Hà Nội duyệt quy hoạch phân khu đô thị H2-2 và H2-3
Quy hoạch các phân khu đô thị |
Đối với phân khu đô thị H2-2, diện tích đất nghiên cứu quy hoạch khoảng 2.624ha; dân số dự báo đến năm 2030 khoảng 207.000 người, dân số dự báo đến năm 2050 khoảng 240.000 người.
Về chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chính: Đất xây dựng đô thị khoảng 90 - 100m2 đất/người; đất dân dụng đô thị 75-80 m2 đất/người, bao gồm: Đất công trình công cộng hơn 5m2 đất/người, đất trường THPT, dạy nghề hơn 0,6m2 đất/người, đất cây xanh, thể dục thể thao hơn 7m2 đất/người, đất giao thông hơn 13m2 đất/người, đất đơn vị ở 30 - 40m2 đất/người.
Về tổ chức không gian quy hoạch kiến trúc toàn phân khu được xác định trên cơ sở mạng lưới đường cấp đô thị kết hợp với các yếu tố cảnh quan đặc thù trong khu vực như sông Tô Lịch, sông Nhuệ... Hệ thống cây xanh đô thị được tổ chức liên hoàn, kết nối chặt chẽ với các không gian cây xanh tập trung, cây xanh đường phố, các dải - cụm cây xanh phân tán trong nhóm ở. Liên kết hệ thống hồ điều hòa, mương, hồ, sông ... trong khu vực thành một hệ thống cảnh quan, thoát nước liên hoàn, đem lại hiệu quả tối đa trong sử dụng và đóng góp cho cảnh quan kiến trúc đô thị, nâng cao điều kiện môi trường, vi khí hậu.
Các công trình cao tầng được bố trí dọc các trục đường giao thông cấp đô thị nhằm tạo cảnh quan, khai thác hiệu quả quỹ đất hai bên đường và tại các khu vực có đủ điều kiện xây dựng cao tầng, không phá vỡ cảnh quan khu vực. Còn công trình thấp tầng, bố trí các lõi không gian công viên cây xanh, hồ điều hòa; khu vực làng xóm dân cư hiện có; các công trình di tích lịch sử - văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng...
Đối với phân khu đô thị H2-3, diện tích lập quy hoạch phân khu đô thị trên khoảng 2.237 ha; dân số đến năm 2030 là 223.000 người, dân số tối đa đến năm 2050 khoảng 258.000 người.
Về các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc: Đất xây dựng đô thị 86 -100m2/người; đất dân dụng đô thị 70 - 80m2/người. Các chỉ tiêu quy hoạch hạ tầng kỹ thuật tuân thủ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch khu vực, quy hoạch chuyên ngành và quy chuẩn xây dựng Việt Nam, các tiêu chuẩn thiết kế chuyên ngành.
Phần khu đô thị phát triển theo hình thái tự nhiên, dựa vào cảnh quan, bao gồm hệ thống mặt nước, sông, hồ hiện có: Sông Tô Lịch, sông Lừ, hồ Linh Đàm, hồ Định Công, hồ Đầm Hồng, hồ Phương Liệt, hồ Hạ Đình, hồ Thanh Liệt. Lấy sông Tô Lịch, sông Lừ làm trục hành lang xanh kết nối và xâu chuỗi toàn bộ hệ thống cây xanh công viên, hồ điều hòa, cảnh quan không gian mở đô thị. Liên kết với khu vực Vành đai xanh sông Nhuệ và với các dải, lõi xanh trong phân khu đô thị, khu ở, đơn vị ở tạo nên một phân khu đô thị mang tính chất đô thị xanh, sông nước, có môi trường sống tốt.
Cấu trúc không gian được tổ chức theo các tuyến trục và mạng lưới đường vành đai, hướng tâm, tạo thành các ô phố với lõi trung tâm khu ở, từ đó phát triển tiếp hệ thống lõi không gian đến các đơn vị ở hay ô quy hoạch nhỏ hơn.
Khung cấu trúc đô thị được xác lập trên các yếu tố: Địa hình cảnh quan tự nhiên, sông, hồ nước, các làng xóm, khu xây dựng hiện hữu, khung kết cấu giao thông đường bộ, đường sắt. Trên cơ sở đó tổ chức không gian đô thị như: Phát triển không gian "nén" cao tầng theo các trục chính đô thị Nguyễn Trãi - Quốc lộ 6, đường Tôn Thất Tùng kéo dài, đường Giải Phóng, đường Trường Chinh, Vành đai 2.5, Vành đai 3.
Tại một số điểm nhấn cao tầng trôn các trục tuyến, tạo nhịp điệu chiều cao cho các tuyến phố chính. Điểm nhấn toàn phân khu đô thị bố trí tại Khu đô thị Nam đường vành đai 3 với tầng cao khoảng 50 tầng…