Giành lại thị trường xuất khẩu chính
Thủy sản xuất khẩu: Nỗi lo nguồn nguyên liệu | |
10 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất tính đến 15/8 |
Chương trình thanh tra bắt buộc đối với cá và sản phẩm cá bộ Siluriformes đã được Cơ quan Thanh tra và An toàn thực phẩm Mỹ (FSIS) áp dụng điều 9CFR557 về nhập khẩu chính thức từ ngày 2/8 thay vì 1/9/2017 như thông báo trước đây.
DNXK của Việt Nam phải tổ chức lại sản xuất để đáp ứng được yêu cầu của thị trường |
Theo đó, tất cả các lô hàng cá bộ Siluriformes nhập khẩu vào Mỹ sẽ được FSIS thực hiện kiểm tra tại các cơ sở kiểm tra nhập khẩu chính thức do cơ quan thẩm quyền nước này chỉ định. Dự báo, trong thời gian đầu áp dụng cho đến hết năm 2017, xuất khẩu (XK) cá tra sang thị trường Mỹ sẽ giảm do sự chuyển giao giữa FDA sang FSIS bởi năng lực kiểm tra của hai cơ quan này khác nhau.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), 6 tháng đầu năm 2017, tổng giá trị XK cá tra đạt 836,4 triệu USD, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng XK cá tra sang Mỹ đạt 176,4 triệu USD, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy vậy, Mỹ tiếp tục là thị trường dẫn đầu XK cá tra của Việt Nam. Bên cạnh đó phải kể đến một thị trường xuất khẩu lớn khác của Việt Nam là Liên minh châu Âu (EU) cũng đang trên đà sụt giảm buộc các DN chuyển hướng đẩy mạnh sang một số thị trường tiềm năng khác như Trung Quốc, Brazil, Mexico, Colombia và Ảrập Xêut...
Hiện tại, Việt Nam vẫn có 14 DN cá tra tham gia XK sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, chỉ có 3 DNXK chính sang thị trường này với khối lượng và giá trị đáng kể là Vinh Hoan Corp, Hung Vuong Corp và Bien Dong Seafood do thuế chống bán phá giá cao.
Một phó tổng giám đốc của DNXK cá tra sang Mỹ cho biết, đến nay giai đoạn rà soát lần thứ 14 (POR14) của vụ kiện chống bán phá giá đối với sản phẩm cá tra, basa đã kết thúc và các DNXK cá tra Việt Nam đang bước sang kỳ rà soát mới. Dự kiến khoảng tháng 9/2017, Bộ Thương mại Mỹ sẽ có kết quả sơ bộ của kỳ POR13, lúc đó mức thuế suất như nào sẽ có tác động rất nhiều đến năng lực XK của các DN Việt sang thị trường chính này.
Ông Dương Quốc Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam phân tích, nửa đầu năm nay, XK cá tra Việt Nam sang các thị trường lớn gặp rất nhiều rào cản và khó khăn. Nguyên nhân dẫn đến kim ngạch XK cá tra vào Mỹ, EU sụt giảm ngoài hàng rào kỹ thuật, kiểm duyệt gắt gao, mức thuế áp cao, còn phải kể đến vấn đề hiện nay 100% lô hàng cá tra của Việt Nam khi XK sang hai thị trường chính còn bị kiểm tra về nhãn mác, các thông số ghi trên bao bì và dư lượng hóa chất.
Điều này đã tác động ngược lại sản xuất trong nước, giá cá tra nguyên liệu và cá giống tăng giảm thất thường. Để tăng giá trị XK sang Mỹ và EU, các DNXK cá tra cần thay đổi tư duy và chiến lược để lấy lại cân bằng và bứt phá.
Bàn về vấn đề này, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep cho rằng, để ngành hàng cá tra phát triển bền vững, thời gian tới DN cần thúc đẩy việc cải thiện chất lượng ngành cá tra về con giống, thương phẩm, chế biến, môi trường. Bên cạnh đó, phát triển thị trường trong nước và quốc tế, thúc đẩy cạnh tranh và tái cấu trúc ngành hàng cá tra, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng hình ảnh và thương hiệu cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Muốn làm được điều này, trước tiên DNXK của Việt Nam phải tổ chức lại sản xuất để đáp ứng được yêu cầu của thị trường, đồng thời phải chứng minh được những điểm tương đồng về giống chăn nuôi, chế biến và các mã bao bì. Đối với thị trường EU, DN Việt Nam phải chuẩn bị các điều kiện để khi Hiệp định giữa Việt Nam và EU có hiệu lực thực hiện.
Nhìn về chặng đường phía trước Vasep cũng đưa ra dự báo, giá trị XK thủy sản nửa cuối năm 2017 sẽ đạt 4,46 tỷ USD, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2016 và tăng 23% so với nửa đầu năm 2017. Tổng XK thủy sản cả năm 2017 sẽ đạt khoảng 8 tỷ USD, tăng 14% so với năm trước.
Trong đó, tổng giá trị XK thủy sản sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu của thị trường gia tăng cùng với sự điều chỉnh cơ cấu sản phẩm và thị trường tốt hơn. Tuy nhiên, khó khăn từ thị trường Mỹ, EU đối với sản phẩm cá tra sẽ hạn chế phần nào mức tăng trong năm nay.
Những ưu đãi về thuế quan trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) sẽ mang lại cơ hội cho các DN thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU. Qua đó, mở rộng tiềm năng sang các thị trường nhập khẩu khác cũng như tham gia vào chuỗi giá trị thủy sản toàn cầu. Ngay khi EVFTA có hiệu lực, khoảng 50% số dòng thuế của EU dành cho thủy sản Việt Nam sẽ được xóa bỏ. 50% số dòng thuế còn lại được xóa bỏ theo lộ trình từ 3-7 năm. |