Gắn chặt hoạt động tín dụng với quy hoạch tổng thể của vùng ĐBSCL
Chủ trì Hội nghị có ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP. Hà Nội; ông Nguyễn Quốc Việt – Phó Trưởng Ban, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; ông Lữ Văn Hùng – Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang; ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc NHNN; ông Nguyễn Cẩm Tú – Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Nguyễn Văn Hiếu – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị |
Hội nghị là cơ hội để trao đổi, tiếp xúc trực tiếp giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế, các cơ quan quản lý nhà nước nhằm định hướng các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công tác đầu tư, thương mại, du lịch. Đặc biệt, tăng cường tính hợp tác và liên kết giữa vùng Đồng bằng Sông Cửu Long với TP. Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc trong thời gian tới.
Thông tin về đầu tư vốn của hệ thống NH đối với Đồng bằng Sông Cửu Long, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, hiện nay dư nợ cho vay tại Đồng bằng Sông Cửu Long đạt gần 400.000 tỷ đồng trong khi huy động vốn tại địa phương chỉ hơn 300.000 tỷ đồng cho thấy sự nỗ lực của hệ thống NH.
Có thể kể đến một số chương trình tín dụng trọng điểm tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long mà ngành Ngân hàng đã triển khai và mang lại hiệu quả như: Tính đến 30/4/2016, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đạt khoảng 186.602 tỷ đồng, tăng 8,13% so với cuối năm 2015, chiếm tỷ trọng 21,4%/tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn toàn quốc và chiếm gần 49% tổng dư nợ cho vay của khu vực. Trong lĩnh vực thủy sản, dư nợ cho vay thu mua, chế biến, xuất khẩu thủy sản tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long ước đạt 54.306 tỷ đồng, tăng 3% so với 31/12/2015.
Đến nay, NHNN đã phê duyệt cho 10 doanh nghiệp thuộc khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long thực hiện 10 dự án liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại 6 tỉnh (An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Tiền Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng), trong đó có các doanh nghiệp liên kết cánh đồng lớn sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, doanh nghiệp có chuỗi liên kết sản xuất và xuất khẩu thủy sản.
Lễ ký kết hợp tác về xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch gữa Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ với TP. Hà Nội |
Như vậy, cùng với đầu tư từ ngân sách Nhà nước, nguồn vốn ngân hàng đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, phát huy các thế mạnh vốn có của vùng, tạo điều kiện cho thương mại và du lịch vùng Đồng bằng Sông Cửu Long được đẩy mạnh và phát triển.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, thời gian tới, vì sự gắn kết giữa TP. Hà Nội với Đồng bằng Sông Cửu Long, NHNN sẽ chỉ đạo các NH gắn chặt hoạt động tín dụng với các chương trình, quy hoạch tổng thể của vùng, của từng tỉnh, thành phố.
Thứ nhất, đề nghị các tỉnh, thành phố có những quy hoạch rất rõ ràng, trên cơ sở đó, tín dụng NH bám sát, gắn chặt với các quy hoạch đó.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện các chương trình tín dụng đã có một cách tích cực, để làm sao các chương trình đó nếu hiệu quả sẽ mở rộng đầu tư, mở rộng tín dụng. Ví dụ như chương trình cho vay liên kết giữa nhà sản xuất, chế biến, tiêu thụ đang triển khai có hiệu quả.
Thứ ba, tiếp tục áp dụng các chính sách ưu đãi, tuy nhiên không làm mất tính thị trường cho các DN, có dự án có hiệu quả, có tác dụng khai thác tiềm năng, lôi kéo các dự án lớn, mang tính lan tỏa.
Thứ tư, chú trọng chuyển dịch nhanh cơ cấu tín dụng vào lĩnh vực chế biến, xuất khẩu, thương mại cho khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long để mang lại giá trị gia tăng cao hơn.
Cuối cùng, trong các chương trình hợp tác đầu tư của các DN trên địa bàn Hà Nội với các dự án, DN của Đồng bằng Sông Cửu Long, nếu hôm nay và trong tương lai các dự án được ký kết thì các NH, các TCTD trên địa bàn Hà Nội là nơi các DN đang mở quan hệ tín dụng với NH sẽ sẵn sàng đồng hành với các DN đó khi họ đầu tư vào Đồng bằng Sông Cửu Long.