Nghịch lý thị trường nông sản sạch
Nỗi khổ làm nông sản sạch | |
Nhà băng cùng “xuống đồng” vì nông sản sạch |
Sớm nở, tối tàn
Tại TP. Đà Nẵng, cũng như nhiều địa phương khác đang tồn tại một nghịch lý. Đó là trên thị trường, người tiêu dùng vẫn luôn nơm nớp lo lắng với thực phẩm, ở chiều ngược lại sản phẩm nông sản, đặc biệt mặt hàng rau sạch vẫn loay hoay tìm đường ra thị trường.
Người tiêu dùng có nhu cầu, song việc tiêu thụ nông sản sạch trên thị trường vẫn gặp khó |
Có thời điểm Sở Công thương TP. Đà Nẵng chỉ đạo, các chợ lớn trên địa bàn sắp xếp mặt bằng bố trí, xây dựng quầy hàng để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cho các HTX sản xuất rau sạch. Thực hiện chủ trương này, từ chợ đầu mối Hòa Cường xuống chợ Hàn, chợ Cồn... đều bố trí quầy bán rau sạch. Thế nhưng, chỉ được một thời gian ngắn các quầy bán rau sạch cho các HTX đều âm thầm đóng cửa.
Bởi, đơn giản càng bán... càng lỗ. Tương tự, chủ một cửa hàng rau sạch nằm trên đường Hoàng Diệu cho biết, thời gian đầu, cửa hàng có bán các sản phẩm rau sạch của HTX La Hường, nhưng thấy khách hàng không ưa chuộng nên thôi. Thay vào đó số rau sạch hàng ngày nhập về lại được cửa hàng bỏ mối cho bếp ăn của một số trường học.
Hiện, trên địa bàn TP. Đà Nẵng có nhiều vùng rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGap, được kiểm tra quy trình sản xuất nghiêm ngặt như thương hiệu rau an toàn Túy Loan, Hòa Tiến nằm trên địa bàn huyện Hòa Vang, hay La Hường của quận Cẩm Lệ... Song, chưa nói ở địa phương khác, ngay tại Đà Nẵng vẫn rất ít người tiêu dùng biết đến. Để tiêu thụ các sản phẩm của mình làm ra, các HTX này đành phải đưa nông sản sạch “tự chạy chợ”.
Tại HTX dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan, hiện với quy mô sản xuất thực tế khoảng 6 ha, cung cấp ra thị trường hơn 1 tấn rau củ, quả/ngày. Trong khi đó, HTX mới chỉ hợp đồng cung cấp cho 2 trường học khoảng 250kg/ngày. Còn lại phải bán nhỏ lẻ tại các chợ trên địa bàn với giá cả rất bấp bênh. Tương tự, tại HTX sản xuất rau an toàn La Hường, mỗi ngày HTX này cũng bán ra thị trường khoảng 5 tạ rau. Trong số đó, chỉ 1 tạ rau vào cửa hàng rau sạch, các bếp ăn tập thể, số còn lại được tiêu thụ trôi nổi trên thị trường.
Vậy, nguyên nhân nào khiến nông sản sạch vẫn chưa gây được sự chú ý đối với các “thượng đế” đến như vậy, mặc dù trên thị trường nhu cầu luôn rất cao? Nguyên nhân đầu tiên, có thể khẳng định do giá thành các loại nông sản sạch thường cao hơn so với mặt bằng chung. Trong khi, tâm lý của người tiêu dùng đa số vẫn chưa thật sự tin rằng, rau sạch nhưng có sạch thật hay không? Nên nhiều người vẫn chọn giải pháp rau rẻ, trông bắt mắt...
Theo ông Bùi Dũng, Giám đốc HTX dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan, việc sản xuất rau an toàn phải tuân thủ theo quy định nghiêm ngặt của VietGap nên giá thường đắt hơn 30% so với chợ dân sinh, đắt gấp đôi so với chợ đầu mối. Trong khi, người tiêu dùng cứ thích mua các sản phẩm có giá thành rẻ. Thói quen của nhiều người thường vẫn thích mua rau chợ vì bắt mắt, rau phải xanh mướt, mỡ màng.
