EVFTA - Cần nắm bắt tốt cơ hội
EVFTA: Thời cơ chín muồi để tranh thủ lợi thế | |
Đón sóng đầu tư mới từ EU |
DN vẫn tự làm khó mình
EU là một thị trường lớn, đầy tiềm năng đối với các DN Việt Nam, trong đó có DN ở miền Trung - Tây Nguyên. Đặc biệt, với Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA), dự kiến có hiệu lực từ năm 2018, chúng ta càng có thêm những cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này.
Theo bà Trương Thị Kim Ánh, Phó giám đốc VCCI Đà Nẵng, ngay khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ đồng ý xóa bỏ trên 85% biểu thuế hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam, còn sau 7 năm, con số này sẽ tăng lên 99%.
Dệt may một trong những thế mạnh của DN miền Trung tại thị trường EU |
Tuy nhiên, để được hưởng mức ưu đãi thuế quan lý tưởng này, hàng hoá của các DN phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ mà Việt Nam và EU đã thống nhất. Mới đây, nhằm góp phần để cộng đồng DN khu vực miền Trung tận dụng tối đa cơ hội mà EVFTA mang lại, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam phối hợp với VCCI Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo “DN biết gì và chuẩn bị thế nào cho EVFTA”.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia đã đưa ra một thực tế, tuy có nhiều tiềm năng, nhưng các DN ở khu vực vẫn luôn canh cánh việc đối tác từ EU tăng cường kiểm duyệt và… trả lại hàng. Bởi, thực tế thời gian gần đây, nhiều lô hàng của DN thuỷ sản trong khu vực khi xuất sang EU đã bị trả về.
Nguyên nhân chính do chất lượng hàng hóa, cụ thể là phía đối tác phát hiện kháng sinh cấm trong các lô hàng. Việc làm ăn theo kiểu “ăn xổi, ở thì”, “bóc ngắn cắn dài” của các DN đã ít nhiều ảnh hưởng đến niềm tin từ đối tác vốn rất khó tính như EU.
Đơn cử như đối với các mặt hàng thuỷ sản, dư lượng cho phép của kháng sinh đối với EU thấp hơn rất nhiều so với quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Sản phẩm đủ tiêu chuẩn tiêu thụ ở trong nước, nhưng khi xuất qua EU lại không đạt yêu cầu. Do sức ép cạnh tranh trong kinh doanh, DN Việt Nam đã tự làm khó mình khi sản phẩm ngâm chất phụ gia không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngoài ra, còn những khó khăn khách quan khác mà DN không kiểm soát được như phân trần của ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản miền Trung. Đó là việc DN có những cơ sở đã được phê chuẩn để xuất khẩu hàng hóa vào EU, tuy nhiên, hiện lại rất khó kiểm soát chất lượng sản phẩm, do phần lớn nguồn thủy sản DN phải mua từ nông dân với nhiều nguồn khác nhau.
Tương tự, khi EVFTA có hiệu lực, ngành dệt may ở miền Trung cũng sẽ có nhiều cơ hội với thị trường đầy tiềm năng như EU. Tuy nhiên, một trong những tiêu chí mà phía đối tác EU đưa ra, và buộc phải tuân thủ rất nghiêm ngặt là quy tắc xuất xứ của nguyên liệu.
Thế nhưng, thực tế là các DN dệt may ở miền Trung và cả nước, hiện vẫn đang phải nhập khẩu phần lớn nguyên phụ liệu đầu vào, trong khi công nghiệp hỗ trợ dệt may chưa phát triển.
Ông Trần Xuân Hòe, Phó tổng giám đốc CTCP Dệt may 29/3 cho biết, các dự án hỗ trợ ngành dệt may trong nước vẫn còn khó khăn, đặc biệt lĩnh vực sản xuất nguyên liệu đầu vào. Thời điểm EVFTA có hiệu lực đã cận kề, nhưng ngành dệt may trong nước vẫn chưa sẵn sàng và chủ động.
