Giảm chi phí logistics từ đâu?
Tích hợp chức năng phát triển logistics vào Ủy ban Một cửa Quốc gia và Tạo thuận lợi thương mại | |
Tiềm năng lớn, thách thức không nhỏ |
Theo phân tích của các chuyên gia, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm từ 16 – 20%/năm, nhìn về tiềm năng lâu dài, có thể nói ngành logistics Việt Nam sẽ là “con gà đẻ trứng vàng” đối với nền kinh tế đất nước, song trước mắt những khó khăn vẫn chưa thể một sớm một chiều thay đổi. Bởi, sở dĩ những khó khăn, vướng mắc này không chỉ đến từ những yếu điểm, tồn tại của các DN trong ngành mà còn do những khó khăn khách quan bên ngoài.
Ảnh minh họa |
Theo Tổ chức APICS Supply Chain Council, hiện nay tại Việt Nam có hơn vài ngàn DN đăng ký hoạt động trong lĩnh vực logistics hoặc liên quan. Tuy nhiên, đa phần (chiếm đến 75%) những DN này thực chất là đại lý, công ty vận tải với quy mô rất nhỏ từ 1-5 chiếc xe tải, hay đại lý môi giới, công ty cho thuê kho bãi... Chỉ có một số ít DN logistics ở Việt Nam có tiềm lực mạnh và làm đúng chức năng của ngành nghề này một cách thực sự.
Ông Julien Brun, CEL Consulting nhận định, do hạn chế ứng dụng công nghệ, chưa xây dựng và chuẩn hóa quy trình vận hành, không đầu tư vào chiến lược kinh doanh, tầm nhìn dài hạn và khả năng bao quát tổng thể trên toàn chuỗi giá trị, xây dựng phát triển năng lực đội ngũ, nên đa phần DN logistic tại Việt Nam còn loay hoay tìm hướng phát triển. Ngoài ra, việc vừa xây dựng chiến lược kinh doanh trong lúc vận hành hoặc thậm chí là không có chiếc lược nên dẫn đến tình trạng giữa các DN cạnh tranh về giá khốc liệt, thiếu sự liên kết.
Điều đáng nói, chỉ rất ít DN logistics trong nước thực sự có lợi nhuận, còn lại đều phải dựa vào những mảng kinh doanh khác. Chính vì vậy, theo ông Julien Brun DN logistics Việt cần phải nhanh chóng thay đổi và khắc phục những khuyết điểm nêu trên trước khi đón đầu xu thế và cơ hội trong tương lai. Việc mỗi DN tự nâng cao năng lực sẽ tạo nên động lực phát triển trong toàn ngành logistics.
Mặc dù vậy, theo Hiệp hội DN logistics Việt Nam, đó chỉ là những yếu tố nội tại, bên trong có thể thay đổi được. Còn những yếu tố tác động bên ngoài liên quan trực tiếp đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh của những DN logistics khó thay đổi một sớm một chiều.
Thực tế hiện nay, muốn giảm chi phí logistics không chỉ phụ thuộc vào mỗi DN, bởi để ngành này thực sự phát triển cần phải có cơ chế chính sách, hạ tầng kết cấu giao thông đồng bộ, nguồn nhân lực chất lượng cao và sự phối hợp từ các nhà sử dụng dịch vụ...
Một chuyên gia trong lĩnh vực này phân tích, khoảng 1/3 đến 2/3 chi phí logistics của DN là chi phí vận tải, nên việc cắt giảm chi phí vận tải có tầm quan trọng trong việc cắt giảm chi phí logistics. Chi phí vận tải phụ thuộc vào thời gian, quãng đường và giá trị, khối lượng hàng hóa, vật tư. Hàng hóa có khối lượng nhỏ, giá trị thấp thì chi phí vận tải thấp.
Ngoài ra, khoảng cách, vị trí của các kho chứa hàng hóa cũng như các trung tâm phân phối so với nơi sản xuất cũng quyết định chi phí. Vận tải có vai trò lớn trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ logisticsvà năng lực cạnh tranh của các DN sản xuất cũng như các nhà kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa vì nó vận chuyển hàng hóa, vật tư đến đúng nơi mà khách hàng cần, đúng thời gian với chi phí thấp nhất.
Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng chính là không có hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải phát triển hoàn chỉnh thì hoạt động logistics nói chung và hoạt động vận tải nói riêng không thể phát huy lợi thế. Vì vậy, việc cải tiến hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đóng một vai trò quan trọng trong việc hạ chi phí vận tải hàng hóa. Việc chọn phương thức vận tải thích hợp, một công việc hàng đầu của các nhà cung cấp dịch vụ logistics, cũng là yếu tố giúp giảm chi phí toàn ngành.
Hiện nay, khoảng 90% hàng hóa xuất nhập khẩu của nước ta được chuyên chở bằng đường biển, vận tải đường bộ chiếm khoảng 75% hàng hóa vận tải nội địa. Việc thuê ngoài vận tải cũng chưa phát triển. Việc liên kết của các phương thức vận tải còn là khâu yếu kém. Vận tải đa phương thức chưa phát triển. Giá cước vận tải chưa thực sự cạnh tranh. Chất lượng dịch vụ vận tải chưa đáp ứng yêu cầu của khách hàng về đúng thời gian...
Nếu khắc phục được những nhược điểm này, ngành logistics Việt Nam mới có cơ hội tái cơ cấu lại giá thành từ đó giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh.