Đừng tự làm khó mình
Doanh nghiệp mơ hồ về TPP | |
EVFTA: Thời cơ chín muồi để tranh thủ lợi thế | |
Hiệp định EVFTA tạo cú hích thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU |
Nguy cơ để mất đơn hàng hay thị trường xuất khẩu không chỉ nằm ở các điều kiện khắt khe trong các hiệp định thương mại tự do (FTA). Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một số chính sách trong nước hiện nay đang đặt ra điều kiện tuân thủ quá cao đối với DN trong nước và điều này có thể gây ra rủi ro trong hội nhập.
Theo TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, VCCI chỉ ra một số ngành nghề đang đặt ra tiêu chuẩn cao hơn cả FTA về xử lý chất thải qua sản xuất. Điển hình như quy định đầu tư nhà máy dệt nhuộm phải trang bị công nghệ lọc nước thải hiện đại đến mức nước qua xử lý phải đủ điều kiện để uống được. Cơ quan quản lý đặt ra tiêu chuẩn này nhằm hạn chế các nhà máy có công nghệ lạc hậu, đặc biệt là các dự án có vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Tuy nhiên, tiêu chuẩn này lại làm khó cho chính DN trong nước trước. Bởi đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại đến mức này phải tiêu tốn tới hàng triệu USD, mà không phải DN nội địa nào cũng đủ khả năng để đáp ứng.
Bên cạnh đó, bà Trang cũng cho biết, nếu viện dẫn lý do phải đầu tư công nghệ hiện đại để đáp ứng tiêu chuẩn của FTA, cũng là không chính xác. Bởi quy định về môi trường của FTA thậm chí còn “dễ tính” hơn chúng ta tưởng.
Ảnh minh họa |
Cụ thể, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không áp đặt tiêu chuẩn môi trường tối thiểu phải tuân thủ nào cho các nước thành viên, mà chỉ đặt ra các cam kết mang tính nguyên tắc, định hướng.
Theo đó, TPP yêu cầu các nước phải có hệ thống pháp luật đầy đủ về môi trường, theo hướng nâng cao dần mức độ bảo vệ môi trường và phải thực thi hiệu quả và nghiêm túc pháp luật đó; cam kết không vì mục tiêu khuyến khích thương mại, đầu tư mà giảm nhẹ hiệu lực pháp lý của các quy định về môi trường. TPP cũng không bắt buộc các nước phải gia nhập hay tham gia các công ước mới về môi trường, mà chỉ yêu cầu các nước thực thi hiệu quả cam kết trong các công ước về môi trường mà mình là thành viên.
Với các cam kết này, có thể thấy về cơ bản pháp luật Việt Nam về môi trường nói chung sẽ không có thay đổi gì đáng kể sau TPP. Có thể hiểu là TPP cho phép Việt Nam tự giác đặt ra và tuân thủ các cam kết về tiêu chuẩn môi trường cho phù hợp với năng lực thực tế, thay vì dựng hàng rào kỹ thuật bắt buộc như một số lĩnh vực về quy tắc xuất xứ, sở hữu trí tuệ…
Tương tự như vậy, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) dù được đánh giá là FTA kiểu mới với nhiều tiêu chuẩn cao không kém TPP, song cũng để ngỏ các tiêu chuẩn về môi trường khi không đặt ra ngưỡng đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu đối với DN.
Đối chiếu với thực tế, có thể thấy rằng chính các quy định của pháp luật trong nước lại đang làm khó DN nhiều hơn luật quốc tế. Cũng cần lưu ý rằng, tuân thủ pháp luật trong nước là một trong những điều kiện bắt buộc mà nhà nhập khẩu nước ngoài soi vào để đánh giá chất lượng DN. Khi các nhà nhập khẩu nước ngoài đến kiểm tra DN, nếu họ thấy DN không tuân thủ chính sách pháp luật về môi trường trong nước thì lô hàng xuất khẩu sẽ bị từ chối.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang cũng khuyến cáo, các FTA cũng luôn đặt ra yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước không được hạ bớt các tiêu chuẩn kỹ thuật để kích thích gia tăng đầu tư, sản xuất. Như vậy, “một khi các FTA đã có hiệu lực chúng ta sẽ không thể hạ được các tiêu chuẩn kỹ thuật do chính mình đặt ra nữa. Do đó, nếu các cơ quan quản lý không sớm hạ thấp các tiêu chuẩn ngay từ lúc này, thì sắp tới chúng ta sẽ tự trói buộc chính mình”, bà Trang nhận định.