FED tăng lãi suất, dòng FDI sẽ không bị ảnh hưởng nhiều
TS. Nguyễn Đức Độ |
PV: Mỗi khi FED tăng lãi suất thì nhiều nền kinh tế trên thế giới sẽ chịu những ảnh hưởng nhất định. Vậy quyết định tăng lãi suất vừa qua của FED liệu có ảnh hưởng gì tới thương mại, đầu tư, lãi suất của Việt Nam? Mức độ ảnh hưởng ra sao? Tại sao?
Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ: Thông thường, khi Fed thắt chặt tiền tệ lãi suất có xu hướng tăng, đồng USD có xu hướng lên giá trong khi giá các hàng hoá và tài sản khác có xu hướng giảm. Tuy nhiên sau lần tăng lãi suất vừa qua, lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ lại có xu hướng giảm, đồng thời đồng USD cũng có xu hướng giảm giá so với các đồng tiền khác trên thế giới.
Các xu hướng không đúng như kỳ vọng thông thường nói trên diễn ra một phần là do việc Fed thắt chặt tiền tệ đã được dự báo từ trước và thị trường đã thích nghi với chính sách này. Tuy nhiên, có thể còn một nguyên nhân khác là kỳ vọng của thị trường vào chính sách tiền tệ trong giai đoạn tiếp theo đã thay đổi.
Mặc dù lộ trình dự kiến tăng lãi suất của Fed không thay đổi, nhưng Chủ tịch Fed có phát thông điệp rằng cơ quan này có thể tạm thời chịu đựng một mức lạm phát vượt quá 2%. Trong bối cảnh nhiều dự báo cho rằng lạm phát sẽ vẫn ở mức thấp trong trung hạn, thị trường có thể diễn giải thông điệp này rằng sau 3 lần tăng lãi suất kể từ cuối năm 2015, Fed đã không còn quá vội vã trong việc bình thường hoá chính sách tiền tệ. Nếu vậy, thời gian tới, việc nâng sẽ được thực hiện thận trọng, tuỳ thuộc vào các số về liệu lạm phát và thất nghiệp, chứ không nhất thiết là phải đúng theo kế hoạch tăng lãi suất 3 lần trong năm 2017.
Về tác động đến Việt Nam, chúng ta có thể thấy rằng sau khi Fed tăng lãi suất, tỷ giá VND/USD đã có xu hướng giảm theo diễn biến của đồng USD trên thị trường thế giới. Sức ép lên lãi suất VND từ việc Fed tăng lãi suất vì thế cũng không rõ ràng. Lãi suất VND tăng chủ yếu do những vấn đề nội tại như nợ xấu, nợ công cao, cũng như nhu cầu huy động vốn dài hạn của các TCTD để cho vay dài hạn.
Về đầu tư, có thể một số dòng vốn gián tiếp sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, nhưng quy mô sẽ không lớn. Trong khi đó các dòng vốn FDI chủ yếu nhìn vào triển vọng dài hạn của Việt Nam nên sẽ không bị ảnh hưởng nhiều từ chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed. Việc Fed nâng lãi suất trong khi lạm phát còn thấp, ở một mức độ nào đó, thể hiện nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng khả quan. Đây là điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu của Việt Nam.
PV: Điều hành kinh tế vĩ mô có cần lưu ý điều gì?
Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ: Mặc dù Fed tăng lãi suất, nhưng chỉ số US Dollar Index lại giảm còn hơn 100 điểm và hiện còn cách tương đối xa so với mức đỉnh gần 104 điểm vào cuối năm 2016. Điều này cho thấy đồng USD có thể sẽ không tăng giá mạnh nữa. Nếu vậy, đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam điều hành tỷ giá và lãi suất theo hướng ổn định.
PV: Các doanh nghiệp có cần lưu ý điều gì?
Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ: Mặc dù nền kinh tế Mỹ hiện tại đang tăng trưởng khả quan, nhưng những rủi ro tiềm ẩn là không nhỏ. Theo một số nhận định, giá chứng khoán đang được định ở mức cao và có thể giảm trong thời gian tới, từ đó ảnh hưởng đến tiêu dùng và tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ. Quy mô vay nợ của nền kinh tế Mỹ hiện cũng tương đối lớn và cho dù Fed tăng lãi suất từ từ, gánh nặng trả nợ của khu vực tư cũng như khu vực công sẽ gia tăng và một số đối tượng có thể rơi vào tình trạng không có khả năng thanh toán, thậm chí khủng hoảng nợ cũng có thể xảy ra.