Bên cạnh, chủng loại các nông sản sạch ở địa phương vẫn còn quá ít, các “thượng đế” không có nhiều sự lựa chọn. Trong khi, nông sản từ các địa phương khác đổ về Đà Nẵng vừa nhiều về số lượng, lại vừa đa dạng về chủng loại... Những nguyên nhân này đã khiến nông sản sạch của địa phương thua ngay trên sân nhà.
Giải pháp nào?
Tại TP. Đà Nẵng, nhằm hỗ trợ cho các HTX, người nông dân làm nông sản sạch, ngành nông nghiệp địa phương đã tích cực kết nối, tìm kiếm thị trường song đầu ra sản phẩm vẫn rất khó khăn. Đến nay, vẫn chưa có một thương hiệu nông sản sạch nào mang tính bền vững cho Đà Nẵng.
Đơn cử, lượng rau mà người tiêu dùng TP. Đà Nẵng đang tiêu thụ chủ yếu nhập về từ các tỉnh như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, thậm chí cả từ nước ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc. Trong khi, các siêu thị lớn trên địa bàn như, siêu thị Metro, Co.opmart... đã gắn với thương hiệu rau Trà Quế của Hội An (Quảng Nam).
Trên địa bàn thành phố cũng đã có những dự án, chương trình liên quan đến sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Một số dự án trồng rau an toàn ở quận Cẩm Lệ, huyện Hòa Vang, được trang bị nhà lưới, giếng bơm, phân bón, quy trình kỹ thuật. Cơ quan chuyên môn như bảo vệ thực vật, khuyến nông cũng tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn cho bà con...
Thế nhưng, nông sản sạch đặc biệt là rau an toàn ở Đà Nẵng vẫn rất trầy trật khó khăn cạnh tranh trên thị trường. Trong khi, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang trở nên “nóng” hơn bao giờ hết.
Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Đà Nẵng cho biết, để cung cấp rau an toàn địa phương đã quy hoạch, đầu tư 5 vùng chuyên canh rau với quy mô 90 ha. Tuy nhiên, khi rau sạch ra chợ, người dân khó phân biệt được đâu là rau sạch, đâu là rau không rõ nguồn gốc. Bởi, nếu chỉ dừng lại ở việc đóng bao bì cho các vùng rau đã được chứng nhận an toàn để đưa ra thị trường thì lại rất dễ bị lợi dụng bởi việc làm nhái.
Tiêu thụ khó khăn, trong khi quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nên nông sản sạch, vẫn loay hoay trong vòng luẩn quẩn giữa sản xuất và tiêu thụ. Phương án nào để nông sản, đặc biệt các mặt hàng rau sạch tại Đà Nẵng đến được với người tiêu dùng một cách ổn định bền vững nhất.
Để làm được điều này, đại diện một số HTX trên địa bàn cho rằng, ngoài kiểm soát chặt chất lượng, cơ quan chức năng cần tăng cường hỗ trợ nông dân sản xuất theo quy trình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ; xây dựng thương hiệu nhận diện cho sản phẩm. Quan tâm hỗ trợ người sản xuất khâu tiêu thụ, bằng việc xây dựng hệ thống phân phối bán lẻ rộng khắp trên địa bàn; Hỗ trợ các HTX xây dựng điểm trưng bày, bán rau sạch có thương hiệu để đưa sản phẩm ra thị trường.
Trong xu hướng này, sự hợp tác, vào cuộc một cách tích cực của các DN đóng vai trò quan trọng. Mới đây, mô hình chợ nông dân do Evergreen Labs (Công ty TNHH Tư Vấn Mãi Mãi Xanh Labs) tổ chức đang gây được sự chú ý của nhiều người thậm chí cả du khách.
Theo đó, các phiên chợ nông dân được tổ chức nhằm kết nối những nhà sản xuất nông sản sạch đến với người tiêu dùng, tạo điều kiện cho người nông dân bán được nông sản an toàn với giá cao. Yếu tố then chốt cuối cùng là nâng cao ý thức cho người tiêu dùng, khi tin dùng các sản phẩm nông sản sạch được sản xuất ngay tại địa phương. Thay vì chỉ ham rẻ, lựa chọn các sản phẩm không rõ nguồn gốc, nổi trôi trên thị trường.