Giải ngân vốn ODA: "Cái giá" của sự chậm trễ
Cứ mỗi năm 2 lần, nhóm 6 ngân hàng tài trợ (gồm ADB, AfD, KfW, JICA, KEXIM, WB) và Ban chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi lại cùng nhau có mặt trong Hội nghị bàn chuyện sao cho ODA và vốn ưu đãi từ các nhà tài trợ đưa tới Việt Nam được sử dụng hiệu quả hơn.
Ảnh minh họa |
Giải ngân chậm thường xuyên được nhắc đến tại các Hội nghị những năm qua; và trong Hội nghị vừa kết thúc chiều ngày 18/10/2016, những con số thiệt hại do giải ngân chậm đã được các nhà tài trợ chỉ ra.
“Giải ngân chậm làm mất đi các cơ hội phát triển cho Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh nợ công đang tăng cao, để giữ được nợ công ở ngưỡng 65% GDP thì vấn đề giải ngân vốn ODA có ảnh hưởng không nhỏ”, ông Remi Genevey – Giám đốc quốc gia AFD tại Việt Nam lưu ý.
Theo ông Rustam Ishenaliev – Trưởng phòng Quản lý dự án Văn phòng ADB tại Việt Nam, trung bình thời gian từ khi ký đến khi có hiệu lực là 8 tháng, các khoản cho vay lại kể từ khi ký xong hiệp định đến khi dự án được phê duyệt mất 9-12 tháng. Từ khi ký kết đến khi có hợp đồng tư vấn vay đầu tiên thời gian trung bình mất 2 năm, và đến khi có hợp đồng thi công hay hợp đồng cung cấp hàng hóa đầu tiên tính trung bình mất 3 năm…
Ông Ishenaliev cũng chỉ ra sự lãng phí thời gian và cả tiền bạc do chậm trễ: Trong năm 2015, có tới 16/35 món vay (46% số khoản vay) do 6 ngân hàng tài trợ theo kế hoạch lẽ ra đã kết thúc nhưng lại phải kéo dài thêm thời gian, có dự án thêm 2 năm có dự án hơn thế. Kết quả nghiên cứu của ADB cho thấy cứ chậm thực hiện dự án 1 năm thì chi phí tăng thêm 17,6% chưa kể tăng chi phí tái định cư, và lợi ích của dự án giảm mất đi 11,1%. Nếu chậm trễ 2 đến 3 năm, chi phí sẽ tăng thêm tới 50%.
Bà Lee Yoon Mee, Phó trưởng đại diện KEXIM Bank tại Việt Nam cũng cho rằng, chậm giải ngân sẽ làm tăng chi phí và lệ phí, tăng tổng chi phí dự án, nhất là phần chi phí xây dựng, tăng thêm các khoản chi phí tư vấn, quản lý dự án, lãi suất phải trả trong thời gian thi công… Chưa kể cơ quan Chính phủ đứng trước rủi ro phải nộp phạt do vi phạm hợp đồng. Tất cả những điều đó sẽ làm suy giảm mức độ tín nhiệm của Việt Nam.
“Khoản ODA của giai đoạn 2016-2020 chưa giải ngân là 22 tỷ USD. Dự kiến con số giải ngân trong giai đoạn này là 25-30 tỷ USD, tức là 5 đến 6 tỷ USD/năm. Quốc hội, Chính phủ Việt Nam hãy hỗ trợ để thúc đẩy giải ngân”, bà Lee thúc giục.
Theo số liệu của nhóm 6 ngân hàng phát triển, số tiền giải ngân 9 tháng của JICA là 1,3 tỷ USD, WB là 691 triệu USD, ADB là 639 triệu USD, KEXIM là 75 triệu USD và AFD là 18 triệu USD, còn của KfW là 78,5 triệu USD.
Trong khi theo báo cáo của ông Nguyến Thế Phương – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các hiệp định ký kết trong 9 tháng thuộc nhóm 6 ngân hàng phát triển đó gồm có: JICA 2,3 tỷ USD, WB 2 tỷ USD, ADB 171 triệu USD, AFD 137 triệu USD, KfW 87 triệu USD và KEXIM 52 triệu USD. Tổng số vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký trong 9 tháng qua là 4,9 tỷ USD. Tổng số giải ngân trong 9 tháng là 2,6 tỷ USD.
“Chỉ còn 2 tháng nữa, mà vốn ODA mới giải ngân được 52% số vốn ký kết. Chúng ta phải làm sao giải ngân được nhiều nhất”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhắc nhở.
Phó Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi làm việc chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và các nhà tài trợ thống nhất để thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tiếp nhận và sử dụng ODA cải thiện tình hình thực hiện và giải ngân nguồn vốn quan trọng này.
Ông lưu ý các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm nâng cao chất lượng chuẩn bị, triển khai dự án để tiết kiệm chi phí, chủ động phối hợp, thường xuyên kiểm điểm tình hình thực hiện, tháo gỡ vướng mắc để thúc đẩy giải ngân. Tăng cường cơ chế phân cấp ủy quyền cho các cơ quan chủ dự án ODA để tái phân bổ vốn ODA trong các dự án đã được phê duyệt, bố trí kịp thời vốn đối ứng, giải quyết vấn đề giải phóng mặt bằng…
“Chậm giải ngân dẫn đến gia hạn dự án tăng lên, đội chi phí… Khắc phục các hạn chế, thúc đẩy giải ngân ODA là điều đặt ra cấp bách, nhất là trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, nợ công tăng lên…”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.