FTAs và hữu xạ tự nhiên hương
Đừng tự làm khó mình | |
EVFTA: Thời cơ chín muồi để tranh thủ lợi thế | |
Hiệp định EVFTA tạo cú hích thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU |
Chỉ khoảng một tháng nữa thôi, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ được Quốc hội phê duyệt và không lâu nữa, Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam – EU cũng sẽ có hiệu lực. Đã có nhiều dự báo và phân tích của các chuyên gia kinh tế nước ngoài cho rằng, Việt Nam sẽ là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất khi tham gia TPP. Có những kỳ vọng về các lợi ích vô cùng hấp dẫn của FTAs thế hệ mới. Đó là điều lý giải cho thái độ rất lạc quan của đa số DN Việt Nam với tương lai hội nhập.
Nhưng “trong số các DN ngồi ở đây có ai trả lời được câu các FTAs đã mang lại gì cho DN?”, TS. Nguyễn Mạnh Tiến - Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội bắt đầu bài phát biểu tại Diễn đàn “DN Việt: Kết nối và Hội nhập trong kỷ nguyên FTA thế hệ mới” do VCCI phối hợp với Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về Kinh tế và Ủy ban Đối ngoại Quốc hội tổ chức ngày 23/6/2016. “Chúng ta tham gia vào hội nhập với khá nhiều thuận lợi nhưng tận dụng tới đâu lại là câu chuyện khác”, ông Tiến nêu vấn đề. Và đây chính là tâm điểm của diễn đàn.
Các doanh nhân dự Diễn đàn “DN Việt: Kết nối và Hội nhập trong kỷ nguyên FTA thế hệ mới” đã vinh dự được gặp Chủ tịch nước Trần Đại Quang |
Nhiều chuyên gia kinh tế và chính các doanh nhân cũng đã nhận thức được rằng, cần phải nhìn nhận một cách đầy đủ về những thách thức đi kèm, mà nếu không chuẩn bị sẵn sàng để vượt qua, thì những lợi ích kỳ vọng sẽ vẫn là kỳ vọng.
FTAs được coi như là làn sóng hội nhập thứ hai của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới. Làn sóng hội nhập thứ nhất diễn ra sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới. FTAs không chỉ là mở cửa về thương mại, mà các hiệp định mới đều có các cam kết rất rộng về mở cửa thị trường và loại bỏ các rào cản hoặc điều kiện đầu tư.
Làm thế nào để thực sự khai thác được cơ hội từ các cam kết này? Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, các DN trong nước cần quan tâm nhiều đến vấn đề xúc tiến thương mại. Đây là cách tốt nhất để các DN có thể quảng bá và mở rộng thị trường ra bên ngoài, nhưng hiện nhiều DN chưa coi trọng việc này.
“Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, Việt Nam “hữu xạ” thật nhưng lại chỉ ngồi trong phòng thì không ai biết đến cả. DN nước ngoài họ cũng “hữu xạ” nhưng lại biết quảng bá tốt hơn ta nhiều. FTA ngay lập tức mở cửa thị trường cho các DN nước ngoài tiến vào thị trường Việt Nam, nhưng cũng được coi là “tấm vé” để các DN Việt tiến sâu hơn vào các thị trường lớn như Mỹ và EU. Không làm tốt xúc tiến thương mại để tiến ra thị trường ngoại thì “đó là sự lãng phí của FTAs mà Chính phủ đã phải bỏ công sức ra đàm phán trong nhiều năm qua”, theo ông Sơn.
Để không bị lùi lại phía sau, nhiều DN đã tiếp tục đầu tư phát triển, nỗ lực tái cấu trúc, nâng cao năng lực cạnh tranh, biến thách thức thành cơ hội. “Một lần nữa, tinh thần doanh nhân, bản lĩnh vượt khó cũng như khả năng sáng tạo của các DN Việt lại bừng dậy và các DN, doanh nhân đã có những nỗ lực phi thường, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển đất nước”, ông Hoàng Quang Phòng – Phó chủ tịch VCCI phát biểu.
Ông gợi mở, kinh nghiệm khó khăn cho thấy tinh thần đột phá sáng tạo, dám nghĩ dám làm, tính kiên trì và nghị lực phải được hỗ trợ và trụ vững trên nền tảng quản trị DN tốt và chất lượng của nguồn nhân lực.
Ông Hà Duy Tùng – Phó vụ trưởng Vụ HTQT – Bộ Tài chính nói rõ thêm: Chúng ta đang ở trong bối cảnh rất nhiều hiệp định thương mại được thực thi. Để tận dụng tốt được các hiệp định DN cần phải chú ý đến nhiều tiêu chuẩn khác nữa như vấn đề lao động, môi trường và nguồn gốc xuất xứ thay vì chỉ chú ý đến thuế quan.
Lợi ích hay thiệt hại, cơ hội hay thách thức từ FTA phụ thuộc không nhỏ vào khả năng tận dụng các cơ hội và vượt qua thách thức trong quá trình thực thi các cam kết này.
Trước tất cả những lợi ích kỳ vọng và những thách thức được báo trước, doanh nhân, DN đã xác định “Cần một tâm thế chủ động cho một cuộc cạnh tranh sòng phẳng”, như TS.Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI đã nhiều lần nói đến. Nhưng để FTAs không chỉ là kỳ vọng, bên cạnh DN, quan trọng còn là sự đồng hành của các cơ quan Nhà nước: “Gương mẫu đi đầu vươn tới các chuẩn mực quốc tế” - ông Lộc đã từng nhắc nhiều vấn đề này trước đây thay lời cộng đồng DN.
Và một lần nữa, chính DN đã nói lên điều này, tại diễn đàn này: “Là một doanh nhân, tôi thực sự nhận thấy vấn đề xúc tiến thương mại kết nối là cực kỳ quan trọng, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập… Nhưng không chỉ còn nhiều DN chưa chú trọng, mà còn chưa có sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng”, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Công ty cổ phần Dự án công nghệ Nhật Hải (OIC) phát biểu. DN đang rất mong chờ sự vào cuộc của các cơ quan Nhà nước.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước nhắc nhở: Nhiệm vụ đặt ra cho cộng đồng DN và doanh nhân Việt Nam rất nặng nề. Các bộ, ngành, địa phương chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức về yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, các cơ hội và thách thức, nhiệm vụ trọng yếu khi tham gia FTAs thế hệ mới trong từng ngành, từng lĩnh vực để tạo sự thống nhất về nhận thức, tạo sức mạnh tổng hợp trong quá trình hội nhập.