Giày dép xuất khẩu: Những thách thức đang chờ phía trước
Cửa rộng cho xuất khẩu giày dép | |
Giày dép Việt lép vế tại sân nhà |
Tăng trưởng khả quan
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch nhóm hàng này trong quý I/2018 ước đạt trên 3,444 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc sụt giảm kim ngạch xuất khẩu giày dép những tháng đầu năm so với cuối năm trước lâu nay vẫn là quy luật. Số liệu thống kê hải quan nhiều năm qua cho thấy, chu kỳ xuất khẩu của hàng giày dép các loại thường bắt đầu tăng từ quý II và đạt mức cao nhất vào quý IV.
Xuất khẩu giày dép của Việt Nam tại các thị trường chủ lực |
Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (Lefaso) ghi nhận, giá trị xuất khẩu nhóm hàng giày dép các loại của DN Việt Nam liên tục tăng qua các năm: năm 2013 là 8,4 tỷ USD; năm 2014 là 10,3 tỷ USD; năm 2015 là 12 tỷ USD, năm 2016 đạt 13 tỷ USD và năm 2017 đạt 14,6 tỷ USD (tăng 12,3 % so với năm 2016), đạt trung bình 1,216 tỷ USD/tháng. Với năm 2018, ngành này đang đặt mục tiêu xuất khẩu đạt từ 19,5-20 tỷ USD (bao gồm cả túi xách), tăng khoảng 10% so với năm 2017.
Là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta, da giày Việt Nam cũng duy trì thứ hạng cao trong các nước xuất khẩu hàng đầu ra thị trường thế giới. Trang cơ sở dữ liệu về thương mại của Cơ quan Thống kê Liên hợp quốc (Comtrade) cho biết xuất khẩu nhóm mặt hàng giày dép của Việt Nam hiện đứng thứ 2 thế giới về trị giá kim ngạch, chỉ xếp sau Trung Quốc.
Hiện nay, mặt hàng giày dép của Việt Nam đã được tiêu thụ tại hơn 100 thị trường trên thế giới. Còn theo tạp chí World Footwear Magazine, năm 2017 Việt Nam đã xuất khẩu 1,02 tỷ đôi giày dép các loại trong tổng số hơn 27 tỷ đôi giày dép xuất khẩu trên toàn thế giới, chiếm 7,4% thị phần ngành hàng này trên phạm vi toàn cầu.
Có được kết quả này, một phần do cải thiện được xu hướng xuất khẩu vào Mỹ - đối tác lớn nhất nhập khẩu hàng giày dép của Việt Nam. Năm 2017, Mỹ nhập khẩu tới 2,38 tỷ đôi giày với trị giá nhập khẩu 25,14 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam thu 5,4 tỷ USD xuất khẩu giày dép sang Mỹ, tăng 11% so với năm trước đó, chiếm 17% thị phần nhập khẩu giày dép Mỹ. Bộ Thương mại nước này ghi nhận 17 năm liên tiếp tăng trưởng “ấn tượng” của giày dép Việt Nam để đạt được kết quả nêu trên.
Cơ hội tiếp cận thị trường này có được sau khi Trung Quốc liên tục giảm xuất khẩu sang Mỹ trong vòng 7 năm qua, đến năm 2017 đạt mức kim ngạch thấp nhất trong lịch sử thương mại ngành hàng này 20 năm gần đây. Tuy nhiên, bất chấp sự cải thiện xuất khẩu vào Mỹ, Trung Quốc vẫn gấp Việt Nam 4 lần về lượng giày dép xuất khẩu vào thị trường này. Tính trên phạm vi toàn cầu, Trung Quốc hiện chiếm khoảng 34% thị phần ngành giày dép, cung cấp tới 9,3 tỷ đôi vào năm 2017.
Thách thức dần xuất hiện
Có khoảng cách rất xa so với đối thủ dẫn đầu, nhưng đồng thời giày dép Việt cũng phải cạnh tranh mạnh hơn với các đối thủ hạng dưới, vốn dĩ cũng đang đặt lợi thế vào nhân công giá rẻ. Nhiều đối thủ đang nổi lên đối với giày dép Việt là Bangladesh, Myanmar… Cùng với nhân công giá rẻ, các nhà xuất khẩu này còn được hưởng các ưu đãi thuế quan tại một số thị trường quan trọng như EU, dẫn đến một số đơn hàng sản phẩm đơn giản đã rời khỏi Việt Nam để tới các quốc gia này.
Ở một khía cạnh khác, dù xuất khẩu giày dép đứng thứ hai thế giới nhưng thị phần còn ở mức thấp cho thấy năng lực sản xuất ngành này ở trong nước còn nhiều hạn chế, cơ hội tiếp cận thị trường nước ngoài vẫn còn nhiều nhưng DN chưa nắm bắt tốt, đồng thời cũng cho thấy cuộc cạnh tranh trong tương lai sẽ còn nhiều cam go.
Trên thực tế, năng lực sản xuất ngành giày dép Việt Nam cũng đã cải thiện nhiều trong vòng mấy năm gần đây. Các thống kê cho thấy lượng DN tham gia xuất khẩu giày dép liên tục tăng qua các năm: năm 2014 là 467 DN, năm 2015 là 617 DN, năm 2016 là 751 DN và năm 2017 có tất cả 863 DN. Tuy nhiên, các DN FDI luôn đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu giày dép của Việt Nam.
Cụ thể, trong số 14,65 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này trong năm 2017 thì xuất khẩu của các DN FDI đã là 11,78 tỷ USD, chiếm tỷ trọng hơn 80%. Nhìn về xu hướng, tỷ trọng này liên tục tăng qua các năm: năm 2013 là 76,5%, năm 2014 là 76,6%, năm 2015 là 79,5%, năm 2016 là 80,6%.
Việc xuất khẩu giày dép phụ thuộc vào DN FDI, trong bối cảnh liên kết giữa DN thuộc các thành phần kinh tế còn hạn chế, đặt ra thách thức đối với các DN trong nước. Số liệu thực tế cho thấy trong khoảng 5 năm gần đây, DN trong nước rất khó khăn khi mở rộng sản xuất. Tỷ trọng xuất khẩu của DN trong nước giảm từ mức 23,5% năm 2013 xuống còn 19,4% năm 2017.
Lefaso đánh giá, vấn đề lớn nhất hiện nay là cải thiện năng suất. Theo hiệp hội này, năng suất lao động của DN da giày trong nước chưa bằng 50% của DN FDI. Trong khi đó, khảo sát của Lefaso cho thấy 75% DN da giày rất khó khăn trong việc đầu tư ứng dụng tự động hóa, chỉ có khoảng 20% bắt đầu ở quy mô nhỏ, dưới 5% đang có kế hoạch xây dựng...
Năng suất thấp đang làm giảm lợi thế nhân công giá rẻ của Việt Nam, khiến cho sức cạnh tranh khi tiếp nhận các đơn hàng nước ngoài của DN có những hạn chế nhất định. Cùng với đó, tay nghề người lao động cũng còn rất hạn chế khiến DN khó tiếp cận các sản phẩm giày dép ở phân khúc giá cả cao hơn, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm...
Theo tính toán của Lefaso, nếu áp dụng mô hình tốt, phương pháp quản lý hiệu quả thì mới giải quyết bài toán về năng suất lao động hiện nay, giúp tăng trưởng ngành da giày có thể gấp 1,5-2 lần hiện tại. Hệ quả là DN cạnh tranh tốt hơn và xuất khẩu giày dép sẽ tiếp xu hướng tăng thị phần, tiến đến các phân khúc cao hơn…