá tueey dùng tăng phần lớn là do chi phí năng lượng, trong khi những rủi ro chính trị bao gồm cả cuộc bầu cử tại một số quốc gia trong khu vực có tiềm năng hạ thấp mức hồi phục.