Giảm lãi suất cho vay nhưng phải tuân thủ nguyên tắc thị trường
5 nội dung, 10 nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế
Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ xác định tái cơ cấu nền kinh tế mạnh mẽ và thực chất theo hai trụ cột bổ trợ và tăng cường lẫn nhau, bao gồm: Trụ cột thứ nhất, đổi mới toàn diện phương thức quản lý nhà nước về kinh tế, xây dựng Nhà nước liêm chính và kiến tạo, để thị trường có vai trò ngày càng quan trọng trong huy động và phân bổ các nguồn lực xã hội và Trụ cột thứ hai, tập trung tái cơ cấu và hiện đại hóa các ngành kinh tế và vùng kinh tế, nâng cao năng suất và giá trị gia tăng của từng ngành và của nền kinh tế.
Ảnh minh họa |
Trên cơ sở mục tiêu và quan điểm (bao gồm 2 trụ cột tái cơ cấu kinh tế) nêu trên, Chính phủ đưa ra 5 nội dung tái cơ cấu kinh tế trọng tâm và các nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế cụ thể, trong đó có 10 nhiệm vụ tái cơ cấu ưu tiên.
Các nội dung tái cơ cấu trọng tâm được xác định là: Thứ nhất, thát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài; Thứ hai, tái cơ cấu khu vực kinh tế nhà nước: tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu NSNN và khu vực dịch vụ sự nghiệp công; Thứ ba, tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu các TCTD và thị trường chứng khoán; Thứ tư, hiện đại hóa công tác quy hoạch, cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; Thứ năm, tái cơ cấu thị trường các nhân tố sản xuất quan trọng, bao gồm thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động và thị trường khoa học công nghệ.
Để thực hiện 5 nội dung tái cơ cấu trọng tâm nêu trên, đạt được các chỉ tiêu đề ra, Kế hoạch đề ra 10 nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế có tính ưu tiên cao, cần được tập trung nguồn lực thực hiện, bao gồm: (1) Cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân ở cả cấp Trung ương và địa phương; (2) Kiên quyết cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước một cách thực chất theo lộ trình và kế hoạch đã được phê duyệt; (3) Hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư công ; (4) Tái cơ cấu các đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ công theo hướng tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và chịu áp lực cạnh tranh thị trường; (5) Đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu và và áp dụng tiêu chuẩn Basel II tại các TCTD; (6) Mở rộng quy mô, gia tăng số lượng và cải thiện chất lượng nhà đầu tư, các sản phẩm hàng hóa; và nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu và thị trường bảo hiểm; (7) Hiện đại hóa công tác quy hoạch và kế hoạch; (8) Tập trung phát triển và tái cơ cấu các ngành kinh tế ưu tiên, dựa trên các sáng kiến và dự án đề xuất và thực hiện bởi khu vực doanh nghiệp; (9) Khuyến khích mở rộng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc tương đương trở lên, theo các quy định sản xuất xanh, sạch, phát triển hệ thống phân phối hàng nông sản và bảo đảm chất lượng nông sản trên thị trường; (10) Bãi bỏ hoặc nới lỏng các quy định đang cản trở tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, tiến tới hoàn thiện khung khổ pháp luật thúc đẩy thị trường đất đai hoạt động hiệu quả.
Giảm lãi suất cho vay nhưng phải tuân thủ nguyên tắc thị trường
Thẩm tra Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị, cần làm rõ mô hình tăng trưởng từ đó mới có căn cứ để định hướng tái cơ cấu kinh tế 5 năm tới; nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt trong chỉ đạo và thực hiện, đó là: Tập trung phân bổ lại, khai thác hiệu quả các nguồn lực, loại bỏ cách tiếp cận theo hướng xin-cho; nhanh chóng khoanh vùng xử lý các vấn đề tồn đọng một cách kịp thời, tránh ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác, đe dọa các thành quả kinh tế-xã hội và sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
“Những vấn đề tồn đọng cần hoàn thành trong 2 năm đầu của Kế hoạch để tập trung nguồn lực tái cơ cấu các lĩnh vực khác. Gắn tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng với hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là thu hút nguồn lực cho tăng trưởng trong xu thế của cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tái cơ cấu gắn với kết quả là đời sống người dân tốt hơn” – ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết.
Về mục tiêu cụ thể, Ủy ban Kinh tế đề nghị nhấn mạnh các nội dung: Tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô, khai thác hiệu quả nguồn lực cho tăng trưởng; Chuyển đổi mạnh mô hình tăng trưởng từ dựa vào gia tăng số lượng yếu tố đầu vào sang gia tăng các yếu tố thúc đẩy tăng năng suất lao động, tập trung cải cách bộ máy chính quyền, xây dựng thể chế, phát triển doanh nghiệp trong nước, nâng cao chất lượng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; Nâng cao trình độ, hiệu quả của một số ngành kinh tế chủ lực, ưu tiên; Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập và khai thác lợi thế từ các FTA thế hệ mới, thúc đẩy cải cách kinh tế trong nước, phân bổ nguồn lực hiệu quả; Bảo đảm tăng trưởng xanh gắn kết tăng trưởng và bảo vệ, phục hồi môi trường.
Một số chỉ tiêu được Chính phủ dự kiến trình trước đây như “cắt giảm lãi suất cho vay trung bình xuống mức chênh lệch hợp lý ở mức cụ thể là từ 2-3% so với mức lạm phát”, “dự trữ ngoại hối khoảng 4-5 tháng nhập khẩu”, Ủy ban Kinh tế cho rằng quy định cụ thể như vậy là khó khả thi, Chính phủ đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Kinh tế và không trình Quốc hội nội dung này. Định hướng giảm lãi suất cho vay là cần thiết nhưng cần tuân thủ nguyên tắc thị trường, không nên can thiệp hành chính, đề nghị cần có các giải pháp quyết liệt xử lý nợ xấu, tăng cường quản trị ngân hàng để các tổ chức tín dụng giảm chi phí trong hoạt động, từ đó giảm lãi suất cho vay.