Tiềm năng lớn, thách thức không nhỏ
Logistics tạo đà cho xuất khẩu | |
Thu hút nhà đầu tư vào logistics |
Ảnh minh họa |
Vận chuyển hàng hóa đa phương thức (logistics) đang dần trở thành ngành có đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, giải quyết việc làm. Theo đánh giá của chuyên gia logistics Ngô Văn Mỹ, giảng viên trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng thì ngành này đang trở thành ngành kinh tế tiềm năng của Việt Nam, nhất là sau khi nước ta tham gia ký kết hiệp định thương mại tự do với các nước và tổ chức quốc tế.
Tuy nhiên, những năm gần đây, logistics đang đứng trước nhiều thách thức, cùng sự cạnh tranh ngày cao, khiến DN “đau đầu” tìm chiến lược để phát triển lâu dài. Trước sức ép hội nhập kinh tế quốc tế sâu, rộng như hiện nay, DN thuộc lĩnh vực này gặp phải nhiều khó khăn lớn như điều kiện kho bãi, thời gian giao nhận hàng, đơn giá cước vận tải... Trong đó, vấn đề cốt lõi là sự liên kết giữa các DN trong cùng lĩnh vực để khai thác hết “tài nguyên”, năng lực của các bên.
Thị trường logistic Việt Nam có tiềm năng rất lớn, nhưng các DN chưa khai thác hết bởi nhiều nguyên nhân, như tiềm lực tài chính hạn chế; chưa có sự liên kết giữa các DN, DN với chính quyền và DN với các đối tác đang quản lý hạ tầng. Thực tế cho thấy, Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ khuyến khích trực tiếp, giúp DN mạnh tay đầu tư. Ngành logistics liên quan đến tài nguyên đất đai để làm kho bãi, hạ tầng giao thông, sự kết nối giữa sân bay, cảng biển, ga đường sắt… Đây là những vấn đề lớn mang tầm quốc gia, nằm ngoài khả năng của các DN.
Ngoài yếu tố liên quan đến cơ chế quản lý Nhà nước, ông Mỹ phân tích thêm, trong điều kiện như vậy, nếu DN chủ động hợp tác, đổi mới công nghệ, đầu tư phát triển nguồn nhân lực thì chắc chắn sẽ thích ứng và phát triển bền vững, nếu không, năng lực cạnh tranh sẽ bị sụt giảm và có thể bị loại trừ khỏi “cuộc chơi”.
Còn theo ông Tô Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng, Tổng giám đốc công ty cổ phần Saigonship Đà Nẵng - một DN có thâm niên trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa đa phương thức, thì yếu tố con người sẽ quyết định cho sự thắng bại của một DN vận tải trong thời kỳ hội nhập sâu, rộng. Ông cho rằng, phải đầu tư từ khâu tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực.
Một yếu tố khác mà ông Hiệp cũng đề cao đó là việc liên kết, tham gia, gia nhập vào các hiệp hội chuyên ngành. Theo ông, để thành công trước thách thức hội nhập thì DN phải tham gia hiệp hội. Bởi khi đó, các DN mới biết được “sân chơi” hoạt động như thế nào, nhu cầu thực tế ra sao và thị trường đòi hỏi cái gì để đáp ứng. Nếu không, các DN cũng chỉ là đơn vị làm thuê thứ cấp, mô hình hoạt động đơn lẻ.
Các DN Việt cần có sự đồng thuận, đoàn kết để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, cùng nhau phát triển. Đây là vấn đề thực tế, khiến nhiều DN làm ăn chân chính đau đầu. Do đó, theo ông Hiệp, các DN phải tuân thủ luật pháp, tuân thủ sân chơi.
Cùng với đó, các DN phải tự hoàn thiện, đầu tư nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ thông qua việc thay đổi thái độ phục vụ, đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao và nâng cao việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản trị DN, điều hành hoạt động kinh doanh. Có như vậy, mới có thể đứng vững trước những thách thức.