Gạo Việt: Trong chán ngoài chê
Gạo Việt gặp khó | |
Áp lực giảm giá, gạo Việt Nam lận đận |
Hạt gạo Việt Nam trong vòng mấy thập kỷ qua đã có những bước thay đổi chóng mặt. Từ chỗ người dân phải xếp hàng rồng rắn đong gạo, hạt đen hay đỏ đều phải “vơ” tất, cho đến nay chúng ta xuất khẩu hàng triệu tấn ra thế giới, trở thành một trong số các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu.
Tuy nhiên, tình thế hiện tại với gạo Việt không hề dễ dàng, khi niềm tin về chất lượng hạt gạo đang mất dần và thị trường trong nước từng bước quay lưng, thị trường xuất khẩu “lắc đầu ngán ngẩm”.
Cần đổi mới khâu sản xuất gạo hiện nay |
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), chỉ tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2016, đã có 95 container (tương đương với hơn 1.700 tấn) gạo từ Mỹ bị trả về, chủ yếu là gạo thơm jasmine, gạo tấm jasmine, gạo lứt và gạo trắng chất lượng cao. Nguyên nhân được xác định là có 8 hoạt chất trong gạo Việt Nam khi xuất sang Mỹ vượt mức giới hạn cho phép, đặc biệt là các chất này đều có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam.
Đó là động thái khó tránh khỏi sau một chuỗi các “sai lầm” trong sản xuất gạo của Việt Nam. GS-TS. Nguyễn Quốc Vọng - một chuyên gia nông nghiệp giảng dạy thuộc Đại học RMIT (Australia) - cho biết không phải gần đây mà từ năm 2008 đến nay đã nhiều lần lúa gạo xuất khẩu của Việt Nam bị trả về do vi phạm các cảnh báo về an toàn thực phẩm.
Đáng lẽ, vấn đề về chất lượng gạo không đảm bảo như trên phải được xử lý gấp gáp, nhưng nhiều DN xuất khẩu lại “lách” bằng cách tìm đến các khách hàng dễ tính hơn. Bà Lê Thị Tú Anh, Chủ tịch HĐQT CTCP Nông nghiệp GAP chia sẻ: Chất lượng gạo kém, cộng thêm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá mức cho phép làm cho gạo thơm Việt Nam xuất khẩu với giá thấp và chỉ bán được nhiều qua các thị trường dễ tính như Trung Quốc, Hồng Kông…
Điều này vô hình trung lại tiếp tục đẩy hạt gạo Việt vào vòng cạnh tranh về giá, khiến rủi ro chất lượng không đảm bảo luôn đi kèm. Vòng xoáy cạnh tranh giá giảm và bất chấp chất lượng đó ngày càng thu hẹp dần, đến mức tạo nguy cơ “vỡ trận” tại một số thị trường khó tính.
Hệ quả của xuất khẩu giá rẻ khiến gạo Việt “dội chợ”, quay về thị trường trong nước. Tuy nhiên, yêu cầu về chất lượng gạo của thị trường nội địa cũng đang tăng lên. Hiện tại, gạo Việt thậm chí phải cạnh tranh với nhiều sản phẩm nhập khẩu cùng loại.
Các thương hiệu gạo Sóc Miên, Sa Mơ… nhập từ Campuchia; hay các thương hiệu gạo Thái Lan cũng được nhập về ồ ạt, xuất hiện tràn lan ở khắp các chợ, siêu thị. Cạnh tranh quyết liệt đến mức gạo Việt muốn bán được hàng phải đóng mác gạo Thái Lan, Campuchia…
Đề xuất giải pháp “làm sạch” hạt gạo Việt, GS. Võ Tòng Xuân (Trường Đại học Nam Cần Thơ) cho rằng việc sản phẩm xuất khẩu bị trả lại sẽ buộc DN phải thay đổi cách sản xuất kinh doanh gạo của mình, hướng đến sản xuất gạo sạch hơn. Còn về lâu về dài, gạo Việt phải hướng đến xây dựng uy tín ngay tại thị trường nội địa, với các thương hiệu uy tín để có thể tạo dựng lại niềm tin trong người tiêu dùng.
Bà Lê Thị Tú Anh phân tích, hiện nay bữa ăn của người Việt đã thay đổi, ăn ít cơm và tăng thịt, cá, rau, quả; coi trọng an toàn vệ sinh thực phẩm, hướng về sản phẩm hữu cơ… Vì vậy đã đến lúc chúng ta phải thay đổi cách sản xuất, hướng đến sản xuất gạo sạch và ngon. “Sản xuất gạo sạch và ngon không phải chỉ để xuất khẩu, chấm dứt câu chuyện gạo xuất đi bị trả về, mà còn để phục vụ nhu cầu tiêu dùng đang ngày càng thay đổi rõ rệt của người tiêu dùng trong nước”, bà Tú Anh nói.
Liên quan đến vấn đề này, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, cần phải đổi mới sản xuất. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý phải tiến hành kiểm tra chất lượng, bảo đảm gạo sạch đến với người tiêu dùng, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu. Đây cũng là giải pháp để gạo Việt không phải đội lốt gạo Thái. “Những vấn đề này chúng ta phải khắc phục sớm”, TS. Lê Đăng Doanh nói.
Đề xuất hướng đi cụ thể cho gạo Việt, GS. Võ Tòng Xuân cho rằng, cần chọn giống lúa mang thương hiệu Việt Nam, đặt tên giống quốc gia cho các giống đã chọn, tổ chức theo chuỗi giá trị sản xuất mỗi loại gạo trong số các giống đã chọn, xúc tiến thương mại và phân phối đến khách hàng.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần giúp cho nông dân đạt đến đích cuối cùng là hạ giá thành, tăng lợi nhuận và cải tiến cuộc sống văn minh hiện đại, gắn kết nhà DN - nhà nông một cách chặt chẽ, đảm bảo nhà nông có đầu ra ổn định còn nhà DN luôn luôn có nguyên liệu đúng chất lượng. Chấm dứt kiểu làm ăn chụp giật, pha trộn giả thật, sản phẩm không rõ nguồn gốc như hiện nay.