FTA tạo đà cho xuất khẩu bứt phá
Doanh nghiệp đón đầu cơ hội từ EVFTA | |
Chọn hướng đi nào trong hội nhập quốc tế? |
DN cần tìm hiểu sâu về FTA để tận dụng hiệu quả các ưu đãi |
Lợi ích khác của hội nhập đang bị bỏ quên
Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2019 đạt 101,12 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ 2018, chỉ bằng một nửa so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của 5 tháng 2018 (tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2017). Nhìn xa hơn, nhiều chuyên gia cho rằng, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của cả năm 2019 nhiều khả năng cũng khó đạt mức 10%, tức cũng thấp hơn so với năm ngoái là 13,8%. Đây là xu hướng đã được dự báo từ trước, sau khi tăng trưởng xuất khẩu đạt mức ấn tượng 21,1% vào năm 2017.
Dù tăng trưởng xuất khẩu chậm lại, song theo các chuyên gia kinh tế và cơ quan quản lý, đây không phải là dấu hiệu đáng lo ngại. TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương lưu ý, nhiều người vẫn nhầm lẫn rằng tăng trưởng xuất khẩu là lợi ích lớn nhất của hội nhập, trong khi lại bỏ lợi ích quan trọng không kém là giúp các DN trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Hơn nữa, tăng trưởng xuất khẩu không thể duy trì mãi được, hôm nay tăng thì ngày mai chắc chắn sẽ giảm dần, phụ thuộc vào nhu cầu tiêu thụ của thế giới.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương cũng nhấn mạnh, lợi ích mà cơ quan đàm phán FTA trông đợi nhất là thúc đẩy DN tham gia sâu hơn vào các chuỗi sản xuất trong khu vực.
Chỉ ra thực tế là hiện nay khả năng tham gia sâu của các DNNVV Việt Nam còn thấp và chủ yếu vẫn là các DN FDI tận dụng cơ hội vì họ có công ty mẹ đã nằm trong chuỗi, bà kỳ vọng DN trong nước sẽ từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh, sau khoảng 10 năm nữa DN Việt Nam có thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị.
Để xuất khẩu bền vững
Cho rằng việc ký kết FTA với nhiều quốc gia mang tính bổ trợ và bồi đắp thiếu hụt về lợi ích giữa các thị trường, TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam dẫn chứng, xuất khẩu của Việt Nam sẽ không có nhiều biến động khi tham gia Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), khác với Hiệp định CPTPP chủ yếu là gia tăng cơ hội xuất khẩu. Thay vào đó, lợi thế lớn nhất của RCEP đối với Việt Nam là sự tham gia sâu vào chuỗi sản xuất của một số hàng hóa mà Việt Nam đang làm.
Cũng theo bà Trang, nếu như trước đây, giá trị hàng hóa của Việt Nam tại khu vực này bị cắt khúc, thì việc tham gia RCEP sẽ giảm bớt gánh nặng chi phí nhập khẩu nguyên liệu đầu vào nhờ những ưu đãi thuế quan. Chẳng hạn với CPTPP, Việt Nam khó tận dụng ưu đãi thuế quan đối với sản phẩm dệt may bởi quy tắc xuất xứ nội khối, vì phần lớn nguồn cung nguyên liệu của Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc.
Trong khi đó, các thị trường của RCEP hiện nay đang bao phủ gần như toàn bộ chuỗi sản xuất mà chúng ta có thế mạnh, như dệt may nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc, sản xuất ở Việt Nam và xuất khẩu đi các nước; hoặc sản phẩm điện tử nhập khẩu linh kiện từ Nhật Bản, Hàn Quốc, sản xuất ở Việt Nam… Cho nên đây là khu vực tạo điều kiện gần như lớn nhất cho Việt Nam tận dụng được các ưu đãi nội khối để tận dụng ưu đãi thuế quan.
Bà Bùi Kim Thùy - Đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tại Việt Nam cũng cho biết, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia hiện nay chưa cao, trừ FTA ASEAN - Hàn Quốc, Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Chile có tỷ lệ tương đối cao so với mặt bằng chung các FTA.
“Không đáp ứng quy tắc xuất xứ FTA tức là hàng hóa phải chịu thuế cao hơn nhiều so với mức thuế FTA từ 0-5%”, bà Thùy nhấn mạnh và nêu lên một thực trạng là số lượng DN Việt Nam có kiến thức chuyên sâu về FTA và nắm vững quy tắc xuất xứ chưa nhiều. Chỉ khi nâng cao nhận thức của DN về FTA, đặc biệt về quy tắc xuất xứ thì tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các FTA mới được cải thiện, từ đó nâng cao giá trị gia tăng và hàm lượng chế biến sâu trong các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, góp phần tạo nên sự tăng trưởng xuất khẩu bền vững cho nền kinh tế.
Ngoài ra, các DN cũng cần lưu ý để tận dụng lợi ích của từng FTA đối với ngành sản xuất của mình. Chẳng hạn, quy tắc xuất xứ áp dụng đối với ngành dệt may trong CPTPP là khó nhất, khi so sánh với các FTA khác mà Việt Nam đã thực hiện. Một số FTA (như ATIGA, AKFTA, VCFTA, VKFTA) chỉ yêu cầu công đoạn cắt, may, khâu thành sản phẩm diễn ra tại Việt Nam thì hàng hóa đã được coi là có xuất xứ tại Việt Nam, một số FTA quy định “từ vải trở đi”, còn CPTPP yêu cầu hàng hóa phải “được sản xuất từ sợi trở đi”. Như vậy, cần sử dụng ưu đãi trong các FTA “dễ thở” hơn với ngành dệt may để bù đắp vào FTA chặt chẽ như CPTPP.
Bên cạnh đó, CPTPP lại đặt ra quy định linh hoạt cho một số ngành như ngành điều sẽ có lợi thế trong CPTPP khi quy định không hạn chế điều nguyên liệu được nhập khẩu từ bất kỳ đâu.
Tóm lại, các FTA được ví như đường cao tốc nối Việt Nam với khu vực và thế giới, giúp nền kinh tế nói chung khi chạy trên con đường cao tốc đó, vận hành nhanh, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, chất lượng hội nhập của từng ngành như thế nào khi đi trên đường cao tốc đó lại phụ thuộc nhiều vào việc điều khiển, kết hợp giữa các tuyến đường của người lái xe, mà ở đây chính là các DN.
Tính đến nay, Việt Nam đã ký kết 11 FTA; trong đó gần đây nhất là Hiệp định CPTPP (tiền thân là TPP) chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ 14/1/2019. Bên cạnh đó có 1 FTA đã ký kết nhưng chưa có hiệu lực là AHKFTA - FTA giữa ASEAN và Hồng Kông (Trung Quốc). Ngoài ra còn có 3 FTA đang trong tiến trình đàm phán, gồm: FTA ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, New Zealand (RCEP); FTA Việt Nam – EU (EVFTA); FTA giữa Việt Nam và Israel. Theo số liệu từ Bộ Công thương, tổng kim ngạch xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan theo FTA năm 2018 đạt 46,2 tỷ USD, chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ký FTA, và tăng 5% so với năm 2017. Tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi tương đối ổn định, tương ứng với kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường này. Trong năm 2018, đã có 942.371 bộ C/O ưu đãi được cấp (bao gồm theo FTA và GSP), với trị giá 50,9 tỷ USD, tăng 35% về trị giá và tăng 25% về số lượng bộ C/O so với năm 2017. |