Gạo Việt chiếm 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới
Ảnh minh họa |
Cụ thể, ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong giai đoạn 2010-2016 gạo Việt Nam chiếm khoảng 15% lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới, tới 150 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Mặc dù đạt được những thành quả nhất định, nhưng xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại: Khối lượng xuất khẩu nhiều nhưng giá trị thu được không cao; sản phẩm chưa có thương hiệu, chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của thị trường. Khâu tổ chức thu mua, chế biến, tạm trữ, bảo quản thóc, gạo còn nhiều bất cập.
Trước những hạn chế trên, nhằm nâng cao hiệu quả và thúc đẩy xuất khẩu gạo, xây dựng thương hiệu sản phẩm gạo xuất khẩu, vào tháng 7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017- 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo định hướng, giai đoạn 2017-2020, lượng gạo xuất khẩu hằng năm đạt khoảng 4,5- 5 triệu tấn vào năm 2020, giá trị bình quân khoảng 2,3 tỷ USD/năm. Giai đoạn 2020-2030, lượng gạo xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn với giá trị thu được khoảng 2,3-2,5 tỷ USD.
Bên cạnh đó, cần chuyển dịch cơ cấu mặt hàng xuất khẩu gạo, tỷ trọng đến năm 2020 phấn đấu đạt: Gạo trắng cấp thấp và trung bình nhỏ hơn 20%, trắng phẩm cao cấp 25%; gạo thơm, gạo đặc sản, gạo Japonica khoảng 30%, gạo nếp 20% và sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao, phụ phẩm khác là khoảng 5%. Đến năm 2030 tỷ trọng gạo trắng cấp thấp và trung bình chỉ còn khoảng 10%, gạo đặc sản, gạo Japonica chiếm tới 40%, gạo nếp chiếm 25%.
Để triển khai hiệu quả Chiến lược trên, ông Chinh cho biết, vào tháng 9/2017, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017- 2020.
Hội nghị cũng ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp từ các DN xuất khẩu gạo để để triển khai chiến lược phát triển xuất khẩu lúa gạo một cách hiệu quả như: cần xác định rõ ràng đâu là những thị trường xuất khẩu trọng tâm và tiềm năng, nhu cầu thị trường đó cần những chủng loại gạo gì, quy định về chất lượng sản phẩm ra sao… Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển cánh đồng lớn, liên kết chặt chẽ giữa người nông dân, DN sản xuất, xuất khẩu. Đó là điểm mấu chốt quan trọng để nâng chất lượng gạo xuất khẩu, đáp ứng được các đơn hàng mà đối tác đặt hàng.