Nghiên cứu kỹ thị trường
Có thể khẳng định, thị trường EU đầy tiềm năng, song cũng có những yêu cầu cao, nghiêm ngặt về tiêu chuẩn chất lượng và an toàn. Do vậy, các DN Việt Nam nói chung và miền Trung nói riêng cần trang bị kỹ kiến thức, có chiến lược kinh doanh phù hợp để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Nhưng, trong thực tế, hiện số đông DN ở khu vực này vẫn còn thói quen xuất khẩu dựa vào kinh nghiệm, đối tác riêng hoặc nhu cầu thời vụ của khách hàng.
Trong khi, việc nghiên cứu về đặc trưng mỗi thị trường một cách lâu dài chưa được chú trọng. Thêm một khó khăn nữa, là việc thiếu thông tin và hiểu biết thấu đáo về quy chuẩn, tiêu chuẩn, các quy định an toàn của EU. Chính vì vậy, hàng hóa xuất khẩu sẽ gặp khó bởi các hàng rào kỹ thuật từ những thị trường này cũng là điều dễ hiểu.
Để tận dụng tốt những thời cơ EVFTA mang lại, tránh những trường hợp bị trả hàng về một cách đáng tiếc, sẽ còn nhiều việc phải làm. Theo bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hoá (Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương), DN cần nghiên cứu kỹ quy tắc xuất xứ đối với sản phẩm xuất khẩu cụ thể của mình, chủ động tìm hiểu các thuật ngữ cơ bản và các quy tắc xuất xứ trong hiệp định.
Bên cạnh đó, DN cũng cần có kế hoạch dài hạn trong việc điều chỉnh chuỗi cung ứng, các nguyên vật liệu đầu vào để bảo đảm đáp ứng quy tắc xuất xứ. Ngoài ra, thị trường EU luôn có yêu cầu cao, nghiêm ngặt về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn đối với hàng công nghiệp, tiêu chuẩn vệ sinh kiểm dịch động thực vật đối với nông sản, thực phẩm nhập khẩu.
Để tạm thời xử lý khó khăn này, DN có thể sử dụng Cổng thông tin hỗ trợ xuất khẩu sang thị trường EU cho các DN Việt Nam ở trang exporthelp.europa.eu/thdapp/index.htm. Ngoài ra, theo bà Miriam Garcia Ferrer, Tham tán Thương mại - Phái đoàn EU tại Việt Nam, các DN cần tạo cho được thương hiệu của sản phẩm. Nhiều sản phẩm của Việt Nam trước nay chỉ dừng ở mức độ sản phẩm thô, lắp ráp chứ chưa tạo ra giá trị tăng thêm cho sản phẩm.
Mặc dù, sản phẩm có chất lượng song nhiều DN chưa xây dựng được hình ảnh thương hiệu của mình ở thị trường EU. Cùng với đó, DN cũng cần tự trang bị kiến thức, thận trọng trong việc soạn thảo hợp đồng với các đối tác nước ngoài để tránh những thiệt hại khi nảy sinh những rắc rối, tranh chấp...
Với nhiều yêu cầu khắt khe, EU là một thị trường mà không phải DN nào cũng đủ khả năng xuất khẩu hàng hóa, nhưng nếu vượt qua rào cản, cánh cửa sẽ rộng mở, với nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hoá.
Tạo điều kiện cho các DN khi muốn “chiếm lĩnh” thị trường EU, cuốn sổ tay “Hướng dẫn về Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam”, cũng đã được công bố và phát rộng rãi cho nhiều DN ở miền Trung.
Tài liệu hướng dẫn này gồm phiên bản tiếng Anh do Phái đoàn EU thực hiện và phiên bản tiếng Việt do Bộ Công Thương biên soạn. Trong đó, cung cấp những thông tin hữu ích về EVFTA bằng ngôn ngữ diễn đạt đơn giản, rõ ràng.