Gỡ khó cho doanh nghiệp tư nhân
Đông nhưng yếu
Có thể thấy, DN tư nhân Việt Nam trong những năm gần đây mở rộng khá nhanh về số lượng, nhưng yếu tố chất lượng và sự bền vững còn yếu. Báo cáo mới đây của VCCI cho biết, 96% DN Việt Nam là DN tư nhân, trong đó đa phần là các DN quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ (gọi chung là các DNNVV). Đông về số lượng, là “điểm đỡ” cho nền kinh tế khi khó khăn, nhưng trong Báo cáo Bảng xếp hạng 500 DN lớn nhất Việt Nam vừa công bố thì thành phần chủ đạo đứng đầu của VNR 500 năm 2014 vẫn là khối DNNN.
Trong bảng xếp hạng trên, DN tư nhân chiếm đến 44%, nhưng tổng doanh thu chỉ chiếm 18,6% tổng doanh thu toàn bảng xếp hạng, giảm 0,8% so với năm trước. Xét về tỷ số lợi nhuận ròng trên tổng tài sản (ROA), DN tư nhân trong nước có hệ số ROA trung bình đạt 5,7%, đồng nghĩa với mỗi 100 đồng giá trị tài sản tạo ra chưa đến 6 đồng lợi nhuận. Đây là mức thấp nhất so với khối DN FDI (13%) và khối DNNN (6,2%).
Tăng cường khả năng cho vay tín chấp và phát triển hình thức cho thuê tài chính, giúp DNNVV tăng năng lực sản xuất |
Không chỉ với các DN nhỏ và siêu nhỏ, ngay cả các DN tư nhân được xem là lớn và trung bình thì vẫn có phần rất khiêm nhường khi đứng cạnh các DNNN hay các DN FDI.
Nguyên nhân đầu tiên, quan trọng nhất của thực trạng trên được Báo cáo VNR500 nhấn mạnh, đó là việc thiếu vốn kinh doanh đã làm hạn chế khối DN này phát huy hết tiềm năng của mình, lấy đi sự tự tin của các DN vốn được đánh giá là năng động và sáng tạo nhất của nền kinh tế.
Khó khăn này được nói đến từ lâu và rất nhiều lần, bà Bùi Thu Thủy - Phó cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng nhắc lại vấn đề này tại hội thảo “Thách thức phát triển DN năm 2015”, diễn ra ngày 27/1 vừa qua. Nhưng vì sao nói mãi về khó khăn này mà DN tư nhân vẫn cứ khó?
Theo TS. Cấn Văn Lực, khó khăn lớn nhất trong khả năng tiếp cận vốn của các DN tư nhân, đặc biệt các DNNVV, là nhiều DN hoặc không trình bày được phương án sản xuất kinh doanh khả thi. Một vướng mắc khác là các DN không cung cấp thông tin đầy đủ cho phía NH như về tài chính, sổ sách kế toán, minh bạch về sở hữu, lịch sử và triển vọng kinh doanh của họ. Tính liên kết giữa các DN cũng chưa tốt để NH nhìn thấy chuỗi cung ứng trong đó mà cho vay ra tốt hơn.
Bà Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng thư ký Hiệp hội NH cũng khẳng định, khi sức khỏe của DN không đạt được chỉ số tài chính thì việc nắm bắt cơ hội phát triển và cạnh tranh khó khăn hơn. DN “không khỏe”, nếu NH đầu tư thì lại chậm thực hiện tái cơ cấu và nợ xấu càng phát sinh...
Khoảng trống pháp lý và năng lực quản trị
Ý kiến của ông Lực, bà Hạnh liên quan đến vấn đề mà luật sư Trương Thanh Đức chỉ ra thực chất hơn, đó là khoảng trống về luật pháp và chính sách. Khoảng trống này có ở cả DN cần vốn lẫn DN không cần vay vốn. “Nhiều người cứ kêu ca là 50-70% DNNVV không tiếp cận được vốn. Nói như vậy là nói cho vui thôi. Theo tôi, vẫn có nhiều DNNVV không cần vay vốn”, luật sư Đức nói.
Thêm nữa, DN tư nhân cũng còn thiếu hiểu biết các quy định pháp lý kế toán, quản lý tài chính, thuế và quy định pháp lý có liên quan. Bên cạnh đó, không ít DN do thiếu thông tin về chính sách nên không biết mình được ưu đãi hay hỗ trợ gì, để rồi vẫn kêu rằng “không được quan tâm gì”.
Để tháo gỡ khó khăn cho DN, theo bà Thủy cần mở rộng áp dụng hình thức đánh giá tín nhiệm DN để tăng cường khả năng cho vay tín chấp và phát triển hình thức cho thuê tài chính, giúp DNNVV tăng năng lực sản xuất; đẩy nhanh tiến độ đưa Quỹ phát triển DNNVV vào vận hành, hỗ trợ vốn cho DN. Cùng với đó, cần có cơ chế thúc đẩy các quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động ở Việt Nam, đặc biệt liên quan đến đầu tư vào các DNNVV đổi mới sáng tạo.